Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là chế định nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự tự nguyện dứt khoát của một người không thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của mình đến cùng mặc dù họ có khả năng thực hiện và điều kiện khách quan không có gì ngăn cản.
Mục lục bài viết
- 1 1. Miễn trách nhiệm hình sự cho người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
- 2 2. Miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội:
- 3 3. Miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá:
- 4 4. Miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa:
- 5 5. Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa:
- 6 6. Miễn trách nhiệm hình sự do trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận:
- 7 7. Miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác:
- 8 8. Miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự:
1. Miễn trách nhiệm hình sự cho người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một chế định nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự tự nguyện dứt khoát của một người không thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của mình đến cùng mặc dù họ có khả năng thực hiện và điều kiện khách quan không có gì ngăn cản. Chế định này đã được ghi nhận chính thức ở
Điều 16
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Các dấu hiệu để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Thứ nhất, việc chấm dứt, không thực hiện tiếp phạm tội phải tự nguyện và dứt khoát. Chấm dứt việc phạm tội phải tự nguyện tức là hoàn hoàn do ý chí chủ quan của người phạm tội, còn nếu do điều kiện khách quan mà người phạm tội không thực hiện tội phạm nữa thì không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Nguyên nhân dẫn đến việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể là do người phạm tội hối hận, sợ bị trừng phạt, lo sợ, thương người bị hại, …, còn nếu việc dừng lại, không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa mà do các nguyên nhân khách quan như do bị phát hiện, do bị ép buộc hay do các trở ngại khách quan khác thì không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Để đánh giá việc không thực hiện tiếp phạm tội có phải tự nguyện hay không, chúng ta phải xem xét khả năng nhận thức hiện thực khách quan của người phạm tội xem họ đánh giá các yếu tố khách quan có tác động như thế nào đến việc thực hiện tội phạm và xem xét ý chí của họ có muốn tiếp tục thực hiện tội phạm nữa hay không. Chấm dứt việc phạm tội phải dứt khoát nghĩa là phải từ bỏ hẳn ý định phạm tội, chứ không phải tạm thời dừng lại để chờ thời cơ, để tạo ra điều kiện thuận lợi hơn hay để chuẩn bị công cụ, phương tiện kỹ càng hơn.
Thứ hai, sự chấm dứt thực hiện tội phạm phải ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Các giai đoạn thực hiện tội phạm bao gồm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong đó, căn cứ vào mục đích thực hiện của hành vi phạm tội, phạm tội chưa đạt chia làm hai loại: phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt (đã) hoàn thành. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ một số trường hợp nhất định theo khoản 1 Điều 14
Trong trường hợp phạm tội có tính chất đồng phạm thì để xác định có đúng là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay không cần phải quan tâm đến các vấn đề đã được hướng dẫn trong Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 của Hội đồng thẩm phán
Thứ nhất, trong trường hợp có từ hai người thực hành trở lên, có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm, còn nếu những việc mà họ đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì | họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó. Nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, trong vụ án đồng phạm, để được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, ngoài 2 điều kiện nêu trên, người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm, nhưng nếu những việc họ đã làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Người xúi giục, người tổ chức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm. Người giúp sức phải chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm (như không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho kẻ thực hành…). Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.
2. Miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội:
Điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Quy định này đã đã kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 25 của Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng thể hiện lại rõ hơn theo hướng cụ thể hóa khái niệm “do chuyển biến của tình hình bằng khái niệm “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật”. Trường hợp này thực chất là khi ở thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì hành vi đó bị coi là tội phạm và phải bị xử lý bằng biện pháp hình sự nhưng vào thời điểm các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi đó không bị coi là tội phạm nữa do có sự thay đổi của chính sách, thay đổi của pháp luật. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc.
Sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trước hết được hiểu là Bộ luật Hình sự đã phi tội phạm hóa đối với tội phạm đó hay nói cách khác là Bộ luật Hình sự không quy định hành vi mà trước đây bị coi là tội phạm. Cụ thể:
Một là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi bằng cách xóa bỏ các hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện mà không thuộc 28 tội danh quy định tại khoản 2 Điều 12. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng đối với bất kỳ tội danh nào. Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại khoản 2 Điều 12 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 ví dụ như Tội giết người (Điều 123), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141).... Không những vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo hướng thu hẹp hơn. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về việc chuẩn bị phạm tội nếu tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc mọi tội danh; còn hiện nay, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm tội thuộc một trong 2 tội danh đó là: giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).
