Hiện nay có rất nhiều trường hợp, trong hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân, vì nhiều lý do khác nhau mà người mẹ muốn tách khẩu cho con nhưng chồng không đồng ý. Vậy câu hỏi đặt ra là: Có thể tự tách khẩu cho con mà không cần sự đồng ý của chồng không?
Mục lục bài viết
1. Tự tách khẩu cho con mà không cần sự đồng ý của chồng?
1.1. Khái niệm về tách khẩu cho con:
Tách hộ khẩu (hay còn gọi là tách hộ) là khái niệm để chỉ việc một người đang đăng ký thường trú và có tên trong hộ khẩu tiến hành các thủ tục xóa tên trong hộ khẩu đó và đăng ký hộ khẩu mới tại cùng một chỗ ở hợp pháp. Như vậy thì có thể thấy, kết quả của hoạt động tách hộ chính là việc cho ra đời một hộ khẩu mới dựa trên những thông tin của người tách khẩu. Theo pháp luật về cư trú hiện nay cụ thể là tại Điều 25 của văn bản hợp nhất Luật Cư trú năm 2020 hiện hành thì một chủ thể khi yêu cầu tách hộ khẩu cần phải đắp ứng được các điều kiện sau đây:
– Chủ thể yêu cầu tách hộ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự, trong trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký để tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì một trong số các thành viên yêu cầu các hộ đó phải có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
– Ngoài ra thì đối với yêu cầu tách hộ phải được chủ hộ hoặc chủ sở hữu hợp pháp chỗ ở đồng ý bằng văn bản, trừ những trường hợp thành viên trong hộ gia đình đăng ký tách khẩu chính là vợ chồng đã ly hôn mà vẫn đang sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Như vậy có thể thấy, tách hộ cho con là quá trình cha hoặc mẹ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xóa tên của con khỏi hộ khẩu đang đăng ký thường trú và tiến hành đăng ký hộ mới cho con tại một chỗ ở hợp pháp khác. Điều này dựa trên nhu cầu và mong muốn của cha mẹ đối với con cái.
1.2. Tự tách khẩu cho con mà không cần sự đồng ý của chồng?
Có thể nói theo quy định của pháp luật hiện nay, thì chưa hề có quy định nào về việc vợ chồng phải có chung hộ khẩu hoặc chưa ly hôn thì sẽ không được tách hộ cho con. Như vậy quá trình tách khẩu cho con hoàn toàn có thể diễn ra trong giai đoạn hôn nhân hoặc sau ly hôn. Vợ chồng dù chưa ly hôn thì vẫn có thể tách được hộ cho con phù hợp với mong muốn và nhu cầu của bản thân cũng như phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, khi đó thì vợ chồng phải đáp ứng được điều kiện đó là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách con có hộ hiện tại. Tuy nhiên đối với trường hợp chủ hộ là người chồng thì cũng cần phải có sự đồng ý của chủ hộ trong thời kỳ hôn nhân thì mới có thể tách được hộ cho con. Đồng thời mặc dù chồng giữ cương vị là chủ hộ nhưng cũng phải có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong khẩu thực hiện mong muốn và nhu cầu của mình phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu như cố tình gây khó khăn thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Cụ thể là, căn cứ theo nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi cản trở này của chủ hộ sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Như vậy nếu như người vợ đã cố gắng thuyết phục chồng để chồng đồng ý cho việc tách hộ của con nhưng chồng vẫn không đồng ý và hợp tác, thì khi đó người vợ sẽ làm đơn gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là công an xã phường đề nghị mời chồng lên làm việc. Hơn nữa theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình cụ thể là tại Điều 71 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành có quy định về nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng của cha mẹ như sau: cha mẹ có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi chính bản thân mình. Vì thế theo đó thì có thể thấy cha mẹ có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con. Do đó ngay cả khi chưa giải quyết ly hôn và cũng chưa có sự thỏa thuận về vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con thì cả hai vợ chồng đều có quyền lợi ngang nhau đối với việc chăm sóc con cái. Trong quá trình muốn chuyển khẩu cho con thì về bản chất cần phải ngồi lại thỏa thuận với nhau, và cần được sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên cả hai vợ chồng cần phải hướng đến sự có lợi cho con và nếu như chủ hộ là người chồng cản trở thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, cũng căn cứ theo Điều 25 của văn bản hợp nhất Luật Cư trú năm 2020, thì trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn, thì khi tách hộ cho con sẽ không bắt buộc phải có ý kiến của chủ hộ (trong trường hợp chủ hộ là người chồng).
2. Thủ tục và trình tự tách hộ cho con:
Nhìn chung thì thủ tục tách hộ khẩu cho con sẽ được tiến hành qua các bước cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA của Bộ Công an về biểu mẫu trong đăng ký và quản lý cư trú;
– Các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh về quan hệ kết hôn hoặc ly hôn;
– Các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh và thể hiện về quyền nuôi con của vợ hoặc chồng.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là công an cấp xã phường.
Bước 3: Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ. Trong trường hợp xét thấy hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ tiếp nhận hồ sơ và đưa giấy hẹn trả kết quả cho người tiến hành đăng ký tách khẩu. Còn nếu như xét thấy hồ sơ chưa đủ điều kiện thì sẽ phải hướng dẫn các chủ thể đó tiến hành bổ sung và hoàn thiện hồ sơ sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Còn nếu như xét thấy hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ phải từ chối và trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do chính đáng.
Bước 4: Các chủ thể có yêu cầu sẽ phải căn cứ theo ngày hẹn trên phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký tách khẩu cho con. Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.
3. Các cách thức thực hiện tách hộ cho con:
Hiện nay có nhiều cách thức để thực hiện thủ tục tách khẩu, các chủ thể khi có nhu cầu tách khẩu cho con có thể lựa chọn một trong các cách thức sau đây:
– Thứ nhất là có thể nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là công an xã phường để thực hiện thủ tục tách khẩu theo quy định của pháp luật;
– Thứ hai là có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công của nhà nước như cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của Bộ Công an hoặc cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Như vậy thì nếu như gặp nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau mà các chủ thể không có cơ hội để đến trực tiếp công an nộp hồ sơ thì có thể nộp hồ sơ online qua các cổng dịch vụ trực tuyến như trên.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ sẽ tuân theo quy định của pháp luật, đó là giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần, tuy nhiên các ngày này thì sẽ không bao gồm các ngày nghỉ lễ tết theo quy định của pháp luật. Thời hạn giải quyết cũng cần phải tuân thủ theo quy định, đó là trong thời hạn năm ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thì khi đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hoạt động thẩm định và cập nhật thông tin về gia đình liên quan đến việc các hộ trên các Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký tắt hộ về việc cập nhật thông tin này, riêng đối với trường hợp từ chối giải quyết tắt hộ thì sẽ phải trả lời cho các chủ thể yêu cầu bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do chính đáng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú năm 2020;
– Thông tư 56/2021/TT-BCA biểu mẫu trong đăng ký và quản lý cư trú.