Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một vi phạm rất phổ biến ở nước ta hiện nay. Nhiều trường hợp vì lợi ích cá nhân cố tình vi phạm nhưng cũng có nhiều người dân vi phạm do vô ý, họ mặc nhiên cho rằng việc sử dụng nhãn hiệu của công ty khác, quyền tác giả bài hát, đoạn nhạc, tác phẩm văn học phái sinh.
Mục lục bài viết
1. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp khiến cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Luật sở hữu trí tuệ đối tượng của sở hữu trí tuệ gồm 3 nhóm chính (i) Sở hữu công nghiệp (ii) bản quyền tác giả (iii) quyền liên quan đến giống cây trồng vật nuôi. Do đó, bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với 03 đối tượng nêu trên đều được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Hành vi xâm phạm quyền tác giả
– Hành vi xâm phạm quyền liên quan
– Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
– Hành vi xâm phạm đối với bí mật kinh doanh
– Hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
Về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, Điều 35, Điều 126, Điều 127, Điều 129 và 188 của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quy định về căn cứ để xác định một hành vi có bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các điều nêu trên được ghi nhận tại điều 5
“Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:
Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”.
Như vậy khi xác định một hành vi có phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không cần căn cứ đủ trên 4 yếu tố trên. Cụ thể là:
Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì: “Đối tượng bị xem xét” là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không. Đối tượng đang được bảo hộ được quy định tại Điều 6 của nghị định này và Điều 6 của Luật sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
Yếu tố xâm phạm ở đây được hiểu là yếu tố xuất hiện khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các yếu tố xâm phạm được quy định cụ thể tại nghị định này từ Điều 7 đến Điều 14.
Thứ ba, yếu tố chủ thể.
Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét không đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định, họ không phải là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ, cũng không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
Thứ 4, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Nếu hành vi này không xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh. Việc này phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong Tư pháp quốc tế. Bởi lĩnh vực sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực khá phức tạp, đòi hỏi phải được xem xét một cách chính xác và phù hợp nhất. Việc pháp luật các nước có quy định khác nhau trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ chính là đặc điểm mà do đó không thể xem xét một hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ xảy ra trên phạm vi lãnh thổ một quốc gia bằng pháp luật của quốc gia khác. Hành vi bị xem xét phải xảy ra tại Việt Nam, nếu nó xảy ra tại nước khác thì không được coi là hành vi xâm phạm.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếng Anh là: Violation of intellectual property rights
Một số thuật ngữ tiếng Anh có liên quan:
Quyền sở hữu trí tuệ (tiếng Anh là Intellectual property rights)
Quyền tác giả (tiếng Anh là copyright)
Quyền nhân thân (tiếng Anh là Moral rights)
Quyền tài sản (tiếng Anh là Economic rights)
Quyền liên quan đến quyền tác giả (tiếng Anh là Copyright-related rights)
Quyền sở hữu công nghiệp (tiếng Anh là Industrial property rights)
Quyền đối với giống cây trồng (tiếng Anh là Rights to plant varieties)
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (tiếng Anh là Intellectual property right holder)
2. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ:
Điều 198 Luật SHTT năm 2005 quy định, chủ thể quyền SHTT có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền SHTT của mình:
Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT;
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của Luật SHTT và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật.
3. Các biện pháp xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ:
3.1. Biện pháp xử lý hành chính:
Khi bên vi phạm có lỗi cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức được coi là nguy hiểm, chưa đến mức được xác định là tội phạm và các hành vi này được quy định trong các văn bản xử lý hành chính về quyền sở hữu trí tuệ có liên quan như:
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ :
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho: Tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc xã hội.
Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ: Tem, nhãn, vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân, chủ thể quyền đề nghị các cơ quan Thanh tra chuyên ngành hoặc các cơ quan như: Quản lý thị trường, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trở lên để được xử lý.
3.2. Biện pháp xử lý dân sự:
Bên bị xâm phạm phải xác định được thiệt hại thực tế, yếu tố lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bên vi phạm và thiệt hại mà bên bị xâm phạm phải chịu. Biện pháp xử lý dân sự có thể song song với biện pháp xử lý hành chính và biện pháp xử lý hình sự.
Khi xảy ra tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố giải quyết.
Toà án có thẩm quyền buộc bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thực hiện việc:
Chấm dứt hành vi xâm phạm.
Xin lỗi, cải chính công khai.
Thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Bồi thường thiệt hại.
Tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
3.3. Biện pháp xử lý hình sự:
Được áp dụng đối với người nào cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, bên vi phạm có lỗi được coi là nguy hiểm cho xã hội, các hành vi và mức độ xâm phạm được quy định cụ thể trong Luật Hình sự.
Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý.
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là tội phạm khi có đủ các yếu tố cấu thành một trong các tội quy định trong Bộ luật hình sự sau:
+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156);
+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157) ;
+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú; thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 158);
+ Tội lừa dối khách hàng (Điều 162) ;
+ Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170) ;
+ Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170a) ;
+ Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171) ;
+ Tội vi phạm các quy định về xuất bản phát hành sách, báo; đĩa âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác (Điều 271).
3.4. Biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan:
Được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam, nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm.
Để có thể ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, điều duy nhất chủ sở hữu cần thực hiện là tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ, việc đăng ký ngoài việc giúp chủ sở hữu được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ còn giúp chủ sở hữu có thể tiến hành biện pháp hành chính và hình sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với đối tượng đã đăng ký bảo hộ.
Ngoài ra, chủ sở hữu cần có biện pháp cần thiết để khách hàng, người tiêu dùng tự ý thức được việc nên sử dụng sản phẩm chính hãng và có nguồn gốc rõ ràng để tránh việc sử dụng hàng nhái, hàng giả dẫn đến hậu quả không mong muốn từ việc sử dụng hàng kém chất lượng này.