Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài đang trở thành vấn nạn được quan tâm hàng đầu của các cơ quan chức năng. Vậy sẽ phải xử lý như thế nào đối với công ty môi giới người lao động trốn đi nước ngoài hiện nay?
Mục lục bài viết
1. Xử lý công ty môi giới để người lao động trốn đi nước ngoài:
Thực trạng người lao động Việt Nam trốn đi lao động tại nước ngoài thông qua các công ty môi giới không còn là một vấn đề quá xa lạ đối với các cơ quan chức năng. Ở một số tỉnh thành phố hiện nay, các thủ đoạn đưa người lao động trốn đi làm việc tại nước ngoài diễn ra vô cùng tinh vi và bài bản, nhiều công dân đã bị lôi kéo, bị lừa đảo xuất cảnh sang nước ngoài làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, bị cưỡng bức lao động, bị đánh đập … Thực tế cho thấy, mỗi năm có rất nhiều người lao động tại Việt Nam trốn sang làm việc ở nước ngoài bị thiệt mạng hoặc thậm chí là vướng vào vòng pháp luật. Gia đình ở nhà thì phải lo toàn tiền bạc vì đã trót ký hợp đồng với các công ty môi giới xuất khẩu lao động, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan chính quyền trong quá trình quản lý nhà nước. Hiện nay, có thể đưa ra khái niệm về hành vi tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài như sau: Hành vi tổ chức, môi giới cho người lao động trốn đi nước ngoài là hành vi giúp cho người khác rời khỏi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trái quy định của pháp luật với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài lao động hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Hành vi môi giới giúp cho người lao động trốn đi nước ngoài trái phép hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 349 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Hành vi khách quan của tội phạm này có thể bao gồm các hành vi sau đây:
– Hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Đây được coi là các hành vi thiết lập để phục vụ cho việc đưa người khác ra khỏi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách bất hợp pháp, tức là không đưa những người lao động thông qua cửa khẩu, có thể bao gồm hành vi vận động, rủ rê, lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép, bao gồm các hành động chuẩn bị phương tiện, tiền bạc, các loại giấy tờ, đưa người khác ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam một cách bất hợp pháp và không thông qua cửa khẩu;
– Hành vi tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật. Đây được coi là những hành vi cần thiết cho việc để người Việt Nam phải người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam đã ra nước ngoài hợp pháp như công tác, du lịch, chữa bệnh, làm việc … và sau đó không trở lại Việt Nam sau khi đã hết thời hạn theo quy định của pháp luật;
– Hành vi môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. Đây được coi là hành vi có tính chất tạo điều kiện thuận lợi như giới thiệu hỗ trợ, chỉ dẫn người Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú trên lãnh thổ của Việt Nam để họ có thể được trốn đi nước ngoài, đưa ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam một cách bất hợp pháp và không thông qua các cửa khẩu;
– Hành vi môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép. Đây được coi là hành vi có tính chất tạo điều kiện, hỗ trợ và chỉ dẫn người khác ra nước ngoài hợp pháp, sau đó để cho họ tiếp tục ở lại nước ngoài khi đã hết thời hạn do hành vi tổ chức ở lại nước ngoài trái phép.
Về dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm phải lỗi của chủ thể đối với tội này là lỗi cố ý, tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và có thể gây ra hậu quả trên thực tế tuy nhiên vẫn mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, trong trường hợp này là các công ty môi giới có hành vi môi giới người lao động trốn đi nước ngoài. Theo đó, pháp nhân thương mại sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
– Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
– Hành vi phạm tội được thực hiện vì mục đích mang lại lợi ích cho pháp nhân thương mại;
– Hành vi phạm tội được thực hiện khi có sự chỉ đạo và điều hành hoặc chấp nhận của pháp nhân thương mại;
– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Và pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của các cá nhân phạm tội. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015, trong đó không có Điều 349 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, pháp nhân thương mại có hành vi tổ chức môi giới cho người lao động Việt Nam trốn đi nước ngoài làm việc thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trách nhiệm hình sự về tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài sẽ được xem xét dựa trên hành vi của cá nhân làm việc trong công ty để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của các đối tượng này.
2. Hình phạt đối với tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài:
Điều 349 của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay có quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
– Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và từ 07 năm đến 15 năm. Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định tương tự như ở tội phạm được quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015;
– Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định cụ thể như sau:
– 05 năm đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng;
– 10 năm đối với loại tội phạm nghiêm trọng;
– 15 năm đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng;
– 20 năm đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề phân loại tội phạm. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong bộ luật hình sự, pháp luật hiện nay cũng đã có những quy định cụ thể về vấn đề phân loại tội phạm. Đặc biệt, riêng đối với loại tội phạm nghiêm trọng là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, mức cao nhất của khung hình phạt do pháp luật hình sự quy định đối với loại tội phạm này là từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Theo đó, tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài căn cứ theo quy định tại Điều 349 của Bộ luật hình sự năm 2015 có mức cao nhất của khung hình phạt là 05 năm, vì vậy cho nên được xác định là loại tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 349 của Bộ luật hình sự năm 2015 là 10 năm được tính kể từ ngày tội phạm được thực hiện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).