Quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp nào người đủ 15 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự? Trường hợp người đủ 15 tuổi bị tâm thần thì có phải chịu trách nhiệm hình sự về những loại tội phạm nêu trên không?
Trách nhiệm hình sự được xem là trách nhiệm pháp lý cao nhất được đặt ra đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự lại đặt ra từng mức xử phạt khác nhau đối với những độ tuổi khác nhau. Có những độ tuổi bắt buộc phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm nhưng có những độ tuổi lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Vậy độ tuổi nào phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm pháp luật hình sự?Trường hợp người đủ 15 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Trường hợp nào thì người đủ 15 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tổng đài Luật sư
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
– Trách nhiệm hình sự được biết đến là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước đối với việc mà người đó đã thực hiện tội phạm. Trách nhiệm hình sự là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự như hình phạt hay một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác theo quy định của Bộ luật Hình sự và được thể hiện tại bản án kết luận tội của Toà án có hiệu lực pháp luật.
– Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là độ tuổi được đặt ra đối với người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội phạm của mình theo quy định tại Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự hiện hành có quy định về các độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau tuỳ vào từng loại tội phạm.
Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự:
Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi trở lên. Cụ thể:
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm trừ một số trường hợp tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định;
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, người đủ 15 tuổi thuộc nhóm tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi là độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng theo quy định nêu trên, người đủ 15 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, cần hiểu tội rõ về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì? Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội phạm rất nghiêm trọng là loại tội phạm mà người phạm tội có hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ rất nguy hiểm cho xã hội. Loại tội phạm này được quy định mức khung hình phạt là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. Còn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là loại tội phạm mà người phạm tội có hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ đặc biệt gây nguy hiểm cho xã hội. Loại tội phạm này được quy định mức khung hình phạt cao nhất trong khung hình phạt được quy định tại bộ luật hình sự là 20 năm hoặc tù chung thân hoặc là tử hình.
– Người dưới 14 tuổi phạm tội thuộc các tội quy định trong bộ luật hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Pháp luật đặt ra quy định này bởi khi xét về mặt khoa học, 14 tuổi là độ tuổi vẫn chưa có thể phát triển đầy đủ về nhận thức và trí tuệ. Do đó khi có hành vi vi phạm pháp luật về mặt hình sự, người dưới 14 tuổi chưa nhận thức được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội. Hơn nữa, đây là độ tuổi đang phát triển, khá nhạy cảm, bốc đồng và thích thể hiện cái tôi mạnh mẽ nên dễ gây ra những hành vi tội phạm. Tuy nhiên, pháp luật không phải là không đề ra giải pháp khi người dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật hình sự. Khi người ở độ tuổi này vi phạm về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ được khắc phục bằng cách giáo dục, phổ biến nhất là biện pháp đưa vào trại giáo dưỡng.
2. Trường hợp nào người đủ 15 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người đủ 15 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể là phạm tội thuộc các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, phạm các tội thuộc nhóm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của con người:
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự ;
– Tội giết người theo Điều 132 Bộ luật hình sự;
– Tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật hình sự;
– Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật hình sự;
– Tội cưỡng dâm theo Điều 143 Bộ luật hình sự;
– Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 144 Bộ luật hình sự;
– Tội mua bán người theo Điều 150 Bộ luật hình sự;
– Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 Bộ luật hình sự;
Thứ hai, phạm các tội thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu:
– Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự;
– Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật hình sự;
– Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự;
– Tội cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật hình sự;
– Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự;
– Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự.
Thứ ba, phạm các tội thuộc nhóm tội phạm về ma tuý:
– Tội sản xuất trái phép chất ma tuý theo Điều 248 Bộ luật hình sự;
– Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý theo Điều 249 Bộ luật hình sự;
– Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý theo Điều 250 Bộ luật hình sự;
– Tội mua bán trái phép chất ma tuý theo Điều 251 Bộ luật hình sự;
– Tội chiếm đoạt chất ma tuý theo Điều 252 Bộ luật hình sự.
Thứ tư, phạm các tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự an toàn công cộng, trật tự công cộng:
– Tội tổ chức đua xe trái phép theo Điều 265 Bộ luật hình sự;
– Tội đua xe trái phép theo Điều 266 Bộ luật hình sự;
Thứ năm, phạm các tội thuộc nhóm các tội xâm phạm về công nghệ thông tin:
– Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo Điều 286 Bộ luật hình sự;
– Tội cản trở hoặc gây rối hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo Điều 287 Bộ luật hình sự;
– Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 Bộ luật hình sự;
– Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật hình sự;
Thứ sáu, phạm các tội thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn và trật tự xã hội:
– Tội khủng bố theo Điều 299 Bộ luật hình sự;
– Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Điều 303 Bộ luật hình sự;
– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 Bộ luật hình sự.
3. Trường hợp người đủ 15 tuổi bị tâm thần thì có phải chịu trách nhiệm hình sự về những loại tội phạm nêu trên không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định trên có thể thấy rõ là khi một người mắc bệnh tâm thì thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nguy hiểm mà mình đã gây ra và người đủ 15 tuổi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo đó, khi người đủ 15 tuổi mắc bệnh tâm thần hoặc mắc một bệnh nào đó làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải đi giám định tâm thần và có kết luận của hội đồng giám định tâm thần. Nếu kết quả giám định cho thấy người đủ 15 tuổi mắc bệnh tâm thần hoặc bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ có giấy xác nhận chính xác tình trạng.
Vì vậy, khi người đủ 15 tuổi có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự mà có kết quả của hội đồng giám định tâm thần xác nhận mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm mình gây ra.