Giám đốc dự án là người đóng vai trò rất quan trọng trong một doanh nghiệp, tổ chức. Giám đốc dự án là người chịu trách nhiệm tổ chức, lập kế hoạch, thực hiện phát triển các dự án. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của giám đốc dự án.
Mục lục bài viết
1. Vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của giám đốc dự án:
Căn cứ khoản 17 Điều 3 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định về giám đốc quản lý dự án là chức danh của cá nhân được Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tư vấn quản lý dự án, người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư giao nhiệm vụ tiến hành quản lý, điều phối thực hiện quản lý dự án đối với dự án đầu tư xây dựng cụ thể.
Giám đốc dự án có vai trò vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp nói chung và dự án nói riêng. Giám đốc dự án sẽ thực hiện quản lý toàn bộ hoạt động của các dự án trong quá trình triển khai, họ sẽ có những trách nhiệm sau:
Thứ nhất, điều phối và quản lý dự án: họ sẽ giám sát nhà quản lý dự án, thực hiện điều phối viên của các nhóm nhằm mục đích đảm bảo tiến độ công việc sao cho phù hợp với những chỉ tiêu ngân sách được phê duyệt.
Lập các kế hoạch, mục tiêu phân công đầu việc cho mỗi thành viên trong dự án để làm sao đảm bảo đúng tiến độ.
Theo dõi sát sao các công việc của các cấp dưới để báo cáo các tiến độ, phát hiện kịp thời được các sai sót và rủi ro trong tiến trình thực thi để đưa ra những phương án giải quyết kịp thời.
Thứ hai, tham gia đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác, khách hàng: bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện dự án, giám đốc dự án còn phải chịu trách nhiệm quản lý các hợp đồng đã ký kết, theo sát tiến độ thi công để nắm bắt được việc thanh toán hợp đồng, các danh mục hồ sơ cần thiết và đại diện công ty hoàn thành các thủ tục đúng và đầy đủ.
Thứ ba, giám đốc dự án phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ vấn đề của dự án mình quản lý:
Trong quá trình triển khai, thực hiện hoạt động của dự án, Giám đốc dự án phải là người chịu trách nhiệm với những vấn đề liên quan đến dự án mà mình đảm nhiệm, bất kỳ mọi phát sinh, những khó khăn cần để giải quyết thì giám đốc dự án phải là người nắm bắt sớm và giải quyết sớm.
2. Điều kiện của một giám đốc quản lý dự án:
Căn cứ khoản 3 Điều 22 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định giám đốc quản lý dự án phải đảm bảo có đủ năng lực theo quy định, cụ thể như sau:
– Đảm bảo có đủ năng lực hành vi dân sự.
– Có đủ các giấy tờ về cư trú hoặc đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam.
– Đảm bảo trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian, kinh nghiệm tham gia công việc phải phù hợp, theo đó:
+ Đối với chứng chỉ hành nghề hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên.
+ Đối với chứng chỉ hành nghề hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên.
+ Đối với chứng chỉ hành nghề hạng III: đảm bảo có trình độ chuyên môn phải phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc so với đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên (áp dụng đối với cá nhân trình độ đại học); từ 03 năm trở lên (áp dụng với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp).
– Đảm bảo đạt yêu cầu sát hạch.
– Đảm bảo chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
– Đảm bảo điều kiện tương ứng với các hạng, bao gồm:
+ Hạng I:
- Trước đó đã làm giám đốc quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
- Hoặc có một trong 3 chứng chỉ hành nghề tương ứng là thiết kế xây dựng hạng I; giám sát thi công xây dựng hạng I; định giá xây dựng hạng I; và tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng II:
- Đã có kinh nghiệm làm giám đốc quản lý dự án của 01 dự án từ nhóm B; hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
- Hoặc có 1 trong 3 loại chứng chỉ hành nghề tương ứng là thiết kế xây dựng hạng II; giám sát thi công xây dựng hạng II; định giá xây dựng hạng II; và tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C hoặc 03 dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng III: đã tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm C trở lên thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, theo quy định trên thì giám đốc của dự án phải đảm bảo đủ điều kiện năng lực để được xét cấp chứng chỉ hành nghề quản lý dự án phù hợp với chuyên môn lĩnh vực hoạt động tương ứng.
3. Những yếu tố cần có để trở thành một giám đốc dự án:
Thứ nhất, phải có đủ điều kiện năng lực.
Thứ hai, đáp ứng đủ trình độ và chuyên môn, bằng cấp theo quy định tại mục 2 bài viết này. Một giám đốc dự án chuyên nghiệp sẽ hiểu biết sâu các trường hợp kinh doanh và quy trình quản lý rủi ro. Giám đốc dự án phải biết giám sát và sử dụng tốt ngân sách để đảm bảo dự án nằm trong tầm kiểm soát và không gặp rủi ro tài chính.
Thứ ba, đảm bảo có kỹ năng tổ chức: Giám đốc là người quản lý đầu phải có kỹ năng tổ chức, quản lý, sắp xếp nhận sự cấp dưới sao cho thích hợp để tối ưu hóa năng suất công việc cũng nhưu chi phí hợp lý; biết giám sát và sử dụng tốt ngân sách để đảm bảo dự án nằm trong tầm kiểm soát và không gặp rủi ro tài chính.
Thứ tư, kỹ năng giải quyết công việc tốt: trong quá trình thực hiện dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, do đó đòi hỏi một giám đốc dự án phải có kỹ năng xử lý, giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, quyết đoán và hiệu quả. Giám đốc dự án phải tập trung để tìm ra được giải pháp đúng đắn nhất từ việc giữ đúng tiến độ hoàn thành, chất lượng dự án, hiệu quả công việc và tìm hướng đi mới linh động nếu gặp vấn đề phát sinh.
Thứ năm, có khả năng giao tiếp tốt:
Ngoài những yếu tố chuyên môn cần có, giám đốc dự án phải có những kỹ năng mềm trong việc giao tiếp với đối tác, khách hàng, nhà đầu tư và nhân viên cấp dưới mình. Kỹ năng giao tiếp tốt thông qua văn bản hay lời nói sẽ giúp trở thành một giám đốc dự án giỏi.
Thứ sáu, phải có kỹ năng quản lý ngân sách đảm bảo chất lượng dự án tốt nhất:
ai trò của giám đốc dự án là quản lý tất cả mọi thứ để dự án hoạt động trơn tru, kịp tiến độ và đáp ứng ngân sách đề ra. Mỗi dự án sẽ có một khoản ngân sách để hoàn thành. Do đó, giám đốc dự án phải đảm bảo ngân sách đó được chi một cách đầy đủ cũng như hiệu quả cao.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
THAM KHẢO THÊM: