Vợ có phải chịu trách nhiệm với khoản nợ riêng của chồng không? Giải quyết tranh chấp khoản nợ chung, nợ riêng khi ly hôn.
Vợ có phải chịu trách nhiệm với khoản nợ riêng của chồng không? Thủ tục giải quyết ly hôn.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin được tư vấn một vấn đề sau. Tôi và chồng kết hôn từ cuối năm 2014, đến đầu 2015 thì tôi quyết định chia tay và sống ly thân từ đó đến nay. Tôi và chồng chưa có con chung, cũng không có tài sản chung trong thời gian cùng chung sống và tôi cũng chưa nhập khẩu về nhà chồng. Đến đầu năm 2016 tôi có gửi đơn xin ly hôn đơn phương và toà có gọi lần một để hoà giải nhưng chồng tôi không tới. Từ đó đến nay đã một năm không thấy toà gọi giải quyết nữa. Hiện tại tôi muốn tiến hành ly hôn đơn phương, vậy cho tôi hỏi:
1. Tôi có phải gửi hồ sơ xin ly hôn lại từ đầu không? (vì chồng tôi giữ đăng kí kết hôn không giao cho tôi nên tôi gặp khó khăn khi phải xin bản sao, 2 chúng tôi sống khác tỉnh nên đi lại rất bất tiện).
2. Trong 2 năm sống li thân nếu chồng tôi có vay nợ thì khi ly hôn tôi có phải chịu trách nhiệm trả một phần nợ đó không? (Tôi chưa nhập khẩu về nhà chồng). Mong nhận được tư vấn từ các luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
+ Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011
+ Luật Hôn nhân và gia đình 2014
2. Giải quyết vấn đề
Thứ nhất: Về việc giải quyết ly hôn
Theo thông tin bạn cung cấp, đầu năm 2016 bạn có gửi đơn xin ly hôn đơn phương, nếu bạn gửi đơn vào đầu năm 2016 thì áp dụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011.
Theo quy định tại Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà bị đơn không có mặt tại phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Trường hợp đầu năm 2016, bạn nộp đơn xin ly hôn đơn phương, Tòa án có gọi đến hòa giải, tuy nhiên, chống bạn vắng mặt, nếu không có đơn xin xét xử vắng mặt thì sau 2 lần triệu tập hợp lệ mà chồng bạn không đến thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt. Việc trong vòng 1 năm mà Tòa án không tiếp tục xét xử vụ án mà không có căn cứ, trong trường hợp này bạn có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu Tòa án giải thích rõ lý do.
Do vụ án của bạn đang được Tòa án thụ lý do đó nếu bạn muốn nộp đơn khởi kiện lại thì vào thời điểm hiện tại (năm 2017) bạn phải rút đơn khởi kiện khi đó Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điểm c) Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (áp dụng từ 01/7/2016). Khi bạn nộp đơn đơn phương ly hôn, bạn phải xác định được nơi cư trú của chồng bạn và gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn hiện nay đang cư trú.
Nếu chồng bạn giữ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì bạn có thể đến ủy ban nhân dân trước đây nơi vợ chồng bạn đã đăng ký kết hôn để làm thủ tục xin cấp lại bản sao từ sổ gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bổ sung vào hồ sơ xin ly hôn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng: 1900.6568
Thứ hai: Về việc chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ trong thời gian ly thân
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quan hệ hôn nhân chấm dứt khi có bản án ly hôn hoặc một trong 2 bên chết/ bị tòa án tuyên bố là đã chết. Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về ly thân, nếu hai vợ chồng bạn chưa ly hôn, các quan hệ về quyền và nghĩa vụ phát sinh vẫn được áp dụng theo pháp luật hôn nhân và gia đình.
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các nghĩa vụ được xác định là nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng, gồm:
+ Nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch do vợ chồng cùng nhau thỏa thuận xác lập lên hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
+ Nghĩa vụ do một trong 2 bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
+ Các nghĩa vụ phát sinh từ việc vợ, chồng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc vợ hoặcchồng sử dụng tài sản riêng song nhằm mục đích duy trì, phát triển khối tài sản chung, tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của pháp luật dân sự, cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường;
+ Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Như vậy, trong thời gian 2 vợ chồng bạn không chung sống với nhau, nếu nghĩa vụ từ khoản vay từ chồng bạn thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì được xác định là nghĩa vụ chung của cả vợ, chồng, và bạn cũng phải có trách nhiệm trả nợ.
Nếu việc vay tiền là do chồng bạn vay để đầu tư, kinh doanh riêng, không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bạn không có nghĩa vụ trả nợ, chồng bạn phải có nghĩa vụ trả nợ do đây là khoản nợ riêng của chồng bạn.