Tạm nhập tái xuất là một trong những hình thức thương mại quốc tế. Theo đó, khi thực hiện việc tạm nhập tái xuất thì thương nhân phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thương mại quốc tế của Việt Nam, của nước nhận xuất - nhập khẩu và điều ước quốc tế mà nước xuất- nhập khẩu là thành viên. Vậy nếu vi phạm về tạm nhập tái xuất hàng hóa thì bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tạm nhập tái xuất hàng hoá?
Căn cứ theo quy định tại Điều 29
Như vậy, có thể hiểu tạm nhập tái xuất là việc sử dụng một nước thứ ba làm khâu trung gian để xuất- nhập khẩu hàng hoá từ nước này sang nước khác.
2. Các hình thức tạm nhập, tái xuất theo quy định hiện hành:
Theo những quy định được nêu ra tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP thì việc tạm nhập, tái xuất hàng hoá được thực hiện theo một trong các hình thức sau:
– Tạm nhập, tái xuất hàng hoá theo hình thức kinh doanh;
– Tạm nhập, tái xuất hàng hoá theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn;
– Tạm nhập, tái xuất hàng hoá để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài;
– Tạm nhập, tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại;
– Tạm nhập, tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác.
3. Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hoá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP thì việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất được phải lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hoá không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh theo các quy định sau:
+ Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện thuộc Chương III của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP;
+ Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất;
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại hai trường hợp nêu trên thì thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.
Thứ hai, đối với tổ chức kinh tế tại Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ được thực hiện việc tạm nhập, tái xuất hàng hoá theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP mà không được thực hiện việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hoá;
Thứ ba, đối với việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải chịu sự kiểm tra và giám sát của cơ quan hải quan từ khi hàng hoá được tạm nhập vào quốc gia cho tới khi hàng hoá đó được tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Lưu ý, không được chia nhỏ hàng hoá để vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Trong trường hợp, do đặc thù hoặc yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hoá vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất khẩu thì phải được thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan có thẩm quyền giám sát;
Thứ tư, hàng hoá được kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày hoàn tất thủ tục hải quan tạm nhập. Lưu ý, trong thời gian tạm nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam mà thương nhân xét thấy cần kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam (hơn 60 ngày) thì thương nhân phải có trách nhiệm gửi Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn lưu lại hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tới Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập. Theo đó thì thời hạn để gia hạn của mỗi lần không quá 30 ngày và không được thực hiện gia hạn quá 02 lần đối với mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Nếu quá thời hạn được lưu lại tại Việt Nam mà thương nhân vẫn chưa cho tái xuất ra khỏi Việt Nam thì cơ quan hải quan buộc thương nhân phải tái xuất hàng hoá ra khỏi Việt Nam hoặc buộc phải tiêu huỷ hàng hoá.
Thứ năm, về hợp đồng thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhập khẩu hàng hoá: Thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt là:
Thứ sáu, về phương thức thanh toán: Thực hiện theo các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về tạm nhập, tái xuất hàng hoá:
Hiện nay, việc thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hoá phải được thực hiện theo quy định và những nguyên tắc được quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP đã được phân tích tại mục 3 của bài viết này. Theo đó, nếu thương nhân vi phạm trong hoạt động kinh doanh về tạm nhập, tái xuất hàng hoá thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì thương nhân vi phạm về lĩnh vực tạm nhập, tái xuất hàng hoá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể mức xử phạt như sau:
4.1. Xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì thương nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền cụ thể theo từng trường hợp sau:
– Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tự ý tẩy xoá, sửa chữa, bổ sung, thay đổi nội dung có trong Giấy phép tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xấm được xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu và tạm ngừng nhập khẩu;
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép Giấy tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm được xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu và tạm ngừng nhập khẩu;
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện khi không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật;
– Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với những hàng hoá quy định phải có Giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà không có giấy phép theo quy định;
– Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với hàng hoá thuộc danh mục bị cấm kinh doanh/ tạm ngừng kinh doanh hàng hoá tạm nhập tái xuất.
4.2. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm về tạm nhập tái xuất hàng hoá:
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm bằng hình thức phạt tiền thì thương nhân vi phạm sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Tịch thu tang vật được sử dụng đến vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất hàng hoá. Trừ những trường hợp phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7 Điều 40 này thì thương nhân không phải thực hiện việc tịch thu tang vật;
– Bị đình chỉ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hoá trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi phạm theo quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5. Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP;
– Bị tước quyền sử dụng Giấy phép tạm nhập tái xuất hàng hoá trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
4.3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm về tạm nhập tái xuất hàng hoá:
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 27 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP thì thương nhân vi phạm về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hoá còn bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như sau:
– Đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì buộc tái xuất hàng hoá tại cửa khẩu nhập;
– Đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
– Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì người vi phạm buộc nộp lại giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép tạm xuất tái nhập hàng hóa bị tẩy xóa, sửa chữa, sửa đổi, bổ sung, thay đổi nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 15/5/2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
– Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
– Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/1/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.