Việc nhận thức đúng đắn khái niệm nhiều tội phạm, phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm có ý nghĩa thống nhất về mặt nhận thức nhằm xác định chính xác từng hình thức biểu hiện cụ thể của chế định nhiều tội phạm trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Đây chính là điều kiện quan trọng bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và nhiều tội phạm nói riêng.
Trong lịch sử phát triển của khoa học luật hình sự, khái niệm tái phạm lần đầu tiên được định nghĩa trong cuốn “Đại Nam hình pháp” của Tiến sĩ luật khoa Lê Trung Chánh được xuất bản năm 1943: “Khi nào đã làm một điều phi lí, Tòa án đã xét xử xong rồi, và án đã chung thẩm rồi, đã thành bất canh cải rồi, mà lại làm điều phi vi nữa, mới được gọi là tái phạm”. Từ khái niệm chung này, Tiến sĩ Lê Trung Chánh đã chia tái phạm làm hai loại: tái phạm thường, tái phạm đặc biệt. “Hễ tội sau giống tội trước, thì gọi là tái phạm đặc biệt, còn tội sau không giống tội trước, thì gọi là tái phạm thường”.
Theo cuốn Hình luật giảng tập của cử nhân luật khoa Đàm Trung Mộc do Trung tâm huấn luyện tu nghiệp công an cảnh sát trung cấp Sài Gòn xuất bản năm 1961, thì “tái phạm là tình trạng một người trước đã bị kết án về một tội, về sau lại phạm và bị truy tố nữa”. Cử nhân luật khoa Đàm Trung Mộc nêu điều kiện của tái phạm gồm ba yếu tố: “thứ nhất: một lần phạm và bị phạt thứ nhất; thứ hai: một lần phạm thứ hai, đang bị truy tố; thứ ba: giữa hai lần ấy là một khoảng thời gian dài hay ngắn”.
Trong cuốn Luật hình được xuất bản năm 1972 ở Sài Gòn, tái phạm được hiểu là: “một kẻ đã bị kết án về một vi phạm lại gây ra một vi phạm khác”3). Theo tác giả của cuốn sách này, tái phạm phải đáp ứng hai điều kiện:
Điều kiện thứ nhất, một án nhất định đã bị kết xử vì một vi phạm thứ nhất, án ấy phải là một án hình, chứ không phải án dân sự hay hành chính.
Điều kiện thứ hai, vi phạm mới làm kẻ phạm tội có thể bị kết án một lần nữa, vi phạm này phải cách vi phạm thứ nhất bằng một bản án, nếu không, sẽ là phạm nhiều tội chứ không phải là tái phạm.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á ra đời. Cùng với sự phát triển của đất nước, luật hình sự cũng từng bước được hoàn thiện. Với tính cách là một trong các hình thức biểu hiện của chế định nhiều tội phạm, tái phạm, tái phạm nguy hiểm lần đầu tiên được quy định trong Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21- 10-1970 và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970. Tuy nhiên, trong hai Pháp lệnh này, khái niệm tái phạm, tái phạm nguy hiểm chưa được ghi nhận chính thức về mặt lập pháp. Trong dự thảo Thông tư ngày 16-3-1973 của liên bộ Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an hướng dẫn thống nhất nhận thức về hai Pháp lệnh này, người tái phạm được hiểu là: “Đây là những kẻ mà tội phạm bị kết án trước kia và tội phạm sau này thuộc cùng một loại xâm phạm tài sản và cùng loại lỗi cố ý hoặc vô ý, chứ không nhất thiết phải cùng một tội. Ta chưa có quy định về thời hiệu pháp lý của bản án về tội trước, để phù hợp với thực tế và có tác dụng tốt đối với việc giáo dục chung, có thể thống nhất thời hạn này là năm năm đối với những án dưới năm năm và là mười năm đối với những án từ năm năm trở lên, kể từ sau khi chấp hành xong hình phạt”. Dự thảo Thông tư này cũng đã đưa ra khái niệm tái phạm nguy hiểm như sau: “tái phạm nguy hiểm là trường hợp trước đã bị xử án về một tội nghiêm trọng sau cũng phạm một tội nghiêm trọng hoặc trước đã bị xử án về tội không nghiêm trọng này phạm vào một tội nghiêm trọng.
Tội nghiêm trọng là những tội:
– Tự bản chất nó là tội nghiêm trọng (cướp, cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản).
