Có nhiều quan điểm cho rằng, khi vay hoặc mượn tiền không tính lãi của giám đốc sẽ được coi là giao dịch mượn tiền, không phải là giao dịch liên kết và không bị không chế khoản lãi vay, không phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Vậy vay, mượn tiền giám đốc có phải giao dịch liên kết hay không?
Mục lục bài viết
1. Vay, mượn tiền giám đốc có phải giao dịch liên kết không?
Căn cứ theo quy định tại Luật quản lý thuế năm 2019 thì có thể hiểu, giao dịch liên kết là loại hình giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết với nhau. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với công ty có giao dịch liên kết, các bên có quan hệ liên kết được hiểu là các bên có mối quan hệ thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Một bên tham gia trực tiếp hoặc một bên tham gia gián tiếp vào quá trình điều hành, quá trình góp vốn, quá trình kiểm soát, đầu tư vào bên còn lại;
– Các bên trực tiếp hoặc các bên gián tiếp cùng nhau chịu sự điều hành, cùng nhau chịu sự kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Vay, mượn tiền giám đốc có phải giao dịch liên kết hay không? Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với công ty có giao dịch liên kết, có quy định về các bên trong quan hệ liên kết. Theo đó, các bên liên kết được quy định cụ thể như sau:
– Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc công ty nắm giữ gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu công ty kia;
– Cả 02 công ty đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc nắm giữ gián tiếp;
– Một công ty được xác định là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của công ty kia;
– Một doanh nghiệp thực hiện thủ tục bảo lãnh, hoặc cho một doanh nghiệp khác thực hiện thủ tục vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào phù hợp với quy định của pháp luật, với điều kiện khoản vốn vay ít nhất phải bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp đi vay, và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay đó;
– Một doanh nghiệp chỉ định thành viên trong ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm giữ quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định sẽ chiếm trên 50% tổng số thành viên trong ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai, hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định hoàn toàn có quyền quyết định các chính sách về tài chính hoặc quyết định vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
– Hai công ty cùng có trên 50% thành viên trong ban lãnh đạo hoặc 02 công ty cùng có một thành viên trong ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách về tài chính hoặc quyết định về các hoạt động liên quan đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được chỉ định bởi một bên thứ ba;
– Hai công ty trên thực tế được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, chịu sự kiểm soát về tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể, anh/chị/em ruột cùng cha mẹ, anh chị em ruột khác cha khác mẹ, anh chị em ruột cùng cha khác mẹ, anh rể, em rể cây chị em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô dì, chú và cậu, bác ruột và cháu ruột;
– Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ liên quan đến trụ sở chính và cơ sở thường trú, hoặc hai cơ sở kinh doanh cùng là cơ sở thường trú của một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài;
– Các công ty chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua hình thức vốn góp của cá nhân này vào công ty đó, hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình điều hành công ty;
– Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng quyền, nhận quyền chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, vay hoặc cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, cá nhân kiểm soát doanh nghiệp, hoặc với cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ theo quy định nêu trên.
Đối chiếu với quy định của pháp luật về doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp được xác định là người quản lý doanh nghiệp tư nhân, người quản lý công ty trong đó bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, cá nhân giữ chức danh quản lý theo quy định trong điều lệ công ty. Như vậy, giám đốc sẽ được coi là một trong những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, việc vay/mượn tiền giám đốc sẽ được coi là giao dịch liên kết khi thỏa mãn đồng thời điều kiện sau:
– Giám đốc được xác định là người thực hiện hoạt động điều hành và kiểm soát công ty;
– Vay giám đốc ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu.
Như vậy có thể nói, nếu không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nêu trên thì giao dịch vay, mượn tiền với giám đốc sẽ không được xác định là giao dịch liên kết. Hay có thể nói, giao dịch vay hoặc mượn tiền giám đốc (kể cả trong trường hợp tính lãi hoặc không tính lãi) có thể sẽ được coi là giao dịch liên kết nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Công ty, doanh nghiệp vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết không?
Cũng căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, thì có thể thấy, một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện vốn vay đó ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp đi vay, và chiếm trên 50% tổng số giá trị các khoản nợ trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp đi vay đó, thì sẽ được xem là các bên có giao dịch liên kết.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp công ty và doanh nghiệp đi vay ngân hàng với khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp chủ sở hữu của công ty và chiếm trên 50% tổng số giá trị các khoản nợ trung hạn và dài hạn của công ty, thì mối quan hệ giữa công ty và ngân hàng trong trường hợp này sẽ được xác định là có quan hệ liên kết. Theo đó, giao dịch vay phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết khi đáp ứng được các điều kiện sau:
– Khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu;
– Chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung hạn và dài hạn.
3. Nguyên tắc kê khai và xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về trách nhiệm của người nộp thuế theo đó, người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết sẽ phải có trách nhiệm lập, lưu trữ, kê khai và cung cấp đầy đủ hồ sơ thông tin về người nộp thuế cùng với các bên liên kết của người nộp thuế, trong đó bao gồm các thông tin về giao dịch liên kết tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có quy định về nguyên tắc khai thuế và tính thuế. Theo đó, nguyên tắc khai thuế, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:
– Kê khai và xác định giá giao dịch liên kết cần phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc phân tích, nguyên tắc so sánh với các giao dịch độc lập, dựa trên nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để có thể xác định nghĩa vụ thuế cần phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
– Giá giao dịch liên kết sẽ được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để thực hiện hoạt động kê khai và xác định số tiền thuế phải nộp, theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
– Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp sẽ được miễn thuế và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong hoạt động kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.