Xin đăng ký quốc tịch khi bị mất hết giấy tờ. Không có giấy tờ tùy thân có được đăng ký quốc tịch không?
Xin đăng ký quốc tịch khi bị mất hết giấy tờ. Không có giấy tờ tùy thân có được đăng ký quốc tịch không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, cho em hỏi ạ. em có chị gai họ, năm 1996 bị lừa bán sang Trung quốc, chị bị lừa bán làm vợ cho người Trung quốc hơn 20 năm. Trong thời gian sinh sống tại Trung quốc, chi em không có quốc tịch Trung quốc , mà chỉ sống chui theo sự bao che của người chồng Trung quốc mà thôi. Nay chồng chị ấy chết và chị em tìm cách trở về quê hương Việt nam sinh sống ổn định bên gia đình và người thân và xin nhập lại hộ khẩu để làm chứng minh nhân dân, lấy chồng và đăng ký kết hôn đúng qui định của pháp luật Việt nam. .Nhưng khi đến cơ quan công an xã và huyện thì họ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân có quốc tịch Việt Nam, thì chị tôi không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì như Giấy khai sinh, xổ hộ khẩu và CMND, do chị tôi bị lừa bán sang Trung quốc từ khi mới hơn 13 tuổi, chưa đủ tuổi được cấp CMND và gia đình cung không lưa giữ được bất kỳ giấy tờ gì có liên quan của chị ấy. Do vậy Công an huyện bao chị ấy phải xác định lại Quốc tịch thì mới nhập khẩu và làm chứng minh nhân dân được. Chị em đã làm hồ sơ gởi sở Tư pháp nhưng sở Tư pháp trả lời là xác định quốc tịch phức tạp mà lại mất nhiều tiền nên không xác định quốc tịch nữa mà họ tư vấn là nên viết đơn kiến nghị lên lãnh đạo Công an tỉnh và Thanh tra Bộ Công an để xin ý kiến chỉ đạo cho nhập khẩu hay không thôi. Vậy em rất mong các luật sư giúp đỡ em. em xin cam ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:
“1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Chị bạn được sinh ra ở Việt Nam và có bố mẹ đẻ là công dân Việt Nam nên chị bạn sẽ không cần đáp ứng đủ 3 điều kiện quy định tại điểm c, d, e khoản 1 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008. Vì vậy, chị bạn chỉ cần đáp ứng đủ 2 điều kiện là đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật quốc tịch Việt Nam qua tổng đài: 1900.6568
Để có thể nhập quốc tịch Việt Nam thì chị bạn phải chuẩn bị hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 20 Luật quốc tịch Việt Nam 2008:
“1. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
c) Bản khai lý lịch;
d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
đ) Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
e) Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
g) Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
2. Những người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này thì được miễn các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn.”
Bên cạnh đó, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định “Người được miễn một số điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì nộp giấy tờ chứng minh điều kiện được miễn, cụ thể là:
“…b. Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con…”
Như vậy, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, chị bạn cần có các giấy tờ sau:
– Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con để chứng minh điều kiện được miễn. Bởi bố mẹ của chị bạn không còn lưu giữ giấy khai sinh vì vậy cần phải có các giấy tờ hợp lệ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con như bản xét nghiệm ADN.
– Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam
– Bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
– Bản khai lý lịch.
Giấy tờ có giá trị thay thế giấy khai sinh, hộ chiếu được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định là những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó.
Như vậy, việc chị bạn không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào thì sẽ rất khó để thực hiện việc nhập quốc tịch. Trong tình huống này thì chị bạn nên đi đăng ký khai sinh. Khi đăng ký khai sinh, do bố mẹ của chị bạn là công dân Việt Nam thì chị bạn sẽ được nhận quốc tịch Việt Nam ngay khi hoàn thành thủ tục đăng ký khai sinh theo phương pháp xác định quốc tịch bằng phương pháp huyết thống.
Căn cứ vào Điều 14 Luật quốc tịch Việt Nam 2008:
“Người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:
1. Do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật này;
2. Được nhập quốc tịch Việt Nam;
3. Được trở lại quốc tịch Việt Nam;
4. Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật này;
5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Và Điều 15 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:
“Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam
Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.”
Khi chị bạn hoàn thành được thủ tục đăng ký khai sinh thì khi đó chị bạn sẽ được xác định quốc tịch Việt Nam theo phương pháp xác định huyết thống.