Ưu đãi đầu tư trong thực hiện dự án PPP? Quy định về bảo đảm đầu tư trong thực hiện dự án PPP?
Pháp luật đầu tư nói chung hiện nay quy định về những ưu đãi và các biện pháp bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư, và đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP cũng vậy. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư trong thực hiện dự án PPP. Các ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Luật sư
1. Ưu đãi đầu tư trong thực hiện dự án PPP
Trước khi bỏ vốn để đầu tư một dự án thì nhà đầu tư sẽ phải tìm hiểu về lĩnh vực nào được nhà nước ưu đãi?, địa bàn nào được ưu đãi?…. Ưu đãi là hình thức đối xử ưu tiên đặc biệt nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi giữa một bên ưu đãi dành cho bên được ưu đãi để thực hiện một công việc mang lại lợi ích cho bên được ưu đãi hoặc cả hai bên.
Ưu đãi đầu tư là một trong những biện pháp mà Nhà nước áp dụng nhằm khuyến khích đầu tư để thu hút vốn đầu tư. Và ưu đãi đầu tư trong thực hiện dự án PPP cũng vậy. Các nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào những địa bàn, lĩnh vực nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư mà Nhà nước ban hành sẽ được hưởng ưu đãi, thuận lợi hơn so với các nhà đầu tư khác theo quy định.
Tại Điều 79 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020 quy định về ưu đãi đầu tư như sau:
“Điều 79. Ưu đãi đầu tư
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP sẽ được hưởng những ưu đãi trong từng lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ưu đãi đầu tư thực chất phản ánh mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư. Trong mối quan hệ đầu tư trong lĩnh vực PPP, Nhà nước là chủ thể quyết định các biện pháp ưu đãi, nhà đầu tư là chủ thể nhận ưu đãi, khách thể của quan hệ này chính là các ưu đãi cụ thể như khoản lợi về thuế, tiền thuê đất,… Mục đích của việc cấp ưu đãi là Nhà nước mong muốn chủ thể được nhận ưu đãi- các nhà đầu tư- thực hiện đầu tư các dự án PPP.
Những ưu đãi đầu tư theo dự án PPP này sẽ căn cứ vào những yếu tố khác nhau tự lĩnh vực ưu đãi, địa bàn ưu đãi. Đối với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thì các nhà đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường trong một thời gian hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng,…
Những ưu đãi liên quan đến chính sách sử dụng đất, mặt nước, mặc biển,… là vấn đề mà cá nhà đầu tư dự án PPP đặc biệt quan tâm. Nhất là những ưu đãi tài chính về giao đất, thuê đất, mặt nước, mặc biển là những quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư. Đối vừng địa bàn đầu tư, lĩnh vực, dự án mà các nhà đầu tư có thể được giao đất, cho thuê đất miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất trong một khoảng thời gian hoặc giảm tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.
Ngoài ra còn có ưu đãi đầu tư khác như ưu đãi về khấu hao tài sản, ưu đãi về chuyển lỗ trong kinh doanh,….
2. Quy định về bảo đảm đầu tư trong thực hiện dự án PPP
Khi tiến hành đầu tư, các nhà đầu tư thường quan tâm tới các biện pháp để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh, các nhà đầu tư có thể chủ động hạn chế những rủi ro bằng cách tự chủ động thực hiện những biện pháp bảo đảm riêng cho mình. Tuy nhiên, những biện pháp bảo đảm trên chỉ mang tính cá thể, tức là các nhà đầu tư, chỉ giảm được rủi ro đối với những dự án đầu tư, không phân biệt quy mô vốn, nguồn gốc cũng như lĩnh vực và địa bàn đầu tư.
Bảo đảm đầu tư là các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các biện pháp bảo đảm đầu tư cũng là các công cụ của Nhà nước giúp các nhà đầu tư có cảm giác yên tâm hơn khi thực hiện đầu tư vào các dự án. Đây là một vấn đề quan trọng mà các chủ đầu tư theo dự án PPP yêu cầu Chính phủ thực hiện và được coi là một kênh hữu hiệu để chia sẻ rủi ro của Chính phủ đối với các dự án PPP nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Các biện pháp đầu tư bao gồm bảo lãnh nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; bảo đảm quyền mua ngoại tệ; bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng; bảo đảm về vốn và tài sản cho nhà đầu tư.
Hiện nay, bảo đảm đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư PPP được quy định tại Điều 80 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020. Theo quy định này thì “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư.” (Khoản 1) Tức các nhà đầu tư được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư nói chung. Đó bao gồm các biện pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản cho nhà đầu tư, bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh, ….
