Quy định về tuyển dụng viên chức theo Luật Viên chức 2010? Trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức?
Tuyển dụng viên chức là khâu đầu tiên trong quá trình thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức.. và cũng là một điều kiện để phát triển văn hoá của đơn vị sự nghiệp ngày càng lành mạnh. Một trong những điều kiện để thành lập đơn vị sự nghiệp công lập là phải có nguồn nhân lực. Do đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập mới thành lập, tuyển dụng viên chức là yếu tố quan trọng hình thành một đơn vị. Vậy theo
Tổng đài Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
+ Luật viên chức 2010.
1. Quy định về tuyển dụng viên chức theo Luật Viên chức 2010.
– Nội dung điều chỉnh pháp luật về tuyển dụng viên chức: pháp luật về tuyển dụng viên chức quy định các nội dung chủ yếu sau:
+ Một là căn cứ tuyển dụng viên chức:
Căn cứ tuyển dụng là cơ sở để đơn vị sự nghiệp công lập biết được mình cần tuyển dụng vị trí nào, cần bao nhiêu người và cần tuyển chức danh gì. Do đó xác định căn cứ tuyển dụng nhằm mục đích tuyển đúng người, đúng việc, đủ số lượng cần tuyển, tránh tình trạng dôi dư, thiếu hụt nhân lực cho đơn vị. Vì vậy, căn cứ tuyển dụng viên chức được coi là nội dung đầu tiên cần quy định trong pháp luật về tuyển dụng viên chức. Nội dung căn cứ tuyển dụng viên chức chủ yếu dựa vào vị trí việc làm và nhu cầu công việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
– Hai là nguyên tắc tuyển dụng viên chức: Theo đó, tuyển dụng viên chức phải dựa trên những nguyên tắc sau: (1) Nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật, (2) Nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh, (3) Nguyên tắc tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, (4) Nguyên tắc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Tuyển dụng viên chức là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh dự tuyển, là việc tuyển chọn người xứng đáng nhất cho công việc, vị trí cần tuyển. Do đó việc đặt ra các nguyên tắc tuyển dụng được coi là tư tưởng chủ, đạo, xuyên suốt trong quá trình tuyển dụng viên chức nhằm mục đích đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ ở tất cả các đơn vị tuyển dụng viên chức.
– Ba là điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức: Do đặc thù tính chất công việc của viên chức là người làm việc cho Nhà nước, thực hiện các hoạt động sự nghiệp công mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ do đó đòi hòi những người này cần phải có những điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ. Do đó, để đảm bảo được việc tuyển dụng đúng người, đúng vị trí việc làm theo nhu cầu của các đơn vị sự nghiệp công lập thì pháp luật tuyển dụng viên chức cần thiết đặt ra những quy định về điều kiện trong việc đăng ký dự tuyển, đó là các điều kiện về: sức khỏe, độ tuổi, văn bằng, chứng chỉ,…
Theo đó, tại Điều 22 Luật viên chức 2010 quy định về điều kiện tuyển dụng viên chức như sau:(1) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam, (2) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật, (3) Có đơn đăng ký dự tuyển, (4) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm, (5) Có lý lịch rõ ràng, (6) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ, (7) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật, yêu cầu này không được trái với quy định của pháp luật và phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt trước khi thực hiện, (8) Không thuộc các trường hợp không được đăng ký dự tuyển viên chức theo khoản 2 Điều 22 Luật Viên chức 2010.
– Bốn là thẩm quyền tuyển dụng viên chức: Có thể thấy, các đơn vị sự nghiệp công lập mặc dù là nơi trực tiếp sử dụng viên chức nhưng trong thực tế, nhiều đơn vị chưa được giao quyền tự chủ trong tuyển dụng viên chức, công việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý. Khi cơ quan quản lý tuyển dụng xong sẽ phân viên chức về nhận nhiệm vụ tại các đơn vị có nhu cầu theo Đề án vị trí việc làm. Do đó, việc quy định thẩm quyền tuyển dụng (ai là chủ thể tuyển dụng viên chức) là cần thiết, giúp các đơn vị sự nghiệp công lập xác định được quyền hạn của mình trong tuyển dụng nhân lực cho đơn vị.
