Xác định mức độ khuyết tật có bắt buộc phải giám định y khoa không? Trường hợp nào phải giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật.
Xác định mức độ khuyết tật có bắt buộc phải giám định y khoa không? Trường hợp nào phải giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật.
Tóm tắt câu hỏi:
Bà tôi sinh năm 1933, được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã xác định bà tôi là người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng, cán bộ chính sách xã đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp xã hội cho bà tôi. Nhưng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội không xuống trực tiếp thẩm định cho bà tôi mà ngồi ở trên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kết luận luôn là đề nghị bà tôi đi giám định y khoa. Như vậy xin hỏi có đúng quy trình không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH
2. Nội dung tư vấn:
Tại Luật người khuyết tật 2010 có các quy định như sau:
Điều 15. Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật
1. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
2. Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:
a) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
b) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
c) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
3. Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.
Điều 16. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
1. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập.
2. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm các thành viên sau đây:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;
b) Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;
c) Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội;
d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;
đ) Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
3. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì hoạt động của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Cuộc họp của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên của Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
4. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật quyết định độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc xác định mức độ khuyết tật.
5. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Theo thông tin bạn trình bày, Bà của bạn được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã xác định bà của bạn là người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng, cán bộ chính sách xã đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp xã hội cho bà của bạn. Nhưng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội lại đề nghị bà của bạn đi giám định y khoa. Không rõ lý do cụ thể mà Phòng Lao động- thương binh và xã hội đề nghị bà của bạn đi giám định y khoa là gì. Nhưng căn cứ vào Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật 2010 thì có thể thấy nếu Phòng lao động –Thương binh và xã hội có căn cứ cho rằng việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật là chưa khách quan, chính xác thì có quyền yêu cầu bà bạn đi giám định y khoa. Và Phòng lao động –Thương binh và xã hội phải đưa ra những bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, không chính xác thể hiện qua biên bản, giấy kiến nghị, ảnh chụp, băng ghi âm hoặc các hình thức thể hiện khác. Bạn cần lưu ý rằng Phòng Lao động –Thương binh và xã hội không phải là cơ quan tiến hành việc thẩm định mức độ khuyết tật hay giám định y khoa. Để hiểu rõ hơn bạn có thể tham khảo các quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật 2010, Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng giám định y khoa thực hiện.