Có thể xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau nhiều chủ thể không thể tự mình đi làm và nhận kết quả hộ chiếu. Họ đặt ra câu hỏi: Liệu rằng có thể ủy quyền cho người khác đi làm và nhận kết quả hộ chiếu thay cho mình có được không?
Mục lục bài viết
1. Ủy quyền đi làm và nhận kết quả hộ chiếu có được không?
Hộ chiếu được xem là giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho công dân để các công dân sử dụng trong quá trình họ xuất nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân của công dân. Nhìn chung thì có thể thấy, trên hộ chiếu phản ánh một số thông tin quan trọng như ảnh chân dung, ngày tháng năm sinh, họ và tên, quốc tịch, giới tính, ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh, ngày cấp hộ chiếu, cơ quan cấp hộ chiếu, ngày hết thời hạn của hộ chiếu, số định danh cá nhân, hoặc số căn cước công dân, hoặc số chứng minh thư nhân dân của các chủ thể quy định về chức vụ và chức danh của hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ. Như vậy thì có thể thấy, hộ chiếu chính là một trong những loại giấy tờ quan trọng và không thể thiếu khi tiến hành hoạt động xuất nhập cảnh. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều người không nhận thức được tầm vai trò quan trọng của các hộ chiếu. Bên cạnh đó cũng có nhiều người xuất phát từ nhiều lý do khác, có thể do khách quan hoặc do chủ quan, mà gặp khó khăn trong việc tự đi làm hộ chiếu và muốn nhờ người khác làm hộ chiếu thay cho mình. Vậy câu hỏi đặt ra: Liệu rằng có được ủy quyền cho người khác đi làm và nhận kết quả hộ chiếu không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, có ghi nhận về các cách thức để làm hộ chiếu tại cơ quan có thẩm quyền, đó là thực hiện thủ tục trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc thực hiện thủ tục trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ công an, cụ thể như sau:
– Đối với trường hợp thực hiện thủ tục tại các Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền, thì hiện nay không có quy định cho phép công dân được phép ủy quyền cho người khác làm hộ chiếu thay cho mình. Vì vậy cho nên người dân phải trực tiếp đi đến các Cơ quan quản lý nhà nước xuất nhập cảnh để thực hiện yêu cầu làm hộ chiếu, khi đó cần phải tiến hành hoạt động điền tờ khai và chụp ảnh, nộp hồ sơ và xuất trình các loại giấy tờ khác có liên quan;
– Còn đối với trường hợp làm hộ chiếu online thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ công an, thì ngồi làm hộ chiếu cần phải đăng nhập bằng tài khoản chính chủ tịch vụ công của mình để thực hiện hoạt động nộp hồ sơ. Với cách thức làm hồ sơ thông qua hình thức online thì người cần làm hộ chiếu có thể nhờ người khác đăng nhập và thực hiện các thao tác giúp cho mình. Ngoài ra thì người làm hộ chiếu còn được đăng ký trả kết quả tại nhà bằng dịch vụ bưu chính để tránh trường hợp đến nhận trực tiếp.
Đồng thời về vấn đề này, có thể căn cứ theo quy định tại Nghị định 75/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, giải thích rõ hơn về những hình thức nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu. Từ đó thấy rằng, pháp luật có quy định về các cách thức nộp hồ sơ đề nghị xin cấp hộ chiếu tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh như sau:
– Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người có nhu cầu;
– Gửi hồ sơ thông qua con đường bưu điện đến Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú, và sau đó đề nghị được nhận kết quả thông qua con đường bưu điện. Việc gửi hồ sơ và nhận kết quả qua con đường bưu điện phải được thực hiện theo thủ tục do chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ công an và Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam quy định;
– Thực hiện hoạt động ủy thác cho các cơ quan và các tổ chức, Ủy thác cho các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nộp trực tiếp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú, hoặc nộp hồ sơ tại Cục quản lý xuất nhập cảnh, bộ công an. Ngoài ra thì việc ủy thác phải được thực hiện theo quy định của chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ công an.
