Xin giấy xác nhận dân sự sau thời gian mãn hạn tù. Xin xác nhận dân sự để làm thực hiện thủ tục hồ sơ xin việc.
Xin giấy xác nhận dân sự sau thời gian mãn hạn tù. Xin xác nhận dân sự để làm thực hiện thủ tục hồ sơ xin việc.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, xin tư vấn giúp tôi vấn đề này, con trai tôi mãn hạn tù đã được 6 thang, tôi mấy lần làm hồ sơ xin việc làm rồi lên xã xin giấy xác nhận dân sự nhưng công an xã đều gây khó dễ không đóng giấu xác nhận cho con tôi, vậy tôi xin hỏi mãn hạn về nhà bao lâu thời gian mới xin được xác nhận để đi làm, không lẽ cứ để cháu thất nghiệp rồi sinh ra hư hỏng sao? thiết nghĩ chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho cháu ổn định công việc mới đúng chứ, xin hỏi luật sư ,công an xã t làm như vậy đúng hay sai? Xin chân thành cảm ơn ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ theo Bộ luật hình sự năm 1999 quy định, sau khi mãn hạn tù, người phạm tội có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế;Tước một số quyền công dân…
Các hình phạt bổ sung nêu trên chỉ áp dụng với người bị kết án với một số tội danh nhất định. Trong trường hợp của con bạn, do bạn cung cấp không đầy đủ về thông tin con bạn đã phạm tội gì cũng như hình phạt như thế nào cho nên chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề theo hướng sau:
Cá nhân, cơ quan có thẩm quyền chỉ được quyền cấm con bạn không được hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong trường hợp, sau khi mãn hạn tù, con bạn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hoặc hình phạt quản chế hoặc bị tước một số quyền công dân. Cụ thể:
+ Khi con bạn bị áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định: Con bạn sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền xét thấy nếu để con bạn đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt .
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Khi con bạn bị áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế: Quản chế là buộc con bạn phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, con bạn không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật hình sự năm 1999 và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
+ Khi con bạn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân: Trong trường hợp này, con bạn sẽ không có quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Như vậy, khi con bạn thuộc trường hợp bị áp dụng các hình phạt bổ sung nêu trên và còn trong thời hạn áp dụng hình phạt thì công an xã có quyền cấm con bạn không được hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định.
Tuy nhiên, công an xã chỉ có quyền cấm con bạn hành nghề hoặc làm một số công việc khi xét thấy nếu để con bạn đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Cho nên, việc công an xã không đóng xác nhận cho con bạn chỉ hợp pháp khi có căn cứ cho rằng nếu con bạn giữ chức vụ hay công việc đó sẽ gây nguy hại cho xã hội.
Khi hết thời hạn áp dụng hình phạt bổ sung nêu trên thì con bạn sẽ có quyền xin được xác nhận để đi làm đối với chức vụ, công việc đã bị cấm trước đó.