Hoặc xảy ra với những tình tiết tăng nặng ở các khung 2 và 3 của các điều luật về các tội phạm mà Pháp lệnh quy định là có tái phạm nguy hiểm”. Như vậy, khái niệm tái phạm trong luật hình sự nước ta thời gian này được xây dựng căn cứ vào các dấu hiệu: a/ loại tội; b/ hình thức lỗi và c/ án tích với ý nghĩa là điều kiện chung; còn khái niệm tái phạm nguy hiểm ngoài các dấu hiệu chung, còn thêm dấu hiệu bắt buộc, đó là dấu hiệu tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Trong cuốn Hệ thống hoá luật lệ về hình sự, Tập II (1975 – 1978) do Toà án nhân dân tối cao xuất bản năm 1979 thì trường hợp tái phạm được hiếu như sau: “tái phạm là những kẻ trước kia đã bị kết án về một tội, nay phạm lại cũng tội ấy; là những kẻ mà tội đã phạm cùng một khách thể loại (loại tội xâm phạm tài sản, tội xâm phạm tính mạng hay sức khoẻ…) và cùng một tính chất cố ý hay vô ý; hoặc là những kẻ trước kia đã bị kết án về một tội nghiêm trọng nay cũng lại phạm một tội nghiêm trọng, có thể cùng loại mà cũng có thể khác loại như các tội giết người (mà trường hợp không thuộc khung giảm nhe/, cướp của, các tội tham ô, cướp giật, trộm cắp v.v…
Đối với những tội nghiêm trọng chỉ cần tái phạm một lần đã được coi là tái phạm nguy hiểm. Đối với những tội ít nghiêm trọng hơn, tái phạm hai, ba lần trở lên mới coi là tái phạm nguy hiểm”.
Tại Điều 40
“1- Những trường hợp sau đây thì coi là tái phạm:
a/ Đã bị phạt tù về tội do cố ý, chưa được xóa án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý;
b/ Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do vô ý, chưa được xóa án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội do cố ý.
2- Những trường hợp sau đây thì coi là tái phạm nguy hiểm:
a/ Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án mà lại phạm tội nghiêm trọng do cố ý;
b/ Đã tái phạm, chưa được xóa án mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng.
Như vậy, theo Bộ luật hình sự năm 1985, tái phạm có thể chia thành hai dạng biểu hiện: tái phạm chung và tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm chung được hiểu là những trường hợp tái phạm được cấu thành từ hai lần phạm tội, nếu hai tội đó là:
a/ Đều là tội cố ý;
b/ Một tội là cố ý còn tội kia là vô ý nhưng ở mức độ nghiêm trọng;
c/ Hai tội đều là vô ý nhưng ở mức độ nghiêm trọng;
Điều kiện chung là đã bị kết án tù về tội trước và chưa được xóa án lại phạm tội mới. ở đây cần lưu ý trường hợp ngoại lệ, theo quy định tại khoản 5 Điều 59 Bộ luật hình sự năm 1985: “án đã tuyên đối với người phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”. Theo quy định này thì quy tắc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm của Bộ luật hình sự năm 1985 không được áp dụng đối với những bản án mà người phạm tội bị tuyên hình phạt tù khi chưa đủ 16 tuổi.
Trên cơ sở những dấu hiệu chung của tái phạm, Điều 40 Bộ luật hình sự năm 1985 còn tiến thêm một bước trong việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự bằng cách quy định thêm một loại tái phạm nữa có mức độ nguy cao hơn, đó là tái phạm nguy hiểm. Tái phạm nguy hiểm được biểu hiện bằng hai trường hợp:
a/ Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do cố ý;
b/ Đã tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng.
Trong Bộ luật hình sự năm 1985, tái phạm đóng vai trò vừa là dấu hiệu định khung tăng nặng hình phạt trong nhiều điều luật của Phần các tội phạm, vừa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 39 của Bộ luật hình sự.
Theo chúng tôi, việc coi hình thức lỗi là một trong những dấu hiệu của tái phạm là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu ý nghĩa của tái phạm là ở việc phân định những người phạm tội có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao, khó giáo dục, cải tạo và có nhiều khả năng phạm tội mới, thì việc Bộ luật hình sự năm 1985 đưa ra những trường hợp phạm tội do vô ý nghiêm trọng để xem xét vấn đề tái phạm lại là chưa hợp lý. Bởi lẽ xu hướng nhân đạo của luật hình sự được thừa nhận chung là loại bỏ tất cả các tội vô ý ra khỏi phạm vi các tội có thể cấu thành tái phạm.
