Hiện nay, nhiều vụ tại nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân sự cố kỹ thuật hoặc phụ tùng của phương tiện giao thông, ví dụ như nổ lốp xe. Vậy, gây tai nạn giao thông do xe bị nổ lốp có phải bồi thường thiệt hại không?
Mục lục bài viết
1. Xe nổ lốp gây tai nạn giao thông có phải bồi thường?
Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
– Phải có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.
– Có gây ra thiệt hại.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nguồn nguy hiểm cao độ gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Và phương tiện ô tô đang chạy được xếp vào thuộc nguồn nguy hiểm cao độ (căn cứ theo quy định khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ).
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu, sử dụng, chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi khi thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tuy nhiên có ngoại trừ 02 trường hợp sau:
– Thiệt hại xảy ra xuất phát từ lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
– Thiệt hại xảy ra do yếu tố bất khả kháng.
– Thiệt hại xảy ra do tình thế cấp thiết.
Như vậy, từ những quy định trên để xác định có phải chịu trách nhiệm hay miễn trừ trách nhiệm bồi thường đối với người gây ra tai nạn giao thông phải xác định yếu tố lỗi. Trường hợp người lái phương tiện không vi phạm giao thông, việc ô tô nổ lốp gây tai nạn là do tự thân phương tiện giao thông gây ra, không phải do ý chí hay hành động của con người.
Do đó, nếu trường hợp việc xe ô tô nổ lốp xác định là trường hợp bất khả kháng hoặc do tình thế cấp thiết thì người điều khiển xe không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
2. Xe nổ lốp gây tai nạn giao thông phải bồi thường thế nào?
Theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật dân sự năm 2015, khi có thiệt hại xảy ra phải chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại một cách kịp thời.
Khi xảy ra tai nạn giao thông, có thiệt hại xảy ra sẽ xét trên 02 trường hợp để xác định trách nhiệm bồi thường dân sự:
Một là, lỗi vi phạm do người điều khiển xe gây ra:
Bản chất của dân sự sẽ ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, hai bên có thể ngồi lại thương lượng với nhau mức bồi thường như thế nào. Nếu như trường hợp không thể thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì sẽ đưa ra pháp luật yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, xác định mức bồi thường do tính mạng bị xâm phạm sẽ căn cứ trên cơ sở sau:
– Nếu như phải vào viện thực hiện cứu chữa thì phải chi trả cho những chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
– Nếu như người chết có con dưới 18 tuổi đang phải nuôi dưỡng hoặc những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải chi trả một khoản tiền cấp dưỡng;
– Thêm vào đó, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại;
– Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;
– Nếu không thỏa thuận được thì mức đền bù tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
– Các khoản thiệt hại khác nếu có theo quy định.
Do đó, trường hợp này phía bên người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện là người dưới 15 tuổi hoặc chưa đủ 18 tuổi và không có tài sản để bồi thường thì người giám hộ (giám hộ đương nhiên hoặc người giám hộ được cử) của những người này có thể sẽ phải bồi thường. Việc bồi thường có thể bằng tài sản của người được giám hộ hoặc tài sản của người giám hộ.
Hai là, lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị nạn:
Theo quy định người điều khiển xe là người sử dụng hoặc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp:
+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do đó, trong trường hợp này người điều khiển xe sẽ không phải bồi thường dân sự cho người bị nạn.
Ba là, trường hợp lỗi hỗn hợp tức là lỗi của vụ tai nạn đều xuất phát từ cả hai phía thì khi đó trách nhiệm bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận và các bên phải cùng chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình gây ra.
3. Người gây nạn không bồi thường thì xử lý như thế nào?
Khi có tai nạn giao thông xảy ra, nếu phía chủ xe, người điều khiển xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thì pháp luật ưu tiên sự thỏa thuận của đôi bên về mức bồi thường, thời gian bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế rất có nhiều trường hợp các bên không thỏa thuận được việc bồi thường đó, thậm chí bên gây nạn trốn tránh không chịu bồi thường. Việc này gây bức xúc cũng như khó khăn cho người bị nạn. Nếu xảy ra trường hợp như trên, người bị nạn hoặc gia đình người bị nạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bên kia chịu trách nhiệm bồi thường.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện bồi thường thiệt hại do bị tai nạn giao thông.
– Giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân.
– Các giấy tờ, hồ sơ chứng minh thiệt hại như biên bản giám định sức khỏe, hóa đơn chữa trị, giấy xuất viện…
– Các biên bản chứng minh lỗi là của người gây thiệt hại.
– Các giấy từ khác có liên quan.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như trên, người bị nạn hoặc gia đình sẽ nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (căn cứ Điều 35 và điểm a khoản 1 điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết theo đúng trình tự tố tụng dân sự, cụ thể Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện; thẩm phán ra quyết định sửa đổi, bổ sung, thụ lý hay trả lại đơn khởi kiện; người khởi kiện nộp tạm ứng án phí; tòa án tiến hành lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, hòa giải; đưa vụ án ra xét xử.
Tùy theo tính chất phức tạp của từng vụ việc mà thời gian của một vụ khởi kiện đòi bồi thường có thể diễn ra từ 6 – 8 tháng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Bộ luật hình sự 2015 số
– Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ;
–
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.