Ngoài ra, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn quy định các quy định riêng biệt về bảo đảm đầu tư trong các dự án PPP. Theo đó tại Khoản 2 Điều 80 Luật PPP năm 2020 quy định như sau:
“2. Bảo đảm về quyền tiếp cận đất, quyền, sử dụng đất và tài sản công khác được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp dự án PPP được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép sử dụng tài sản công khác để thực hiện hợp đồng dự án PPP theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Mục đích sử dụng đất của dự án được bảo đảm không thay đổi trong toàn bộ thời hạn thực hiện hợp đồng, kể cả trường hợp bên cho vay thực hiện quyền theo quy định tại Điều 53 của Luật này.”
Các dự án PPP hiện nay hầu hết là các dự án đầu tư liên quan trực tiếp việc sử dụng đất, đất đai chính là cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư. Do đó, theo quy định của pháp luật về đất đai, thì các dự án đầu tư PPP sẽ được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Bên cạnh đó, đối với các dự án sử dụng tài sản công khác thì các doanh nghiệp dự án PPP sẽ được nhà nước tạo điều kiện cho phép sử dụng những tài sản công đó. Ngoài ra, Nhà nước còn bảo đảm mục đích sử dụng đất của dự án trong toàn thời gian thực hiện hợp đồng. Đây là một biện pháp bảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, những dự án PPP thường là dự án có thời gian thực hiện lâu, thời gian thu hồi vốn dài, nếu đang trong thời gian thực hiện dự án mà đất thực hiện dự án bị thay đổi mục đích sử dụng sẽ gây ra tổn thất trực tiếp đối với doanh nghiệp dự án PPP, đồng thời khiến cho dự án PPP không thể hoàn thành, nên cần thiết đặt ra vấn đề không được thay đổi mục đích sử dụng đất.
Tại Khoản 3 của Điều 80 còn quy định về việc bảo đảm cung cấp dịch vụ công được quy định như sau:
“a) Doanh nghiệp dự án PPP được sử dụng công trình công cộng và công trình phụ trợ khác để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp có sự khan hiếm về dịch vụ công hoặc có sự hạn chế về đối tượng được sử dụng công trình công cộng, doanh nghiệp dự án PPP được ưu tiên cung cấp dịch vụ công hoặc được ưu tiên cấp quyền sử dụng công trình công cộng để thực hiện dự án;
c) Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp dự án PPP thực hiện thủ tục cần thiết để được ưu tiên sử dụng dịch vụ công và công trình công cộng.”
Bảo đảm này giúp cho các doanh nghiệp dự án được đảm bảo thực hiện hợp đồng PPP trong điều kiện tốt nhất có thể. Khi có nhu cầu sử dụng các công trình công cộng thì các doanh nghiệp dự án được sử dụng và ưu tiên sử dụng hơn so với các đối tượng khác cũng có nhu cầu sử dụng công trình công cộng đó. Việc ưu tiên sử dụng này giúp cho việc thực hiện các dự án PPP của doanh nghiệp dự án được thực hiện liền mạch, không có sự gián đoạn do ảnh hưởng của việc không được sử dụng các công trình công cộng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dự án PPP còn được bảo đảm quyền thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đó, các doanh nghiệp dự án được thực hiện quyền thế chấp cho bên vay, tuy nhiên cần thời gian thế chấp phải ngắn hơn thời hạn hợp đồng PPP, việc thế chấp không được ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Pháp luật quy định về quyền này bởi các dự án PPP cần một nguồn vốn rất lớn, các doanh nghiệp cần phải huy động, và tận dụng các tài sản hiện có để thế chấp là một cách thức hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp có thể huy động vốn mà vẫn thực hiện được dự án.
Và các doanh nghiệp dự án PPP còn được bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn về con người, tài sản của doanh nghiệp dự án PPP, nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án PPP tại địa phương nơi thực hiện dự án. Quy định này hoàn toàn hợp lý, tài sản và con người là không thể thiếu khi thực hiện dự án PPP, nếu không có các yếu này thì dự án không thể thực hiện được nên tài sản và con người phải được bảo vệ bởi chính quyền lực nhà nước.
Do phạm vi của bài viết, trên đây chúng tôi đã cung cấp những thông tin sơ lược về ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư khi thực hiện dự án PPP. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, quý bạn đọc có thể liên hệ với Luật Dương Gia để được tư vấn chi tiết!