Dàn Nghiên cứu chế định tái phạm trong luật hình sự của một số nước trên thế giới cho thấy, quy định về tái phạm của các nước rất khác nhau. Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga quy định về khái niệm tái phạm, tái phạm nguy hiểm, tái phạm đặc biệt nguy hiểm tại Điều 18:
“1- Người đang có tiền án về một tội cố ý lại phạm một tội do cố ý là tái phạm.
2- Coi là tái phạm nguy hiểm:
a/ Người trước đây đã hai lần bị kết án tù về tội cố ý, nay lại phạm tội do cố ý và bị kết án tù;
b/ Người trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý, nay lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.
3- Coi là tái phạm đặc biệt nguy hiểm:
a/ Người trước đây đã bị kết án tù ít nhất ba lần về tội rất nghiêm trọng do cố ý, nay lại phạm tội do cố ý và bị kết án tù;
b/ Người trước đây đã hai lần bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một lần về tội đặc biệt nghiêm trọng, nay lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý;
c/ Người trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nay lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
4- Tiền án đối với những tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện, cũng như tiền án đã được xóa theo thủ tục quy định tại Điều 87 Bộ luật này, không được tính để coi là tái phạm.
5- Tái phạm bị xử phạt nặng hơn trong phạm vi và trên cơ sở do Bộ luật này quy định”.
Cũng theo Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga, tái phạm còn bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64.
Trong luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, khái niệm tái phạm được chính thức ghi nhận trong cả hai Bộ luật hình sự năm 1979 và Bộ luật hình sự năm 1997.
Trong Bộ luật hình sự năm 1979, khái niệm tái phạm được quy định tại Điều 61: “Người phạm tội bị phạt từ tù có thời hạn trở lên, trong vòng 3 năm sau khi chấp hành xong án hoặc được ân xá lại phạm tội đáng bị xử phạt từ tù có thời hạn trở lên gọi là tái phạm phải chịu hình phạt nặng, nhưng được trừ tội đã phạm trước đó”. Điều 62 quy định: “Sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc được hưởng ân xá, người phạm tội phản cách mạng lại phạm tội phản cách mạng thì bất cứ lúc nào cũng bị coi như kẻ tái phạm”.
Trong Bộ luật hình sự năm 1997 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phạm vi tái phạm đã được mở rộng hơn so với quy định của Bộ luật hình sự năm 1979. Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 1997 quy định: “Người phạm tội bị phạt từ tù có thời hạn trở lên, trong vòng 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc được hưởng ân xá lại phạm tội đáng bị xử phạt từ tù có thời hạn trở lên gọi là tái phạm và phải chịu hình phạt nặng nhưng được trừ tội đã phạm trước đó”.
Bộ luật hình sự của Vương quốc Bỉ dành cả Chương V với bốn điều luật quy định về tái phạm. Bộ luật đã đưa ra quy phạm định nghĩa chung về tái phạm và quy định rất cụ thể việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm. Vấn đề có thể rút ra khi nghiên cứu bốn điều luật này là hai điều kiện để xác định tái phạm: thứ nhất, tội phạm mà người tái phạm thực hiện trước kia phải là trọng tội, tức là bị kết án với hình phạt đại hình; thứ hai, tội phạm do người đó thực hiện phải là trọng tội hoặc khinh tội, điều đó có nghĩa nếu người đó phạm tội vi cảnh, thì đó không phải là tái phạm.
Khác với luật hình sự của nhiều nước, luật hình sự của Nhật Bản không sử dụng thuật ngữ “tái phạm” mà sử dụng thuật ngữ “kết án nhiều lần” và quy định một chương riêng – Chương X về kết án nhiều lần. Trong Bộ luật này đã phân loại kết án nhiều lần thành hai loại, đó là trường hợp kết án lần thứ hai và trường hợp kết án lần thứ ba trở lên.
Khái niệm kết án lần thứ hai được quy định tại Điều 56 của Bộ luật như sau:
“1- Kết án lần thứ hai là trường hợp một người đã bị kết án tù có lao động bắt buộc lại phạm tội mới trong vòng 5 năm kể từ ngày hình phạt cũ đã được chấp hành xong hoặc đã được miễn và bị kết án tù có thời hạn lao động bắt buộc.
2- Tương tự như vậy áp dụng đối với người bị kết án tử hình về tội có cùng bản chất như tội bị phạt tù có lao động bắt buộc, lại phạm tội mới trong thời hạn nói tại khoản 1 trên đây, kể từ ngày hình phạt tử hình được miễn hoặc từ ngày hình phạt tù có lao động bắt buộc thay thế cho hình phạt tử hình đã được chấp hành xong hoặc được miễn và bị kết án tù có thời hạn có lao động bắt buộc.
