Hiếp dâm là một trong những hành vi phạm tội nằm trong sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, đối tượng thực hiện hành vi này đang xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, cần phải được xử lý nghiêm minh. Vậy có trường hợp nào nạn nhân đồng ý mà vẫn phạm tội hiếp dâm không?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp nạn nhân đồng ý mà vẫn phạm tội hiếp dâm?
Hiếp dâm là một trong những tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nằm trong sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có ghi nhận những nội dung về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:
– Cá nhân có bất kỳ một trong các hành vi được nêu dưới đây sẽ bị áp dụng khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Nêu nhận thấy, cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc có các thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
+ Thực hiện các hành động giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi cũng nằm trong trường hợp được xem là hiếp dâm.
– Bên cạnh đó, với một số trường hợp được trình bày dưới đây mà có vi phạm thì cá nhân sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Hành vi gây ra được đánh giá là có tính chất loạn luân;
+ Gây nên hậu quả là làm nạn nhân có thai;
+ Dẫn đến tình trạng gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà theo giám định của cơ quan có thẩm quyền thì tỷ lệ tổn thương cơ thể đạt tới mức từ 31% đến 60%;
+ Nếu có hành vi hiếp dâm đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
+ Đã từng thực hiện hành vi vi phạm nhưng chưa bị phát hiện, tính đến thời điểm bị bắt là phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thực hiện hành vi này với 02 người trở lên;
+ Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi để xác định là có tái phạm nguy hiểm.
– Còn nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Việc thực hiện hành vi phạm tội được tổ chức chặt chẽ;
+ Có dấu hiệu rõ ràng là nhiều người hiếp một người;
+ Xâm hại đến người dưới 10 tuổi;
+ Để lại hậu quả về sức khỏe tinh thần cho nạn nhân như gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Mặc dù đã biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn cố tình phạm tội;
– Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Với quy định trên thì hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi dù được họ đồng ý vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, tùy thuộc vào các trường hợp phạm tội khác nhau thì cá nhân phạm tội sẽ bị truy cứu với khung hình phạt khác nhau như đã phân tích bên trên. Mức cao nhất đối với tội hiếp dâm đó là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
2. Người nước ngoài phạm tội hiếp dâm ở Việt Nam thì có hướng xử lý khác với công dân Việt Nam vi phạm không?
Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
– Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đặc biệt đối với những hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cũng nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật Hình sự;
– Liên quan đến trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì sẽ không thể áp dụng pháp luật Việt Nam mà thay vào đó là giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao;
Với quy định trên thì người nước ngoài có đầy đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, theo điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế.
3. Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi có được hưởng án treo?
Án treo được biết đến biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, cá nhân mong muốn hưởng án treo phải đầy đủ điều kiện được pháp luật quy định bao gồm:
– Phải đảm bảo rằng hành vi phạm tội của cá nhân không bị xử phạt tù không quá 03 năm.;
– Cá nhân bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc;
– Đồng thời cũng phải có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó:
+ Khi xem xét yêu cầu được hưởng án treo thì phải có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự;
+ Và, cũng không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Lưu ý: trường hợp cá nhân có tồn tại tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
– Nơi cư trú cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, theo đó cần có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục;
– Hành vi phạm tội được xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu:
+ Người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội;
+ Không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải cân nhắc, xem xét đầy đủ các điều kiện mà cá nhân đang có để cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP;
Như vậy, cá nhân để có thể hưởng án treo thì cần đảm bảo các điều kiện mà pháp luật đã ghi nhận, quan trọng nhất là có mức phạt tù không quá 03 năm và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác thì mới được xem xét có đủ điều kiện để hưởng án treo hay không. Đối chiếu với hình phạt của tội hiếp dâm ( mặc dù nạn nhân đồng ý) thì sẽ không được hưởng án treo vì hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là 07 năm tù giam.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017;
– Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
THAM KHẢO THÊM: