Kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Như chúng ta đã biết thì kinh tế tập thể đó là thành phần kinh tế cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân. Vậy ở Việt nam thì kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hiểu như thế nào? Vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra sao?
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ và hết sức phức tạp, gắn bó giữa việc nhận thức quy luật khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; là kết quả một quá trình tìm tòi, thể nghiệm lâu dài, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ, từ chưa sâu sắc đến ngày càng sâu sắc hơn.
Đặc trưng về sở hữu: Trước đổi mới, nền kinh tế nước ta chỉ có một chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất là chế độ công hữu (gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể). Từ khi tiến hành đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận trên thực tế có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, bao gồm cả công hữu và tư hữu.
Đặc trưng về cơ cấu kinh tế: Là nền kinh tế có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế khác là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đặc trưng về phân phối: Thực hiện phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, dựa trên các nguyên tắc của cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từ chỗ coi Nhà nước là chủ thể quyết định phân phối chuyển dần sang xác định thị trường quyết định phân phối lần đầu và Nhà nước thực hiện phân phối lại.
Về cơ chế vận hành của nền kinh tế: Kết hợp giữa cơ chế thị trường với vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X, tháng 3-2008, Đảng ta khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của thị trường, vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là nền kinh tế có tổ chức, có kế hoạch, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phát huy những ưu thế của kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch, vừa loại bỏ những khuyết tật của hai nền kinh tế đó, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước quản lý bằng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; sử dụng cơ chế thị trường để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng và tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển các thành phần kinh tế và các chủ thể kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không phải thị trường điều tiết hoàn toàn mà còn có sự điều chỉnh, quản lý của Nhà nước để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, khắc phục những bất cập, khuyết tật của cơ chế thị trường.
2. Vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Kinh tế tập thể được xác định là thành phần kinh tế cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Bởi lẽ, đây là thành phần kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, giảm sự phân hóa trong xã hội, …là mục tiêu mà Đảng ta hướng tới là xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho “ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong nền kinh tế thị trường và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể nhất thiết phải hợp tác, liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Do vậy, chủ trương phát triển kinh tế tập thể để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ phát triển là hoàn toàn đúng đắn.
Để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc thống nhất nhận thức việc phát triển kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Từ đó, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các hình thức kinh tế tập thể; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.
Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân. Phát triển các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp, các tổ chức hội, hiệp hội cần có kế hoạch, chương trình hành động phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tập hợp vận động, tuyên truyền giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể.