Xác định tài sản chung của ông bà khi tiến hành tặng cho tài sản. Tài sản chung của vợ chồng, xác định tài sản chung, tài sản riêng.
Xác định tài sản chung của ông bà khi tiến hành tặng cho tài sản. Tài sản chung của vợ chồng, xác định tài sản chung, tài sản riêng.
Tóm tắt câu hỏi:
Ông bà nội tôi có 5 người con chung. Ông nội tôi mất năm 1975 không để lại di chúc, đến năm 1995 thì nhà nước làm sổ đỏ đứng tên "bà nội tôi". Như vậy miếng đất đó có gọi là tài sản riêng của bà nội tôi không? Nay bà nội tôi có được toàn quyền cho tặng miếng đất đó cho cháu trai (con của con trai trưởng đã mất của bà) của bà không? hay phải có sự đồng ý của các con bà? Hiện tại bà tôi đã 100 tuổi nhưng rất minh mẫn muốn sang tên sổ đỏ cho cháu trai của bà. Xin luật sư tư vấn giúp tôi, vì gđ tôi đang gặp vấn đề trong việc sang tên sổ đỏ. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Ông bà nội bạn kết hôn trước năm 1975 theo đó quan hệ vợ chồng của ông bà bạn được điều chỉnh theo Luật Hôn nhân gia đình 1959. Tại Điều 15 Luật Hôn nhân gia đình 1959 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau: "Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới."
Như vậy, miếng đất mà bạn đang nói tới nếu là tài sản có trước khi ông nội bạn mất thì đây được coi là tài sản chung của ông bà và hai ông bà đều có quyền ngang nhau về tài sản này. Việc năm 1995, nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên của "bà nội bạn" không làm mất đi quyền đối với tài sản của ông nội bạn đã mất. Khi đó, theo Điều 25 Pháp lệnh Thừa kế 1990 hay các quy định về thừa kế ở thời điểm hiện tại đếu xác định, khi không có di chúc của người đã chết thì tài sản được chia theo pháp luật và được quy định với nội dung như sau:
– Những người thừa kế theo pháp luật
1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:
a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b) Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.
c) Hàng thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau.
3- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ hai được hưởng di sản.
4- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất và hàng thứ hai hoặc những người thừa kế thuộc cả hai hàng này đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ ba hưởng di sản.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Theo đó, bà nội của bạn có toàn quyền quyết định cho nhà cho cháu trai trong hai trường hợp sau:
– Một, tài sản là mảnh đất có sau khi ông nội bạn mất năm 1975 thì đó là tài sản riêng của bà bạn;
– Hai, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn cùng thỏa thuận không nhận di sản thừa kế và giao cho bà bạn có toàn quyền quyết định đối với khối tài sản di sản của ông bạn để lại.