Xây dựng đội ngũ viên chức để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và xây dựng đội ngũ viên chức có phẩm chất, trình độ, năng lực.
2.1. Mục tiêu, quan điểm xây dựng đội ngũ viên chức
a. Mục tiêu xây dựng đội ngũ viên chức
Xây dựng đội ngũ viên chức để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và xây dựng đội ngũ viên chức có phẩm chất, trình độ, năng lực, khắc phục những tồn tại và hạn chế của thể chế quản lý viên chức hiện có, Luật Viên chức hướng tới các mục tiêu sau:
– Góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội, bảo đảm các phúc lợi cơ bản cho người dân, đặc biệt là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi, vùng cao với đồng bằng, giữa đô thị và nông thôn.
– Tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phục vụ người dân và cộng đồng; phát huy được tính sáng tạo, tính năng động và tài năng của viên chức đồng thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển đội ngũ viên chức.
– Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về viên chức, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động của khu vực sự nghiệp công lập; chuyển cơ chế quản lý viên chức theo chỉ tiêu biên chế sang quản lý viên chức theo vị trí việc làm và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý và phát triển đội ngũ viên chức.
b. Quan điểm xây dựng đội ngũ viên chức
Xuất phát từ mục tiêu nêu trên, để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng trưởng, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, bảo đảm các nhu cầu cơ bản thiết yếu của người dân và cộng đồng, xây dựng đội ngũ viên chức của thời kỳ mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm chỉ đạo thể hiện trong Luật Viên chức là:
– Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, xóa bỏ cơ chế quản lý mang nặng tính hành chính bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích đầu tư phát triển các hoạt động sự nghiệp.
– Bảo đảm tính kế thừa và phát triển đối với các quy định hiện hành về quản lý viên chức. Do đó, phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội.
– Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của viên chức phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động nghề nghiệp của họ. Bảo đảm tính minh bạch, công khai và tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức.
– Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức bảo đảm phát huy tối đa các tiềm năng tri thức vàtài năng của đội ngũ viên chức, phù hợp với quá trình cải cách khu vực dịch vụ công, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện tuyển dụng theo vị trí việc làm và quản lý viên chức theo chế độ hợp đồng làm việc. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp.
– Luật viên chức chỉ quy định những vấn đề chung nhất và mang tính nguyên tắc. Trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ sẽ quy định cụ thể phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của viên chức.
2.2. Tác động của nhà nước đối với viên chức
2.2.1. Xác định tính chất hoạt động của viên cức và nguyên tắc quản lý viên chức
Các vấn đề cơ bản và chung nhất trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức và quản lý viên chức được quy định phù hợp với thể chế chính trị của nước ta, phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động nghề nghiệp của viên chức và tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia điển hình trên thế giới. Đó là các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, nguyên tắc quản lý viên chức theo qui định của Luật Viên chức.
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý viên chức, Luật đã quy định rõ các khái niệm cơ bản như: vị trí việc làm, tuyển dụng, hợp đồng làm việc, viên chức quản lý, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của viên chức… Đặc biệt, Luật đã quy định một trong các nguyên tắc quản lý viên chức là phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc. Tạo cơ sở pháp lý để đổi mới mạnh mẽ cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp. Theo đó, cùng với “vị trí việc làm”, khái niệm “chức danh nghề nghiệp” được sử dụng để thay thế khái niệm “ngạch” quy định trong thể chế quản lý viên chức hiện nay. Những tồn tại trong quản lý viên chức hiện cho thấy, các cụm từ “bác sĩ”, “y tá”, “giáo viên”, “giảng viên”, “nghiên cứu viên”, “đạo diễn”, “diễn viên”… thực chất là được sử dụng để chỉ các chức danh ứng với nghề nghiệp của viên chức, nhưng lại được dùng để quy định thành các “ngạch” cho viên chức giống như áp dụng đối với công chức. Các quy định này đã tạo nên nhiều hạn chế trong sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức. Vì vậy, việc sử dụng “chức danh nghề nghiệp” sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức hiện nay.
2.2.2. Xác định nơi làm việc của viên chức
Luật Viên chức xác định nơi làm việc của viên chức là các đơn vị sự nghiệp công lập đồng thời quy định mang tính định hướng cho việc tổ chức, sắp xếp, quản lý đối với toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Các quy định này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; xóa bỏ cơ chế chủ quản, phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời thiết lập các cơ chế kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cũng như phát triển đội ngũ viên chức. Các quy định này thể hiện trong Luật viên chức cũng chính là sự tiếp tục nâng cao giá trị pháp lý của các quy định về cải cách được thể hiện tại nhiều văn bản lập quy của Chính phủ, đặc biệt là sự tiếp nối từ các nội dung trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Luật viên chức cũng đã tính đến yêu cầu xã hội hóa trong việc cung ứng các dịch vụ công ở nước ta hiện nay. Để tránh phân tán nguồn lực, bảo đảm hiệu quả, Luật đã xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc tham gia cung ứng các dịch vụ công cho xã hội, những lĩnh vực nào Nhà nước phải đảm nhận, những lĩnh vực nào Nhà nước chỉ tham gia hoặc để các chủ thể khác trong xã hội thực hiện. Nhà nước không thành lập các đơn vị sự nghiệp thực hiện các dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận.
