Vô ý gây thương tích được hiểu là một hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác do quá tự tin hoặc là vì cẩu thả. Vậy hành vi vô ý gây thương tích cho người khác bị phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Vô ý gây thương tích cho người khác bị phạt bao nhiêu tiền?
Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là một hành vi vi phạm các quy tắc thông thường trong cuộc sống trong vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác do quá tự tin hoặc là vì cẩu thả, đã làm cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe.
Hành vi vô ý gây thương tích thường có một trong các đặc điểm sau:
– Người thực hiện hành vi vi phạm tuy thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng lại cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý do quá tự tin);
– Hoặc người thực hiện vi phạm không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù người này phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).
Vô ý gây thương tích cho người khác bị phạt bao nhiêu tiền sẽ phụ thuộc vào việc hành vi vô ý gây thương tích cho người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể như sau:
1.1. Phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định một người nào có hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đủ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Như vậy, nếu hành vi vô ý gây thương tích cho người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Ngoài phạt tiền, người có hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đủ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể bị ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó chính là buộc người có hành vi vô ý gây thương tích chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
1.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định 02 tội có liên quan đến vô ý gây thương tích đó chính là tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (được quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017) và tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017). Hai tội phạm này đều có hình phạt chính là hình phạt tiền. Cụ thể:
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: người có hành vi này có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng nếu hành vi này gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể cho người bị hại từ 31% đến 60%.
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác vì nguyên nhân vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính: người có hành vi này có thể sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng nếu hành vi này gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể cho người bị hại từ 31% đến 60%.
2. Người chưa thành niên bị phạt bao nhiêu tiền khi vô ý gây thương tích cho người khác?
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định người từ đủ 14 tuổi cho đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do người này cố ý; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi các vi phạm hành chính. Chính vì thế, người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác là người chưa thành niên thì phụ thuộc vào độ tuổi của người đó khi thực hiện hành vi vô ý gây thương tích để biết được người đó có bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vô ý gây thương tích cho người khác hay không. Cụ thể:
– Người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác khi người này từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vô ý gây thương tích cho người khác.
– Người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác khi người này từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vô ý gây thương tích cho người khác.
Căn cứ Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định về mức xử phạt đối với những người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người đã thành niên mà có cùng hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp người đã từ đủ 16 tuổi cho đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt sẽ không được vượt quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với đã người thành niên. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc là người bị phạt không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị phạt về hành vi vô ý gây thương tích phải thực hiện thay.
Như vậy, người chưa thành niên (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác, nếu như bị phạt hành chính về hành vi này thì số tiền mà người này phải chịu phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên, tức sẽ bị phạt từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 thì người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác (kể cả đối với do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính) là người chưa thành niên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người này từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Điều 99 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định Phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người đã từ đủ 16 tuổi cho đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc người đó có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi cho đến dưới 18 tuổi phạm tội sẽ không được quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định. Theo đó, người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác là người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) sẽ bị áp dụng hình phạt tiền khi người này có thu nhập hoặc có tài sản riêng và mức phạt tiền không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định. Có nghĩa là, nếu bị áp dụng hình phạt tiền thì người có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt:
– Đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: sẽ bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính: sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
3. Thời hạn nộp phạt hành chính khi vô ý gây thương tích cho người khác:
Căn cứ khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020 quy định Thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi vô ý gây thương tích cho người khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trong trường hợp quyết định xử phạt hành vi vô ý gây thương tích cho người khác có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trong trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần thì thời hạn nộp tiền phạt sẽ không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi vô ý gây thương tích cho người khác có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa là không quá 03 lần.
Như vậy, người bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi vô ý gây thương tích cho người khác phải thi hành quyết định trong vòng 10 ngày, trong trường hợp đủ điều kiện thi hành nhiều lần thì thi hành quyết định trong thời gian không quá 06 tháng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung 2020.