Thực trạng pháp luật và cơ chế Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học.
Mục lục bài viết
1. Một số hạn chế của pháp luật quốc tế về bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học:
Thứ nhất, luật nhân quyền quốc tế cho đến nay dường như đang bị tụt hậu, không kịp cập nhật với những thay đổi do sự tiến bộ quá nhanh chóng của khoa học và công nghệ nói chung, công nghệ sinh học nói riêng. Tuy đã có cơ chế song các biện pháp bảo vệ nhân quyền trước sự lạm dụng công nghệ sinh học chưa thực sự đầy đủ. Bên cạnh đó việc thiếu cơ chế thực thi đã làm suy yếu hiệu quả của các văn kiện quốc tế, vì nó không có khả năng ngăn chặn các vi phạm có hệ thống.
Thứ hai, hiện nay vẫn chưa có cơ chế quốc tế rõ ràng về việc bảo vệ quyền con người trước ảnh hưởng tiêu cực của ứng dụng công nghệ sinh học mà mới có một Số quy định có liên quan trong một số văn kiện quốc tế về nhân quyền để có thể viện dẫn. Mặc dù, UNESCO, Hội đồng châu Âu và các tổ chức quốc tế khác đã có các chương trình nghiên cứu liên tục về tác động của công nghệ sinh học lên con người, tuy nhiên điều này vẫn chưa trở thành một quy phạm mang tính chất công cụ mà mới dừng lại ở những tuyên bố đưa ra những nguyên tắc mang tính khuyến nghị, cam kết về chính trị – đạo đức hơn là ràng buộc về chính trị – pháp lý.
Thứ ba, yếu tố chính trị mang lại tính bất khả thi cho các cơ chế bảo vệ nhân quyền về vũ khí sinh học. Ví dụ điển hình, tính đến tháng 7 năm 2021, chưa có quốc gia nào sử dụng Điều VI trong Công ước Vũ khí Sinh học để nộp đơn khiếu nại chính thức, mặc dù một số quốc gia đã bị cáo buộc ở các diễn đàn khác về việc duy trì khả năng tấn công của vũ khí sinh học. Việc không muốn viện dẫn Điều VI có thể được giải thích bởi tính chất chính trị cao của Hội đồng Bảo an, nơi có năm thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) nắm quyền phủ quyết, bao gồm cả các cuộc điều tra về các vi phạm hiệp ước bị cáo buộc.
Thử tư, hạn chế chung về việc thực thi Luật nhân quyền quốc tế trong bảo đảm quyền con người. Đầu tiên là việc thiếu sót có các cơ chế theo dõi, giám sát hiệu quả các khuyến nghị trong các cơ chế bảo đảm quyền (của Hội đồng Nhân quyền và Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) là một hạn chế đối với hệ thống bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp quốc. Thứ hai, phương thức đặc biệt của việc thông qua các hiệp ước nhân quyền trong một hệ thống quốc tế được đặc trưng bởi các quốc gia có chủ quyền với các hệ thống chính trị khác nhau. Sự phổ biến của nền dân chủ tự do vẫn là một khái niệm hiện đại và đang diễn ra. Nếu sự phát triển của luật nhân quyền quốc tế là do sự truyền bá của nền dân chủ tự do và quá trình tiếp biến văn hóa, thì luật nhân quyền nhất định phải phát triển cùng với các phản ứng của nền dân chủ tự do – vấn đề là hiếm khi luật được ưu tiên trước. Thứ ba, mức độ nhận thức chưa cao của công chúng không tương ứng với yếu tố nội bộ hóa của quy trình pháp lý, tuy nhiên, thiếu nhận thức của công chúng về các chuẩn mực nhân quyền quốc tế không có nghĩa là không có nhận thức của công chúng về các chuẩn mực nhân quyền trong nước, mà là từ việc truyền thông nhỏ giọt các chuẩn mực từ trường quốc tế.
2. Thực trạng pháp luật và cơ chế Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học:
Việt Nam với việc tham gia các điều ước quốc tế về bảo đảm quyền con người liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học. Việt Nam có những bước tiến tích cực khi tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, trong bối cảnh kinh tế – xã hội vô cùng khó khăn và thiếu thốn của giai đoạn khôi phục lại đất nước sau thời kỳ kháng chiến kéo dài thống nhất đất nước. Việc vượt lên trên khó khăn đó để tham gia vào các điều ước quốc tế của Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất đối với cả thế giới cho việc Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng sự nghiệp bảo vệ quyền con người.
Nhận thức được tầm quan trọng của quyền con người trong sự phát triển bền vững của đất nước nên ngay sau khi giành độc lập, Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế về quyền con người, cụ thể như:
Công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng đầu tiên Việt Nam ký kết là Công ước quốc tế về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, năm 1979 (CEDAW), Việt Nam ký Công ước này ngày 27/11/1981 và phê chuẩn tháng 2/1982. Ngày 9/6/1981, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về Xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, năm 1965 (CERD). Tiếp đó, ngày 24/09/1982, Việt Nam gia nhập hai Công ước quốc tế là Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hoá và xã hội 1966 (ICESCR), hai Công ước này chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 24/12/1982, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc gia nhập hai Công ước này của Việt Nam là tương đối sớm. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới trở thành thành viên Công ước về Quyền trẻ em, năm 1989 (CRC) sau khi ký Công ước này tháng 1/1990 và phê chuẩn ngày 20/2/1991. Việt Nam cũng đã phê chuẩn 2 Nghị định thư bổ sung của CRC (Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về chống sử dụng trẻ em trong mãi dâm, tranh ảnh khiêu dâm). Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục khác năm 1984 (CAT) và Công ước về quyền của những người tàn tật năm 2006 (CRPD).
