Xác định vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần lần đầu khi doanh nghiệp tiền hành cổ phần hóa
Xác định vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần lần đầu khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tiến hành cổ phần hóa như sau:
Thứ nhất: Căn cứ kết quả công bố giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định quy mô và cơ cấu vốn điều lệ:
– Trường hợp giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp lớn hơn mức vốn điều lệ cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp mà doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa xác định điều chỉnh vốn điều lệ theo nhu cầu thực tế. Phần chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với mức vốn điều lệ xác định được nộp về Quỹ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
– Trường hợp phát hành thêm cổ phiếu, vốn điều lệ được xác định bằng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giá trị cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá cổ phiếu.
Thứ hai: Trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định, cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa quyết định cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, bao gồm:
– Cổ phần Nhà nước nắm giữ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ công bố trong từng thời kỳ.
– Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác không thấp hơn 25% vốn điều lệ, ngoại trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Số cổ phần bán cho các nhà đầu tư khác không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên.
Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (như: bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác) và các công ty mẹ thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các nhà đầu tư do Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền xem xét, quyết định cụ thể.
– Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa:
Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được sử dụng nguồn quỹ công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa (theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Công đoàn; không huy động, vay vốn) để mua cổ phần ưu đãi nhưng không quá 3% vốn điều lệ. Số cổ phần ưu đãi này do tổ chức công đoàn nắm giữ nhưng không được chuyển nhượng. Trường hợp tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cổ phần hóa được Đại hội cán bộ, công nhân viên chức tại doanh nghiệp cổ phần hóa ủy quyền sử dụng nguồn quỹ khen thưởng, phúc lợi để mua và thay mặt cán bộ công nhân viên chức quản lý cổ phần này thì số cổ phần này được giảm trừ vào số lượng cổ phần ưu đãi người lao động được mua theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 59/2011/NĐ-CP và tổ chức công đoàn được quyền chuyển nhượng hoặc mua lại số cổ phần được mua từ quỹ khen thưởng, phúc lợi khi có yêu cầu của người lao động.
Giá bán cổ phần ưu đãi cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa là giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
– Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba: Trường hợp số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp (tính theo mức ưu đãi tối đa) lớn hơn số lượng cổ phần dự kiến phát hành còn lại (sau khi đã trừ đi số cổ phần Nhà nước nắm giữ và số cổ phần bán cho các nhà đầu tư, tổ chức Công đoàn theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 36 Nghị định 59/2011/NĐ-CP) thì xử lý như sau:
– Nếu doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa xem xét, quyết định điều chỉnh giảm số lượng cổ phần Nhà nước nắm giữ để tăng số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động.
– Nếu doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa xem xét, quyết định điều chỉnh quy mô vốn điều lệ để tăng số lượng hợp lý cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp hoặc giảm cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác, nhưng phải bảo đảm cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thông thường không thấp hơn 20% vốn điều lệ.