Như vậy có thể thấy, theo phân tích nêu trên thì bạn sẽ không thể nhờ người khác đi nộp trực tiếp hồ sơ xin cấp hộ chiếu. Nếu bạn muốn ủy quyền cho người khác thì chỉ có thể ủy thác cho các cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân ví dụ như văn phòng luật sư … để tiến hành hoạt động nộp hồ sơ trực tiếp xin cấp hộ chiếu tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh.
Tóm lại đối với câu hỏi: Công dân có được ủy quyền cho người khác đi làm và nhận kết quả hộ chiếu hay không? Thì câu trả lời là không. Nếu làm hộ chiếu online thì người cần làm hộ chiếu có thể do người khác thực hiện giúp các thao tác trên chính tài khoản dịch vụ công của mình tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện như:
– Có thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng;
– Có tài khoản dịch vụ công trực tuyến;
– Có khả năng thanh toán lệ phí trực tuyến thông qua hệ thống thanh toán của Chính phủ.
2. Thành phần hồ sơ cần phải mang khi đi làm và nhận kết quả hộ chiếu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 hiện nay, có ghi nhận về hồ sơ làm hộ chiếu mà các chủ thể cần phải mang theo, bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
– Tờ khai đề nghị xin cấp hộ chiếu theo quy định của pháp luật;
– Hai ảnh chân dung với kích cỡ 4cm x 6cm, để đầu trần, mặt nhìn thẳng, không đeo kính, rõ hai tai, rõ mặt, không bị gạch xóa và không bị mờ, phông nền xanh hoặc trắng cùng với trang phục lịch sự;
– Hộ chiếu phổ thông gần nhất được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu đã được cấp hộ chiếu trước đó), nếu bị mất hộ chiếu cũ thì phải có đơn thông báo mất hoặc có thông báo đã tiếp nhận đơn của chủ thể có thẩm quyền;
– Bản chụp chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, nếu như có sự thay đổi thông tin so với hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;
– Bản sao có công chứng các loại giấy tờ chứng minh người đại diện hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, nếu bản sao không có chứng thực thì cần phải xuất trình bản chính để tiến hành kiểm tra và đối chiếu;
– Các trường hợp ra nước ngoài chữa bệnh, có người thân bị tai nạn hoặc bệnh tật hoặc qua đời ở nước ngoài, có người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc tổ chức cơ yếu … trong trường hợp đề nghị xin cấp hộ chiếu lần đầu thì phải bổ sung thêm một số giấy tờ như:
3. Cần phải đến đâu để làm và nhận kết quả hộ chiếu?
Thứ nhất, trong trường hợp xin cấp hộ chiếu lần đầu, thì:
– Các chủ thể cần phải đến Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh nơi họ thường trú hoặc nơi họ tạm trú;
– Nếu có căn cước công dân thì sẽ được làm tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh nơi thuận lợi nhất cho người có nhu cầu;
– Nếu thuộc một trong các trường hợp phải ra nước ngoài chữa bệnh, hoặc có người thân bị tai nạn, qua đời ở nước ngoài, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc các tổ chức cơ yếu … thì có thể làm hộ chiếu tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an.
Thứ hai, đối với trường hợp xin cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi, thì thẩm quyền làm hộ chiếu thuộc về Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh bất kì, hoặc Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ công an.
4. Thủ tục xin cấp hộ chiếu theo quy định của pháp luật:
Bước 1: Điền tờ khai theo quy định của pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Công chức làm thủ tục đối chiếu thông tin, tiến hành hoạt động chụp ảnh, lấy vân tay. Công chức làm thủ tục kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh. Sau đó chụp ảnh chân dung, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu.
Bước 3: Nộp lệ phí, cấp giấy hẹn trả kết quả, nhìn chung thì lệ phí cấp hộ chiếu được quy định tại Thông tư 25/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam (sau được sửa đổi bởi thông tư 74/2022/TT-BTC hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí của Bộ Tài chính) cụ thể như sau:
Nội dung | Mức thu (Đồng/lần cấp) |
Cấp mới hộ chiếu | 200.000 |
Cấp lại do bị hỏng, bị mất | 400.000 |
Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự | 100.000 |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 75/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
– Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;
– Thông tư 25/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam;
– Thông tư 74/2022/TT-BTC hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí của Bộ Tài chính.