Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn, hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Vậy tù chung thân có áp dụng với người chưa thành niên không?
Mục lục bài viết
1. Tù chung thân có áp dụng với người chưa thành niên không?
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước ta được quy định trong Bộ luật Hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với những người hoặc những pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế về quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó. Hình phạt không chỉ để nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn để giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và những quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục những người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Các hình phạt đối với người phạm tội bao gồm có:
– Hình phạt chính bao gồm:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền;
+ Cải tạo không giam giữ;
+ Trục xuất;
+ Tù có thời hạn;
+ Tù chung thân;
+ Tử hình.
– Hình phạt bổ sung bao gồm:
+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
+ Cấm cư trú;
+ Quản chế;
+ Tước một số quyền công dân;
+ Tịch thu tài sản;
+ Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
+ Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Theo đó, tù chung thân là một trong những hình phạt đối với người phạm tội. Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn, hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức mà bị xử phạt tử hình. Điều này cũng quy định rõ độ tuổi áp dụng đối với hình phạt này đó là “Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”, thêm nữa, khoản 5 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định một trong các nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tức người phạm tội mà dưới 18 tuổi thì sẽ không được áp dụng hình phạt tù chung thân đối với đối tượng này.
Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Như vậy, qua các quy định trên, có thể khẳng định được rằng tù chung thân sẽ không được áp dụng đối với người chưa thành niên.
2. Những hình phạt khác không được áp dụng với người chưa thành niên:
Như đã phân tích ở mục trên, tù chung thân sẽ không được áp dụng đối với người chưa thành niên, Điều 98 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Điều này quy định người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Cải tạo không giam giữ;
– Tù có thời hạn.
Như vậy, ngoài hình phạt là tù chung thân không được áp dụng đối với người chưa thành niên, những hình phạt sau cũng sẽ không được áp dụng đối với người chưa thành niên:
– Trục xuất;
– Tử hình;
– Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Cấm cư trú;
– Quản chế;
– Tước một số quyền công dân;
– Tịch thu tài sản;
– Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
– Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Những hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được cụ thể như sau:
2.1. Đối với hình phạt cảnh cáo:
Hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội (kể cả người phạm tội chưa thành niên) ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
2.2. Đối với hình phạt phạt tiền:
– Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (người chưa thành niên), nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
– Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội (người chưa thành niên) không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
2.3. Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ:
Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người chưa thành niên mà từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người này phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người chưa thành niên mà từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
2.4. Đối với hình phạt tù có thời hạn:
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
– Đối với người chưa thành niên mà từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu như điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất sẽ được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu như là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
– Đối với người chưa thành niên mà từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu như điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất sẽ được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu như là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
3. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) phạm tội:
Căn cứ Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Điều này quy định khi xử lý người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) phạm tội phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội (người chưa thành niên) phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích để giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành một công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên) phải căn cứ vào độ tuổi, vào khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
– Người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên) thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện thực hiện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu như không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục mà pháp luật quy định:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ các tội phạm được quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự;
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ tội phạm được quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự;
+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
– Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên) chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào các đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và những yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
– Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên) nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong những biện pháp giám sát, giáo dục hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
– Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
– Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên) khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng để răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên) được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với một thời hạn thích hợp ngắn nhất.
– Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (chưa thành niên phạm tội).
– Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015;
– Bộ luật Hình sự 2017.