Ngoài các điều ước quốc tế về nhân quyền chính trên, Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, tiêu biểu như: Nghị định thư bổ sung Công ước Giơ-ne-vơ về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (Việt Nam gia nhập ngày 28/8/1981); Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng (1948), Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981; Công ước quốc tế về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các Tội phạm chiến tranh và Tội chống nhân loại (1968), Việt Nam gia nhập ngày 4/6/1983; hay sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ năm 1994, cho đến nay đã có 18 công ước của ILO được Việt Nam phê chuẩn…Đối với các Công ước quốc tế còn lại như Công ước về quyền của người lao động di cư và thành viên gia họ (1990), Công ước về bảo vệ quyền của mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích (2006). Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét về khả năng tham gia các công ước này. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, quá trình tham gia các Công ước về quyền con người của Việt Nam được đánh giá tương đối tốt.
Các điều ước quốc tế về nhân quyền trong khuôn khổ Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã tham gia nêu trên chính là nền tảng để Việt Nam phê chuẩn các văn kiện quốc tế khác về quyền con người liên quan đến lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học. Đặc biệt, đóng vai trò quan trọng và trực tiếp phải kể đến một số văn kiện sau:
Thứ nhất, ta phải nhắc đến bộ ba tuyên bố về đạo đức sinh học đó là “Tuyên bố chung về bộ gen người và quyền con người năm 1997; “Tuyên bố quốc tế về dữ liệu di truyền người” năm 2003 và đặc biệt là “Tuyên ngôn chung về Đạo đức Sinh học và quyền con người” năm 2005 đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Cũng như đa số các văn kiện khác được thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, các tuyên ngôn hay tuyên bố chỉ mang tính chất khuyến nghị, nó sẽ tác động và ảnh hưởng đến các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên các khía cạnh đạo đức và chính trị. Bên cạnh đó, với các giá trị chuẩn mực cơ bản được ghi nhận và được chia sẻ bởi các thành viên của cộng đồng quốc tế, chúng được xem như là một phần của tập quán quốc tế. Tuy rằng không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng nó là văn kiện nền tảng trong lĩnh vực nhân quyền nhằm bảo đảm quyền con người trong vấn đề đạo đức sinh học. Việt Nam là thành viên của Liên Hợp quốc, do đó cũng sẽ ghi nhận và coi các tuyên bố trên như một khuôn mẫu chung về quyền con người với danh sách các nguyên tắc nền tảng đầy đủ và rộng rãi liên quan đến đạo đức sinh học để áp dụng trong chính sách và pháp luật của quốc gia, cũng như trong quá trình hợp tác quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam đã gia nhập là thành viên của Công ước về lĩnh vực an toàn sinh học, cụ thể:
Ngày 19 tháng 1 năm 2004, Việt Nam chính thức trở thành Bên tham gia của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Tiếp sau đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-CP vào ngày 12/02/2014, về việc Việt Nam đồng ý gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về trách nhiệm pháp lý và khắc phục hậu quả. Nghị định thư bổ sung cũng có ý nghĩa quan trọng vì nó đã thay thế phần còn thiếu của Nghị định thư về an toàn sinh học, bởi việc đưa ra các quy tắc về trách nhiệm pháp lý và khắc phục thiệt hại do LMOs gây ra. Việc trở thành Bên tham gia các Nghị định thư trên sẽ mang lại cho Việt Nam một số lợi ích cụ thể như:
+ Việt Nam là quốc gia đang phát triển, sẽ có tư cách nhận hỗ trợ tài chính từ cơ chế tài chính của Nghị định thư (GEF) cũng như nhận được hỗ trợ khác để thực hiện Nghị định thư và tăng cường năng lực tham gia vào các quá trình của Nghị định thư;
+ Tăng cường tầm nhìn và độ tin cậy của hệ thống quản lý an toàn quốc gia trong cộng đồng toàn cầu. Góp phần hài hòa các quy tắc, thủ tục và thực hành trong quản lý vận chuyển xuyên biên giới LMOs;
+ Tạo cơ chế và cơ hội thuận lợi cho chính phủ hợp tác với các chính phủ khác, các khu vực tư nhân và xã hội trong tăng cường an toàn sinh học. Tăng cường tiếp cận với các công nghệ và dữ liệu có liên quan và có lợi từ việc thường xuyên trao đổi thông tin và chuyên môn để phát triển, sử dụng công nghệ sinh học hiện đại một cách an toàn;
+ Cho phép đưa ra trách nhiệm pháp lý trong nước và sửa chữa các quy tắc phù hợp với khuôn khổ đa phương về việc sẽ thể hiện cam kết bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Thứ ba, vào ngày 20 tháng 6 năm 1980, Việt Nam đã ký phê chuẩn và gia nhập Công ước về vũ khí sinh học tại Moscow. Trên cơ sở tham gia Công ước, Việt Nam đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa sử dụng vũ khí sinh học, như: kiểm soát dịch bệnh đối với người nước ngoài nhập cảnh; nghiên cứu các loại vắc xin phòng dịch; tổ chức tiêm phòng; tăng cường nghiên cứu và chia sẻ, hợp tác quốc tế về các kiến thức, kỹ thuật liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, điều trị và ngăn chặn sự tấn công của vũ khí sinh học.