Tư vấn khi chồng không đưa tiền nuôi con. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ.
Tư vấn khi chồng không đưa tiền nuôi con. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi xin hỏi: vợ chồng tôi có với nhau 2 đứa con nhưng chồng tôi là người vô chách nhiệm, là cán bộ nhà nước nhưng hàng tháng không chu cấp tiền phụ giúp nuôi con, một mình tôi phải nuôi con với đồng lương ít ỏi. Tôi góp ý nhiều nhưng anh ta vẫn vậy. Vậy xin hỏi pháp luật có bảo vệ những người mẹ như tôi không? Tôi không muốn li hôn vì không muốn con cái khổ! Vậy tôi phải làm thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với con.
Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con như sau:
– Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
– Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Đối với hành vi của chồng bạn, chồng bạn sẽ bị xử phạt từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm b) Khoản 1 Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân qua tổng đài: 1900.6568
"1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ."
Như vậy, cha, mẹ cùng phải có nghĩa vụ ngang nhau trong việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con. Đây là nghĩa vụ của cha mẹ, đối với con, nghĩa vụ này không chỉ được thể hiện ở trong đạo đức xã hội mà còn được pháp luật cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật. Nghĩa vụ này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: cùng đóng góp, hỗ trợ để nuôi con, cùng chăm sóc, dạy dỗ cho con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên,…
Vì vậy, trường hợp của bạn và chồng bạn, hai người có quan hệ hôn nhân, có con chung, nhưng chồng bạn không cùng với bạn nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục con, không đóng góp vào việc nuôi dưỡng con là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể làm đơn tố cáo tới Cơ quan công an xã hoặc Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu giải quyết.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền không thể can thiệp quá sâu vào cuộc sống của gia đình bạn, việc làm thế nào để chồng bạn thay tính đổi nết, cùng chăm sóc gia đình thì bạn nên nói chuyện với những người thân bên gia đình chồng, cùng tìm ra hướng giải quyết.