Để đảm bảo nguyên tắc thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời vẫn thể hiện được đặc điểm riêng của lĩnh vực sự nghiệp công lập và cơ chế quản lý viên chức, Luật đã phân đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Quy định về Hội đồng quản lý thuộc cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ để hoàn thiện cơ chế kiểm soát đối với việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2.2.3. Xác định quyền, nghĩa vụ của viên chức
Luật đã hoàn thiện và bổ sung các quyền, nghĩa vụ của viên chức gắn với đặc điểm, tính chất của hoạt động nghề nghiệp. Viên chức là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Họ cũng là người nhà nước. Vì vậy, các quyền và nghĩa vụ của viên chức cũng có những nội dung quy định chung, giống như quy định đối với cán bộ, công chức. Tuy nhiên, do tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuần túy mang tính chuyên môn nghiệp vụ, không nhân danh quyền lực nhà nước nên Luật đã quy định các quyền của viên chức theo hướng mở hơn so với các quy định đối với cán bộ, công chức. Qua đó, tạo điều kiện để viên chức có thể phát huy tài năng, sức sáng tạo, khả năng cống hiến trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là quyền góp vốn, tham gia thành lập (nhưng không được tham gia quản lý, điều hành) các loại hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp tư theo quy định của Chính phủ (trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác); quyền làm việc ngoài thời gian quy định; quyền được ký hợp đồng vụ, việc với các cơ quan, tổ chức khác mà pháp luật không cấm.
2.2.4. Phương thức tác động đến viên chức.
Một nguyên tắc quan trọng được Luật nhấn mạnh là việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làmvà căn cứ vào hợp đồng làm việc. Đây là nguyên tắc đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho việc đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo hướng chuyển sang chế độ việc làm, nhấn mạnh tài năng, phẩm chất và trình độ của đội ngũ viên chức. Luật quy định các nguyên tắc bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Qua đó, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp dịch vụ công. Thống nhất quản lý nhà nước về đội ngũ viên chức, đồng thời đẩy mạnh việc giao thẩm quyền hoặc tiến hành phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản lý viên chức. Ưu tiên đối với người có tài năng trong tuyển dụng viên chức. Việc tuyển dụng được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, gắn với thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở kế thừa các quy định về hợp đồng làm việc của pháp lệnhcán bộ, công chức 1998 và quy định của Bộ Luật lao động, Luật viên chức đã bổ sung nhiều quy định để hoàn thiện và đổi mới một cách cơ bản các nội dung quan trọng như thay đổi vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, hợp đồng làm việc, đánh giá, khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với viên chức…Việc thay đổi đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo hình thức thi hoặc xét tùy thuộc vào từng ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động sự nghiệp cụ thể chứ không chỉ quy định “cứng” một hình thức là thi nâng ngạch như quy định trong Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Việc đánh giá viên chức phải dựa vào các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết giữa hai bên, quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của viên chức. Căn cứ vào nội dung đánh giá, viên chức được phân loại thành: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu viên chức có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết cho thôi việc theo quy định.
Về khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm: viên chức có thành tích và cống hiến, ngoài việc được khen thưởng theo quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng còn được xét nâng lương trước thời hạn, nâng lương vượt bậc. Trong xử lý các vi phạm của viên chức, ngoài 4 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, không thực hiện việc kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức đã đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp công lập có thể ký hợp đồng vụ, việc với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
2.2.5. Chuyển đổi giữa viên chức.
Xuất phát từ đặc thù của hệ thống chính trị nước ta luôn có sự liên thông trong điều động, luân chuyển về nguồn nhân lực khu vực công giữa các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, Luật quy định viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 05 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật viên chức; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển làm viên chức và bố trí công tác phù hợp; các trường hợp viên chức chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại đều được xem xét bảo đảm các chế độ, chính sách, các quyền và lợi ích hợp pháp.
Để bảo đảm sự thống nhất và ổn định trong việc quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức, Luật cũng quy định những viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 07 năm 2003 thực hiện việc ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật viên chức. Đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách để ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà những viên chức này đang được hưởng theo quy định.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Tiêu chí đánh giá viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ
– Tiêu chí đánh giá viên chức tập sự
– Viên chức xin nghỉ việc vì hoàn cảnh khó khăn
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại