Xác định mức bồi thường thiệt hại khi xâm phạm sức khỏe? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi kẹp chân người khác khi lái xe.
Xác định mức bồi thường thiệt hại khi xâm phạm sức khỏe? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi kẹp chân người khác khi lái xe.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Em đang làm việc trong công ty. Em lái xe kẹp vào chân 1 người làm cùng công ty. Chị ấy đi viện tất cả số tiền nằm trong bệnh viện được bảo hiểm chi trả. Nhưng chị ấy nằm phòng vip theo yêu cầu 1 triệu 1 ngày. 10 ngày mất 10 triệu số tiền này bảo hiểm không chi trả. Giờ chị ấy bắt em phải chi trả hết số tiền 10 triệu phát sinh này. Cho em hỏi em có phải chi trả tất cả số tiền phát sinh này không? Nếu em thương lượng với chị ấy là mỗi người chịu 5 triệu mà chị ấy không đồng ý thì chị ấy có kiện được em ra toà không? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ xác định khi người gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác có lỗi cố ý hoặc vô ý trong việc gây ra thiệt hại. Trong trường hợp này, bạn không nói rõ bạn mức độ lỗi của bạn như thế nào, của người bị thiệt hại như thế nào nên có thể xác định dưới mức theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
"1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."
Như vậy, mức bồi thường được xác định như sau:
– Chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng;
– Thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu có);
– Bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định;
Ngoài ra, nếu như người bị thiệt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì người bị hại theo Điều 617 Bộ luật dân sự 2005 sẽ:
"Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường."
>>> Luật sư tư vấn bồi thường thiệt hại về sức khỏe: 1900.6568
Từ những phân tích trên, dựa trên thiệt hại thực tế và mức độ do hai bên thỏa thuận mà xác định mức bồi thường cụ thể.
Nếu như hai bên không thỏa thuận được thì bên bị hại hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để tòa án xác định mức bồi thường cụ thể.