Vợ cũ khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con. Các căn cứ để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và thủ tục khởi kiện.
Vợ cũ khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con. Các căn cứ để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và thủ tục khởi kiện.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa quý Luật sư! Tôi xin gửi 1 câu hỏi đến các quý Luật sư. Hiện nay, tôi và vợ đã ly hôn, và có 1 con gái 32 tháng tuổi, thỏa thuận là khi ly hôn tôi (người chồng) là người được nuôi con. Nhưng hiện nay vợ cũ tôi có kiện tôi để đòi lại quyền nuôi con. Tôi hiện nay có công ăn việc làm ổn định, tốt nghiệp đại học, nhà cửa đầy đủ điều kiện và tôi có thể nói là tôi chăm cháu nhiều hơn mẹ cháu chăm. Trong khi mẹ cháu là nhân viên nhà nước, nhưng hiện đang đi học liên thông lên Bác sỹ ở cách xa nhà 100km, chỉ cuối tuần về được 1,2 buổi. Tôi cũng không cấm mẹ cháu đón cháu về nhưng mỗi lần cháu về bên đấy cháu không ăn và rất hay ốm, nên tôi có gia hạn là chỉ cho mẹ cháu đón sáng và tối phải đưa con về với tôi. Vậy nay, vợ cũ tôi kiện tôi đòi lại quyền nuôi con trong khi cháu còn hơn 1 tháng nữa là qua 36 tháng tuổi, tôi xin hỏi các quý Luật sư, liệu tôi có còn được quyền nuôi cháu tiếp tục không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
2. Giải quyết vấn đề:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn và vợ đã ly hôn và có 1 con gái 32 tháng tuổi, thỏa thuận là khi ly hôn bạn (người chồng) là người được nuôi con. Hiện vợ bạn muốn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con trong khi cháu còn hơn 1 tháng nữa là qua 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, bạn vẫn được tiếp tục nuôi con. Tuy nhiên, vợ bạn vẫn có quyền khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi có căn cứ. Cụ thể, theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên."
Như vậy, theo quy định trên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ như sau:
– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (ví dụ như thường xuyên bỏ bê con cái, chửi bới đánh đập con,…).
– Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con khi tiến hành thay đổi người trực tiếp nuôi con.
>>> Luật sư tư vấn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: 1900.6568
Ở đây, vợ bạn muốn chăm sóc con thì có thể làm thủ tục khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đến Tòa án nơi người con đang cư trú có để yêu cầu giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Tuy nhiên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp cha, mẹ có tranh chấp thì phải xác định dựa trên việc bảo đảm quyền và lợi ích cho con; để bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con; đặc biệt là bảo đảm cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và giáo dục; nếu trong trường hợp bạn là cha, đang trực tiếp nuôi con nhưng lại không có điều kiện nuôi dưỡng, không bảo dảm được điều kiện sống tối thiểu thì yêu cầu cho con về ở với mẹ để người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng là có cơ sở. Vì vậy, khi thay đổi người trực tiếp nuôi con, thì vợ bạn phải chứng minh rằng bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Điều kiện nuôi con được xem xét dựa trên kinh tế của bạn có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho con hay không? Và bạn có nhân thân tốt, có hành vi vi phạm pháp luật không. Chỗ ở của bạn có đáp ứng được cuộc sống cho con hay không. Đồng thời chứng minh vợ bạn có không đủ điều kiện để nuôi con.
Theo thông tin bạn nêu thì bạn hiện nay có công ăn việc làm ổn định, tốt nghiệp đại học, nhà cửa đầy đủ điều kiện và bạn cũng chăm cháu nhiều hơn mẹ cháu chăm. Và vợ bạn là nhân viên nhà nước, nhưng hiện đang đi học liên thông lên Bác sỹ ở cách xa nhà 100km, chỉ cuối tuần về được 1,2 buổi. Trong trường hợp này, bạn có thể dựa vào các yếu tố này để chứng minh bạn vẫn đáp ứng được các điều kiện nuôi con, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con vẫn đảm bảo, bạn có phẩm chất đạo đức tốt, có thu nhập và chỗ ở ổn định thì việc vợ bạn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con không có căn cứ để Tòa án giải quyết.