Viên chức trong ngành y tế có được mở bệnh viện tư không? 19 tuổi có được đứng tên cổ phần khi thành lập doanh nghiệp không?
Viên chức trong ngành y tế có được mở bệnh viện tư không? 19 tuổi có được đứng tên cổ phần khi thành lập doanh nghiệp không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi xin hỏi. Vợ chồng tôi đều làm trong cơ sở y tế Nhà nước, nay chúng tôi muốn đầu tư để mở Bệnh viện tư. Theo quy định thì cán bộ y tế đang làm việc không được đứng tên góp cổ phần để mở cơ sở y tế tư nhân. Vợ chồng tôi có con trai năm nay 19 tuổi. Vậy con trai tôi có đủ cơ sở pháp lý để đứng tên cổ phần hay không? Và như thế thì chúng tôi có vi phạm quy định của Ngành không ạ? Rất mong được sự giúp đỡ của luật sư để chúng tôi hiểu rõ được vấn đề. Tôi xin cảm ơn. ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 20 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định những việc cán bộ, công chức không được làm bao gồm: “Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”
Quy định này được giải quyết tại điểm b, khoản 1 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 quy định cụ thể: cán bộ, công chức, viên chức không được : “b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;”
Như vậy, trong trường hợp này, vợ chồng bạn không được thực hiện các hành vi bao gồm: thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, nếu bệnh viện được tổ chức hoạt động theo mô hình tư nhân thì vợ chồng bạn vẫn có quyền sở hữu những loại cổ phiếu đặc thù như: Cổ phiếu ưu đãi lợi tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại cổ đông sở hữu hai loại cổ phiếu này không có quyền tham gia hoạt động quản lý, điều hành công ty cổ phần theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014.
Thứ hai, để được đứng tên thành lập, tham gia thành lập bệnh viện tư nhân được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần thì con trai bạn không được thuộc vào các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 sau:
“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Đồng thời, như thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn công tác tại cơ sở y tế nhà nước- những cơ quan không có thẩm quyền quản lý hành chính về các vấn đề liên quan đến vấn đề y tế nên vợ chồng bạn không thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005:
“2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.”
Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu con trai bạn đủ điều kiện để thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp thì việc đứng tên cổ phần đối với bệnh viện tư nhân như bạn đề cập là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Quy trình thành lập bệnh viện tư nhân bao gồm:
– Chủ đầu tư có Đơn xin thành lập Bệnh viện và Đề án thành lập Bệnh viện gửi đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi đặt Bệnh viện.
– Sở Y tế có Công văn kèm theo Đề án thành lập Bệnh viện gửi đến UBND tỉnh.
– Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn trả lời Sở Y tế đồng ý cho phép thành lập Bệnh viện … tại địa điểm …
– Sở Y tế có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép thành lập Bệnh viện, kèm theo Đề án thành lập bệnh viện và Công văn ý kiến của UBND tỉnh.
– Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân là Giám đốc Bệnh viện và thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho Bệnh viện.