3- Khi một người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà trong đó có bất cứ tội nào bị xử phạt bằng hình phạt tù có lao động bắt buộc, thì người đó được coi như bị kết án tù có lao động bắt buộc trong việc áp dụng các quy định liên quan đến kết án lần thứ hai, thậm chí tội phạm đó không phải là tội nặng nhất”.
Bộ luật hình sự của Vương quốc Thụy Điển cũng ghi nhận định nghĩa pháp lý về khái niệm tái phạm tại Điều 3 chương 26 – hình phạt tù như sau: “Người nào bị phạt ít nhất hai năm tù và bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phạm tội mới với hình phạt tù trên sáu năm, thì bị kết tội tái phạm…”
Trong khoa học luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ có đưa ra một số khái niệm về tái phạm: tái phạm giản đơn (một lần), có nghĩa là người bị kết án lại phạm một tội mới; tái phạm phức tạp (nhiều lần), có nghĩa là người bị kết án lại phạm hai tội mới trở lên.
Trong Bộ luật hình sự của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thông qua ngày 23-10-1989 đã đưa ra khái niệm tái phạm như sau: “Tái phạm là người đã bị kết án tù và lại phạm tội cùng loại trong vòng 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt”.
Qua tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các trường hợp về tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong thời gian thực hiện Bộ luật hình sự năm 1985, nhiều ý kiến đề nghị cần đơn giản hóa khái niệm tái phạm và tái phạm nguy hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân dễ hiểu hơn hai khái niệm này, qua đó mà nâng cao hiệu quả giáo dục, phòng ngừa chung của Bộ luật hình sự. Một số ý kiến đề nghị chỉ coi tái phạm là trường hợp phạm tội cố ý và bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà lại cố ý phạm tội mới, bởi vì đó là thái độ coi thường và bất chấp pháp luật của người phạm tội, làm tăng thêm mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội của hành vi phạm tội.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp trên, đồng thời tham khảo pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới,
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”.
Như vậy, theo quy định của khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1999 thì một người chỉ được coi là tái phạm khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, người đó đã bị kết án. Người đã bị kết án là người có bản án kết tội của Toà án mà không phụ thuộc vào việc bản án đó có hiệu lực pháp luật hay chưa. Vì vậy, ngay từ khi tuyên bản án kết tội thứ nhất đối với một người mà người đó phạm tội mới thuộc các trường hợp theo quy định của khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 thì được coi là tái phạm. Tuy nhiên, theo nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước ta trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, mở đường cho họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng sau khi phạm tội, khoản 7 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”). Vì vậy, một người phạm tội mới trong thời gian có án tích nhưng tội cũ được thực hiện khi người đó chưa đủ 16 tuổi thì không được coi người đó là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
– Thứ hai, người bị kết án chưa được xoá án tích. Điều đó có nghĩa, điều kiện bắt buộc là việc kết án đó phải phát sinh án tích và án tích chưa được xoá. Do đó, một người bị kết án nhưng được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015), bị buộc phải thực hiện các biện pháp tư pháp như bắt buộc chữa bệnh (Điều 46 Bộ luật hình sự năm 2015), miễn hình phạt (Điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015), buộc chịu giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 92 Bộ luật hình sự năm 2015) và sau đó lại phạm tội mới thì không phải là tái phạm.
– Thứ ba, phạm tội mới do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Không phải bất kỳ trường hợp phạm tội mới nào trong thời gian có án tích đối với tội phạm trước đều là tái phạm. Để xác định tái phạm, Bộ luật hình sự đòi hỏi tội phạm mới được thực hiện phải thuộc một số trường hợp phạm tội nhất định thể hiện nhân thân của người phạm tội là không chịu tiếp thu các biện pháp cải tạo giáo dục của pháp luật. Theo quy định của Bộ luật hình sự thì tội phạm mới được thực hiện phải là bất kỳ tội nào do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng (tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên bảy năm đến mười lăm năm tù) hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (tức tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân, hoặc tử hình) do vô ý.
