Xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng theo thiết kế? Xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp?
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, các công trình xây dựng xuất hiện ngày càng nhiều với mật độ dày đặc. Các công trình là sản phẩm do con người tạo ra bằng chính sức lao động, trí tuệ và sự liên kết của rất nhiều vật liệu làm lên kết cấu công trình. Trên thực tế, dù công trình xây dựng có được thiết kế một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, khoa học cũng không thể tránh khỏi sự tàn phá của thiên nhiên và quá trình sử dụng của con người cũng như sự mài mòn theo thời gian. Hiện nay, có rất nhiều công trình sau một thời gian xây dựng và sử dụng thì xảy ra tình trạng hư hỏng và gây ra những ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng cho người sử dụng. Vì vậy, nếu các chủ thể có nhu cầu sử dụng tiếp đối với các công trình này thì cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng theo thiết kế:
Thời hạn sử dụng thực tế của công trình (tuổi thọ thực tế) là khoảng thời gian công trình được sử dụng thực tế, đảm bảo các yêu cầu về an toàn và công năng.
Theo Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định về xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng theo thiết kế có nội dung như sau:
– Các chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình xác định thời hạn sử dụng của công trình theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình.
– Đối với công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng trước khi công trình hết thời hạn sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thời điểm hết thời hạn sử dụng công trình và dự kiến phương án xử lý đối với công trình sau khi hết thời hạn sử dụng.
– Sau khi nhận được báo cáo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP sẽ có trách nhiệm công bố công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng trong danh mục trên trang thông tin điện tử của mình.
– Đối với việc xử lý đối với nhà chung cư hết thời hạn sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, cụ thể như sau:
Tại Khoản 1, Điều 99
Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư này để xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Việc tổ chức kiểm định cũng được thực hiện trong trường hợp nhà bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 99 Luật Nhà ở 2014.
Như vậy, khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng thì sẽ được xử lý theo hai hướng cụ thể như sau:
+ Trường hợp thứ nhất: Nhà chung cư vẫn còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn theo kết quả kiểm định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Trường hợp thứ hai: Nếu nhà chung cư đã bị hư hỏng nặng và nhận thấy có nguy cơ sụp đổ thì chủ sở hữu có trách nhiệm tháo dỡ; cải tạo lại nhà chung cư mới; hoặc bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu khu đất có nhà chung cư vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở thì chủ sở hữu được cải tạo; xây dựng thành nhà chung cư mới.
2. Xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp:
2.1. Quy định của pháp luật về xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp:
Theo Khoản 4 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ đưa ra quy định nội dung như sau:
– Đối với công trình hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp trừ đối tượng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm sau đây:
+ Thực hiện tổ chức kiểm tra, kiểm định để đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình và đề xuất phương án gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng công trình (nếu có), xác định thời gian được tiếp tục sử dụng công trình sau khi sửa chữa, gia cố.
+ Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng công trình (nếu có) để đảm bảo công năng và an toàn sử dụng.
+ Gửi 01 bản báo cáo kết quả thực hiện công việc quy định tại điểm a, điểm b khoản này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan để được xem xét và cho ý kiến về việc kéo dài thời hạn sử dụng của công trình, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ. Thời hạn xem xét và cho ý kiến về việc kéo dài thời hạn sử dụng công trình của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 14 ngày kể từ khi nhận được báo cáo.
+ Các chủ thể sẽ phải căn cứ kết quả thực hiện các công việc quy định tại điểm a, điểm b khoản này và ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 4 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp tục sử dụng công trình.
– Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình cá nhân hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện các công việc quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP và căn cứ vào kết quả thực hiện các công việc này để tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp tục sử dụng công trình, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 41 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, pháp luật đã đưa ra những quy định rất cụ thể đối với việc xử lý công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp. Việc sử dụng tiếp công trình này cần phải thông qua các quy trình cụ thể và các công trình này cần được thẩm định chất lượng bởi cơ quan chuyên môn. Pháp luật cũng quy định cụ thể các chủ thể cần phải có trách nhiệm về việc tiếp tục sử dụng công trình để tránh những rủi ro và thiệt hại xảy ra trong thực tiễn.
2.2. Trách nhiệm thông báo và thẩm quyền xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp:
Trách nhiệm thông báo và thẩm quyền xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp được quy định cụ thể như sau:
– Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với các công trình cấp đặc biệt thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình cấp I, cấp II trên địa bàn.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với các công trình còn lại trên địa bàn.
– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định về trách nhiệm thông báo và thẩm quyền xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp đối với công trình quốc phòng, an ninh.
– Riêng đối với nhà ở, thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Việc quyết định thời hạn tiếp tục sử dụng của công trình được căn cứ vào tình trạng kỹ thuật, yêu cầu sử dụng cụ thể, loại và cấp của công trình.
2.3. Các trường hợp không tiếp tục sử dụng đối với công trình hết thời hạn sử dụng:
Pháp luật quy định các trường hợp không tiếp tục sử dụng đối với công trình hết thời hạn sử dụng như sau:
– Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không có nhu cầu sử dụng tiếp.
– Kết quả kiểm tra, kiểm định để đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình cho thấy công trình không đảm bảo an toàn, không thể gia cố, cải tạo, sửa chữa.
– Công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục khai thác, sử dụng.
2.4. Thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình:
Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, các cơ quan sau tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình bao gồm:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình xây dựng nằm trên địa bàn tỉnh.
– Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với công trình chuyên ngành nằm trên địa bàn 02 tỉnh trở lên theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ có trách nhiệm:
– Thực hiện việc rà soát các công trình xây dựng không đủ cơ sở để xác định được thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
– Tổ chức thực hiện việc xác định thời hạn sử dụng, công bố công trình hết thời hạn sử dụng và thực hiện các công việc tiếp theo quy định tại Điều này đối với các công trình chưa xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình;
– Phải thông báo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình về việc dừng sử dụng và yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm phá dỡ công trình và thời gian thực hiện việc phá dỡ công trình đối với các công trình không tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã đưa ra các quy định rất cụ thể về thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình. Việc đưa ra các quy định này đã góp phần quan trọng để đánh giá chất lượng công trình, từ đó đã bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sinh sống tại các công trình đó cũng như sự an toàn về sức khoẻ và tính mạng của các chủ thể này.