Tôi và anh A là Việt kiều Mỹ sống với nhau đã có con, nhưng không đăng ký kết hôn. Bây giờ anh A không trợ cấp và cũng không thừa nhận đứa con thì tôi phải làm như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi xin được tư vấn trường hợp như sau:
Tôi và anh A sống với nhau đã có con, anh A là Việt kiều Mỹ chúng tôi đã tổ chức đám cưới nhưng không có giấy đăng ký kết hôn. Từ lúc mang thai cho đến 4 tháng khi con chưa sinh con ra, anh A còn trợ cấp nuôi con, sau đó không trợ cấp và cũng không thừa nhận đứa con. Vậy cho tôi hỏi trường hợp này làm thế nào để anh A có trách nhiệm với đứa bé và đứa bé là con của anh A phải có quốc tịch Mỹ? Hiện nay tôi chỉ còn hình cưới, số điện thoại bên Mỹ của anh A, giấy xác nhận độc thân và địa chỉ nơi ở của anh A và giấy phép lái xe quốc tế mà anh A mang về trước khi cưới. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Về việc xác định cha cho con có yếu tố nước ngoài, Điều 128, Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 89, Điều 90, khoản 1, khoản 5 Điều 97, khoản 3, khoản 5 Điều 98 và Điều 99 của Luật này; các trường hợp khác có tranh chấp”.
Như vậy, trong trường hợp này, người cha không nhận con, tức là có tranh chấp, vì vậy, Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để xác định cha cho con của bạn.
Về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp được quy định tại Điều 102, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình”.
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự:
– Cha, mẹ, con, người giám hộ;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ”.
Căn cứ vào quy định trên, bạn là mẹ của đứa trẻ, nên hoàn toàn có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha cho con của mình.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp của bạn là nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Điều 130, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp có yêu cầu giải quyết việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan của Việt Nam để giải quyết”. Như vậy, việc giải quyết quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng áp dụng các quy định giống như với công dân Việt Nam.
Cụ thể: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng; nhưng quyền, nghĩa vụ đối với con giữa các bên vẫn được giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Do đó, nếu Tòa án nhân dân đã xác định cha cho đứa trẻ, thì cho dù giữa cha và mẹ không có đăng ký kết hôn, cả hai bên vẫn phải có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.