– Năm là thủ tục và phương thức tuyển dụng viên chức: Để đảm bảo việc tuyển dụng viên chức diễn ra một cách công khai, minh bạch, khách quan nhằm lựa chọn người có năng lực thì việc tuyển dụng viên chức cần phải trải qua trình tự, thủ tụ chặt chẽ. Thông qua đó chủ thể có thẩm quyền tuyển dụng cũng cần phải có những cách thức, biết được minh cần phải làm những việc gì trong quá trình nhằm đạt được mục đích tuyển dụng.
+ Việc quy định về phương thức tuyển dụng viên chức: Tuyển dụng (thi tuyển hay xét tuyển) là nội dung quan trọng giúp các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn được phương thức phù hợp với công việc, vị trí, ứng viên đang cần tuyển.
+ Theo đó, hình thức thi tuyển viên chức là việc người đăng ký dự tuyển viên chức phải trải qua một kỳ thi để kiểm tra năng lực, phẩm chất của người đăng ký dự tuyển viên chức. Nội dung thi gồm thi kiến thức chung, thi chuyên môn và thi nghiệp vụ chuyên ngành. Đối với việc thi tin học văn phòng và ngoại ngữ được thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí làm việc.
+ Đối với hình thức xét tuyển viên chức là việc xem xét, đánh giá để xác định người được trúng tuyển vào vị trí viên chức cần tuyển dụng. Nội dung xét tuyển gồm xét tuyển kết quả học tập; kiểm tra, sát hạch thông qua phòng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.
– Sáu là chế độ tập sự: Tập sự là thử việc, là quá trình để người mới tuyển dụng học những chuẩn mực giá trị văn hoá của tổ chức; làm quen với môi trường, công việc theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời cũng là quá trình để người mới tuyển vào hiểu được cách thức hoạt động cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức. Tuy nhiên đây cũng được coi là thời gian thử thách đối với người mới tuyển dụng, để các đơn vị sự nghiệp công lập xem xét người được tuyển dụng có đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm hay không. Chỉ khi trải qua hết giai đoạn tập sự thì việc tuyển dụng mới thực sự chấm dứt. Vì vậy mà tập sự là nội dung không thể thiếu trong quá trình điều chỉnh pháp luật về tuyển dụng viên chức.
2. Trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức.
Trình tự, thủ tục viên chức được tiến hành theo những bước sau đây:
+ Bước 1: Thông báo tuyển dụng: theo đó, việc thông báo được cơ quan có thẩm quyền thực hiện thông báo công khai.
+ Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ dự tuyển: Sau đó, tiến hành nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển trong thời hạn ít nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày thông báo. Sau khi nhận hồ sơ, thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền lập danh sách người đủ điều kiện dự tuyển và niêm yết công khai.
+ Bước 3: Tiến hành tổ chức tuyển dụng: cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện thi tuyển ( hoặc xét tuyển ). Sau khi được thành lập, Hội đồng tuyển dụng viên chức thành lập và phân công cụ thể cho bộ phận giúp việc thực hiện các nhiệm vụ; Sau khi kết thúc tổ chức việc thi tuyển ( hoặc xét tuyển ) thì tiến hành chấm thi (hoặc tổ chức tổng hợp kết quả xét tuyển) và báo cáo cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức
+ Bước 4: Thông báo kết quả tuyển dụng.
Trong thời gian 10 ngày từ nhận được báo cáo kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển thì phải niêm yết công khai kết quả tại trụ sở làm việc và trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức (nếu có).
Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết công khai kết quả thi tuyển, người dự tuyển có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức giao Hội đồng tuyển dụng tổ chức chấm phúc khảo trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo theo quy định tại Khoản này.
Sau khi thực hiện các thông báo trên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phê duyệt kết quả tuyển dụng và gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển theo địa chỉ mà người dự tuyển đã đăng ký, nội dung thông báo phải ghi rõ thời gian và địa điểm người trúng tuyển đến ký hợp đồng làm việc.