Bạn Cũng cần phân biệt tái phạm và tái vi phạm. Chỉ coi là tái phạm khi hành vi phạm tội được thực hiện sau đủ các yếu tố để cấu thành một tội phạm độc lập mà không phụ thuộc vào tội phạm trước đó. Nếu một người tuy đã bị kết án nhưng lại thực hiện hành vi mà hành vi đó chưa đến mức độ cấu thành tội phạm độc lập, thì chỉ là tái vi phạm chứ không phải là tái phạm. Ví dụ: Một người phạm tội trộm cắp đã bị kết án, trong thời gian có án tích lại có hành vi trộm cắp. Nếu hành vi trộm cắp trên 2.000.000 đồng thì đó là tái phạm và phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015; nếu hành vi trộm cắp đó dưới 2.000.000 đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng thì không phải là tái phạm mà là tái vi phạm.
Cùng với khái niệm tái phạm, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định khái niệm tái phạm nguy hiểm. Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đặc biệt của tái phạm nên vẫn đòi hỏi các điều kiện cần và đủ như đối với tái phạm đã phân tích trên. Tuy nhiên, là một trường hợp đặc biệt của tái phạm nên tái phạm nguy hiểm cũng có các điều kiện riêng. Các điều kiện riêng này liên quan đến các trường hợp phạm tội đã thực hiện cũng như trường hợp phạm tội mới thực hiện. Theo quy định của khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 những trường hợp sau đây là tái phạm nguy hiểm:
– Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng (tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên bảy năm đến mười lăm năm tù) do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (tức tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân, hoặc tử hình) do cố ý;
– Đã bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
– Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.
Qua các điều kiện nêu trên về tái phạm nguy hiểm, chúng ta thấy rằng, để có trường hợp tái phạm nguy hiểm thì các tội mới được thực hiện phải là do cố ý. Điều này thể hiện tích chất rất nguy hiểm của nhân thân người phạm tội là cố tình chống đối xã hội dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước để cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội mà lại tiếp tục có hành vi cố ý phạm tội.
Về vấn đề án tích, trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã đề cập các trường hợp xóa án tích và cách tính thời hạn để xoá án tích nhưng chưa đưa ra khái niệm án tích. Dưới góc độ khoa học luật hình sự, có thể hiểu án tích là hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu khi bị Tòa án kết án, theo đó người này có thể bị áp dụng tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm khi phạm tội mới. Như vậy, án tích bao giờ cũng gắn với việc một người bị kết án và thời điểm chưa được xóa án tích có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bị kết án, nhất là trong công tác xét xử khi Tòa án cần phải xác định một người có tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không.
Cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan là khái niệm tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong Bộ luật hình sự năm 2015, dù có những tiến bộ về kỹ thuật lập pháp so với những quy định tương ứng trong Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng vẫn còn rất khó hiểu đối với số đông quần chúng nhân dân và cũng là một nguyên nhân lý giải việc vì sao pháp luật hình sự khó đi vào cuộc sống. Đây là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ dưới góc độ nghiên cứu xã hội học luật hình sự và trong kỹ thuật lập pháp hình sự.
Mặt khác, qua nghiên cứu thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm cho thấy rằng, về cơ bản các trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm đều phạm tội với hình thức lỗi cố ý. Chẳng hạn, theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong năm 1997 chỉ riêng xét xử ở cấp sơ thẩm hình sự những trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm ở các toà án cấp huyện là 2-195 người và toà án cấp tỉnh là 3.274 người; trong số này có tới hơn 90% là các trường hợp phạm những tội được quy định dấu hiệu lỗi là cố ý, chỉ có gần 10% là dấu hiệu lỗi vô ý. Hơn nữa, trong số 57 loại tội trong Bộ luật hình sự 1999 quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng thì đều là các tội có dấu hiệu lỗi là cố ý. Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong Bộ luật hình sự nước ta là dấu hiệu riêng của những tội có dấu hiệu lỗi là cố ý.
Về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự, trong ba hình thức biểu hiện của chế định nhiều tội phạm, chỉ có một hình thức biểu hiện được nhà làm luật nước ta ghi nhận về mặt lập pháp với tính chất là một chế kiểm định độc lập, đó là tái phạm, tái phạm nguy (Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015). Một trong hai hình thức biểu hiện còn lại mới chỉ được Bộ luật hình sự năm 1999 ghi nhận với tính chất là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội nhiều lần được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52) và là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong nhiều điều luật, mà chưa đưa ra khái niệm pháp lý của từng trường hợp. Thậm chí, trường hợp phạm nhiều tội chỉ được nhà làm luật đề cập một lần tại quy phạm: “Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội” (Điều 55 Bộ luật hình sự 2015).