Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan mang đầy đủ các đặc điểm chung của vi phạm hành chính nói chung, song cũng có những đặc điểm riêng biệt. Cùng tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là gì?
Mục lục bài viết
1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là gì?
Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh hải quan là một trong các dạng vi phạm hành chính, vì vậy nó không chỉ chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành về hải quan mà còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các văn bản pháp luật về xử lý hành chính. Các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan lần đầu được ghi nhận tại Nghị định số 16–CP ngày 20/3/1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, quan điểm này tiếp tục được thể hiện qua các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan sau này: Nghị định số 138/2004/NĐ–CP; Nghị định số 97/2007/NĐ–CP ngày 07/6/2007; Nghị định số 127/2013/NĐ–CP; Nghị định số 45/2016/NĐ–CP ngày 29/5/2016, Nghị định số 128/2020/NĐ–CP ngày 19/10/2020.
Theo quy định hiện hành, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2020/NĐ CP (viết tắt là Nghị định 128) quy định: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan bao gồm: (i) Vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan; (ii) Vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; (iii) Vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (iv) Vi phạm các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, tại khoản 3 và khoản 4 Nghị định còn quy định các trường hợp: (i) Đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh xảy ra trong lĩnh vực hải quan thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; (ii) Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan không được quy định tại Nghị định này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các văn bản đó.
2. Các dấu hiệu của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:
Trên cơ sở các quy định, các dấu hiệu của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được cấu thành bởi các yếu tố:
* Mặt khách quan: mặt khách quan của vi phạm hành chính là những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của vi phạm hành chính, bao gồm các yếu tố:
Thứ nhất, là hành vi trái pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hành vi trái pháp luật hành chính được thể hiện dưới dạng hành động (chủ thể thực hiện những hành vi bị pháp luật hành chính ngăn cấm) hoặc không hành động (chủ thể không thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính bắt buộc phải thực hiện). Nếu không có hành vi trái pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan của chủ thể thì không thể có cấu thành vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Thứ hai, là hậu quả do hành vi trái pháp luật hành chính gây ra cho xã hội nói chung và của Nhà nước nói riêng.
Thứ ba, là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan với hậu quả (sự thiệt hại của xã hội và Nhà nước) mà nó gây ra. Hậu quả của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có thể là những thiệt hại thực tế hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại cho xã hội và Nhà nước. Trong các yếu tố nêu trên, hành vi trái pháp luật hành chính là dấu hiệu bắt buộc phải có trong mặt khách quan của vi phạm hành chính; các yếu tố còn lại có thể có hoặc có thể không, tùy thuộc vào từng loại vi phạm hành chính.
* Mặt chủ quan: mặt chủ quan của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là những biểu hiện tâm lý bên trong của chủ thể thực hiện hành vi, bao gồm các yếu tố:
Thứ nhất, là yếu tố lỗi của chủ thể vi phạm, Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi vi phạm của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra. vi phạm hành chính phải là hành vi có lỗi, thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Lỗi cố ý thể hiện ở chỗ chủ thể nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Lỗi vô ý thể hiện ở chỗ chủ thể không nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hậu quả xảy ra.
Thứ hai, là yếu tố mục đích. Mục đích vi phạm cũng thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi. Trong các yếu tố nêu trên, thì lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; yếu tố mục đích có thể có hoặc có thể không, tùy thuộc vào từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng như vi phạm hành chính nói chung.
* Chủ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: chủ thể vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm hành chính, nghĩa là theo quy định của pháp luật hành chính, họ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của mình. Đối với cá nhân, họ phải là người đạt độ tuổi nhất định, có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Đối với tổ chức, là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do người đại diện hoặc những người được giao nhiệm vụ với tư cách nhân danh tổ chức hoặc những người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành… của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
* Khách thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: khách thể của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là những quan hệ xã hội được pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan bảo vệ nhưng bị những vi phạm hành chính xâm hại, gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại. Vì vậy, vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là một loại vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực hải quan, xâm phạm tới trật tự quản lý nhà nước về hải quan.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Đặc điểm của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:
Cấu thành vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng thể hiện đầy đủ tính xâm hại cho trật tự quản lý nhà nước của một loại vi phạm hành chính và cần thiết cho việc xác định ranh giới của các loại vi phạm hành chính khác nhau. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động hải quan, các vi phạm hành chính hải quan cũng có một số đặc điểm riêng có tác động nhất định đến việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm này .
Một là, hoạt động hải quan mang tính tổng hợp, liên quan đến quy định của nhiều đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội khác nhau như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Thương mại, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ... Do vậy, vi phạm hành chính về hải quan có thể do nhiều cơ quan phát hiện và vi phạm hành chính hải quan có thể do nhiều cơ quan cùng tham gia xử lý.
Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo trong việc xử lý vi phạm hành chính về hải quan, theo quy định của Luật hải quan về địa bàn hoạt động hải quan thì trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh để chủ động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chống gian lận thương mại. Nghị định quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các cơ quan khác như: Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển ....
Hai là, vi phạm hành chính hải quan chỉ xảy ra trong hoạt động hành chính có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, và do đã có liên quan, chịu nhiều tác động của các yếu tố nước ngoài: đối tượng áp dụng của pháp luật hải quan, ngoài các tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, còn có các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Ba là, vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan xâm phạm tới nhiều quan hệ xã hội do pháp luật điều chỉnh, bảo vệ. vi phạm hành chính bao gồm cả các vi phạm về chế độ quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, hành lý, ngoại hối, vàng, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý, cổ vật, văn hóa phẩm, bưu phẩm, vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và các tài sản khác (gọi chung là hàng hóa); các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, nên có liên quan đến nhiều luật hoặc các quy định chuyên ngành.
Trong một số trường hợp, việc phân biệt rõ ràng giữa vi phạm hành chính hải quan và vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác là tương đối khó khăn. Chẳng hạn, phân biệt hành vi khai sai mã số, khai sai trị giá tính thuế của hàng hóa vừa có thể xử phạt theo hành vi vi phạm hành chính hải quan, vừa có thể xử phạt theo hành vi vi phạm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tùy theo cách xác định xem đã thuần túy là vi phạm hành chính hải quan hay có mục đích trốn thuế mà việc xác định này không phải khi nào cũng dễ dàng.
Bốn là, kết quả hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thể hiện ở quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; tại đó ghi nhận các hình thức, biện pháp xử phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực hải quan. Việc quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt đó thể hiện sự trừng phạt nghiêm khắc của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.