Ký quỹ bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán là quy định bắt buộc trong thực hiện giao dịch chứng khoán. Vậy việc ký quỹ của thành viên bù trừ được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là ký quỹ bù trừ?
Căn cứ khoản 10 Điều 2 Thông tư số 58/2021/TT-BTC quy định ký quỹ được hiểu là việc bên có nghĩa vụ nộp một khoản tiền hoặc chứng khoán được chấp nhận ký quỹ với mục đích để nhằm được đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
Bù trừ chính là việc xác định vị thế và nghĩa vụ thanh toán ròng cho các bên tham gia giao dịch.
2. Việc ký quỹ của thành viên bù trừ được quy định thế nào?
– Ban đầu, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ phải xác định mức ký quỹ yêu cầu mà thành viên bù trừ phải nộp cho các vị thế đứng tên thành viên bù trừ vẫn còn đang lưu hành sau khi kết thúc giờ giao dịch.
– Xác định mức kỹ quỹ sẽ căn cứ vào loại ký quỹ rủi ro, ký quỹ song hành Hợp đồng tương lai, ký quỹ chuyển giao Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, ký quỹ tối thiểu và các yếu tố khác mà Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xét thấy là cần thiết.
– Nếu như giá trị tài sản ký quỹ không đáp ứng được mức ký quỹ yêu cầu do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định thì thành viên bù trừ phải có trách nhiệm nộp bổ sung tài sản ký quỹ.
– Trường hợp nếu như giá trị tài sản ký quỹ vượt mức ký quỹ yêu cầu theo quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thì thành viên bù trừ sẽ được quyền rút bớt tài sản ký quỹ.
– Nộp ký quỹ có thể bằng tiền hoặc chứng khoán. Tuy nhiên thành viên bù trừ phải đảm bảo được tỷ lệ tiền ký quỹ không thấp hơn 80% mức ký quỹ yêu cầu. Ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thực hiện hợp đồng dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở thực hiện ký quỹ bằng trái phiếu Chính phủ có thể chuyển giao.
– Tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ sẽ được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam định kỳ tiến hành giám sát trong ngày giao dịch.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền cảnh báo thành viên bù trừ cũng như áp dụng các biện pháp xử lý nếu như thành viên bù trừ không đảm bảo giá trị tài sản ký quỹ theo yêu cầu. Một trong các biện pháp đó là:
+ Đối với các tài khoản giao dịch liên quan đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện đình chỉ giao dịch, trừ các giao dịch đối ứng để giảm vị thế.
+ Yêu cầu thành viên bù trừ hoặc thông qua thành viên bù trừ yêu cầu nhà đầu tư để thực hiện bổ sung tài sản ký quỹ, thực hiện giao dịch đối ứng để giảm vị thế.
3. Tài sản ký quỹ gồm những gì?
Theo khoản 1 Điều 14 Thông tư số 58/2021/TT-BTC quy định tài sản ký quỹ có thể là tiền và chứng khoán đối với những giao dịch chứng khoán phái sinh.
Như vậy, thành viên bù trừ được sử dụng tiền và chứng khoán để thực hiện ký quỹ.
Đối với chứng khoán được thành viên bù trừ cho phép nhà đầu tư nộp làm tài sản ký quỹ phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện sau:
– Là chứng khoán có trong danh sách chứng khoán được chấp nhận ký quỹ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam công bố.
– Đảm bảo không phải là tài sản bảo đảm trong các giao dịch theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch tài sản bảo đảm.
– Tuân thủ các điều kiện khác theo quy định của thành viên bù trừ.
Đối với chứng khoán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp nhận là tài sản ký quỹ cho các vị thế chứng khoán phái sinh phải có những điều kiện sau:
– Thuộc danh sách tài sản được chấp nhận ký quỹ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
– Đảm bảo không thuộc diện bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh hay chứng khoán của các tổ chức phát hành đang trong tình trạng thanh lý, giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập.
– Đảm bảo không thuộc diện đang bị cầm cố, phong tỏa, tạm giữ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
– Chứng khoản thuộc loại tự do chuyển nhượng và đã được lưu ký trên tài khoản chứng khoán giao dịch tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
– Phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên ký quỹ là nhà đầu tư, thành viên bù trừ.
– Phải đảm bảo các tiêu chí khác trên cơ sở quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Nguyên tắc bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán:
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện bù trừ đa phương để xác định nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc sau:
– Việc bù trừ tiền được thực hiện cho từng thành viên bù trừ trên cơ sở bù trừ chung giữa số tiền được nhận và số tiền phải trả cho các giao dịch có cùng thời gian, phương thức thanh toán trên hệ thống giao dịch chứng khoán và tách biệt theo loại tài khoản môi giới cho khách hàng trong nước, tài khoản môi giới cho khách hàng nước ngoài và tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ.
– Việc bù trừ chứng khoán được thực hiện theo từng chứng khoán và tách biệt theo loại tài khoản môi giới cho khách hàng trong nước, tài khoản môi giới cho khách hàng nước ngoài và tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ;
– Thành viên bù trừ chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của khách hàng đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với tư cách là đại diện theo ủy quyền của khách hàng, bao gồm cả giao dịch của thành viên giao dịch không bù trừ, khách hàng của thành viên giao dịch không bù trừ.
– Trên cơ sở nghĩa vụ thanh toán chứng khoán và tiền do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định, việc thanh toán chuyển giao chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán được thực hiện.
– Thành viên lưu ký được phép tham gia hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán như thành viên bù trừ trực tiếp, thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên bù trừ đối với việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày chính thức triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.
5. Quản lý tài sản ký quỹ được quy định như thế nào?
– Đối tượng quản lý tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ, nhà đầu tư: Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ.
– Khi nhằm mục đích bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thực hiện thanh toán cho các vị thế trên tài khoản giao dịch tương ứng của chính nhà đầu tư thì thành viên bù trừ được sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư để ký quỹ.
– Tài sản ký quỹ của nhà đầu tư phải được quản lý tách biệt.
– Thành viên bù trừ được sử dụng, bán hoặc chuyển giao tài sản ký quỹ mà không cần sự chấp thuận của nhà đầu tư nếu như rơi vào trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên việc bán hay chuyển giao như trên phải có thông báo cho nhà đầu tư về việc xử lý tài sản ký quỹ theo đúng phương thức đã được quy định tại hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh.
– Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư và của thành viên bù trừ đã nộp cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ thanh toán cho các vị thế của nhà đầu tư và của thành viên bù trừ.
– Thành viên bù trừ vẫn được nhận các quyền và lợi ích phát sinh liên quan tới chứng khoán ký quỹ trong thời gian ký quỹ.
– Việc xử lý bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư đối với chứng khoán ký quỹ thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
– Nhà đầu tư, thành viên bù trừ không được chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược, đăng ký tài sản bảo đảm hoặc sử dụng các tài sản ký quỹ vào các mục đích khác trong khoảng thời gian ký quỹ trên tài khoản ký quỹ.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Thông tư số 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.