Hai là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã xóa bỏ một số tội phạm bằng cách xóa bỏ điều luật về tội phạm đó. Các điều luật về tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng không được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nữa bao gồm các tội như: Tội tảo hôn, Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế, Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính... Tuy nhiên, không phải trường nào xóa bỏ tội danh cũng đồng nghĩa với xóa bỏ tội phạm. Ví dụ đối với một số hành vi phạm tội theo Bộ luật Hình sự năm 1999 như: hoạt động phi đăng ký kết hôn trái pháp luật; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,... mặc dù, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không còn tên các tội danh này nhưng các hành vi này đã được quy định là một trong những dạng hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác. Ví dụ mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không còn Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 1999) nhưng hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật được quy định là một dạng hành vi phạm tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật theo Điều 336 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ba là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã xóa bỏ một số hành vi trước đây bị coi là tội phạm trong các điều luật cụ thể về tội đó. Ví dụ, khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phi tội phạm hóa đối với hành vi đánh bạc trái phép mà tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng mà người đánh bạc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này và hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc và bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc và gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mà khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) coi là tội phạm; khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng xóa bỏ hành vi phạm tội sử dụng trái phép tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa còn có thể là sự thay đổi của các chính sách dẫn đến sự thay đổi của các văn bản pháp luật khác ngoài Bộ luật Hình sự, làm thay đổi cách đánh giá về tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội của hành vi nào đó, dẫn đến hành vi đó trước đây bị coi là tội phạm nhưng vào thời điểm xem xét áp dụng không còn bị coi là tội phạm nữa. Ví dụ: sự thay đổi về chính sách, pháp luật về nhập khẩu, mua bán, vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa Nhà nước ta với quốc gia nào đó làm cho hành vi trước đây bị coi là phạm tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới không bị coi là tội phạm nữa...
3. Miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá:
Đại xá là một biện pháp khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước nhân dịp những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước đối với những người phạm những loại tội nhất định. Theo quy định tại khoản 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền quyết định đại xã thuộc về Quốc hội. Văn bản đại xá chỉ có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước khi bạn hành văn bản đại xá và được nêu trong văn bản đó. Đối với người thực hiện những hành vi phạm tội được đại xá thì dù đang ở giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử người phạm tội đều đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, Nhà nước ta mới chỉ hai lần ra quyết định đại xá. Cụ thể, lần thứ nhất là Sắc lệnh số 52/SL ngày 20/10/1945 xá miễn cho một số tội phạm trước ngày 19/08/1945 và đến lần thứ hai là Thông tư số 413/TTg ngày 09/11/1954 của Thủ tướng Chính phủ về đại xá.
4. Miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa:
Điểm a khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Theo khoản 1 Điều 25 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì trường hợp “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” là một trong những căn cứ để đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì trường hợp này được chuyển thành căn cứ để có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tức là trong trường hợp này, để quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc, xem xét thận trọng, đánh giá khách quan, chính xác từng trường hợp cụ thể.
Chuyển biến của tình hình” ở đây phải là những thay đổi, chuyển biến về hoàn cảnh của đời sống xã hội, của hoàn cảnh khách quan và chính những thay đổi, chuyển biến này đã tác động trực tiếp đến bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chứ không phải là yếu tố tích cực về mặt chủ quan của người phạm tội. Ví dụ, ở giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử, người thực hiện hành vi phạm tội bị tai nạn nghiêm trọng dẫn đến không còn khả năng thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội nữa như bị cụt cả hai tay, hai chân, bị liệt vĩnh viễn, bị di chứng não; sống thực vật,... do đó, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ thì không đạt được mục đích trừng trị, răn đe, giáo dục, hay cải tạo nữa.
Công văn số 24/1999/KHXX của Toà án nhân dân tối cao ngày 17/3/1999 về việc giải đáp bổ sung một số vấn đề về áp dụng pháp luật đã đưa ra một ví dụ cho trường hợp này đó là: Một người phạm tội trộm cắp tài sản với giá trị tài sản trộm cắp nhỏ, thế nhưng sau khi Viện kiểm sát truy tố ra trước Toà án thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử họ đã lập công lớn trong việc dập tắt một đám cháy và đã bị thương tích nặng. Trong trường hợp này | họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự vì bản thân họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
5. Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa:
Đây là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tùy nghi, mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tại điểm b khoản 2 Điều 29: Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa. Để được miễn trách nhiệm hình sự theo căn cứ này, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội, người phạm tội phải mắc bệnh hiểm nghèo và bệnh hiểm nghèo đó phải dẫn đến tình trạng người đó không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
6. Miễn trách nhiệm hình sự do trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận:
Đây là căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Căn cứ này quy định chặt chẽ hơn, thu hẹp hơn căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 25 của Bộ luật Hình sự năm 1999 vì còn phải có thêm “lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận” mới được xem xét để có thể miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, để có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo căn cứ này thì người phạm tội phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Một là người phạm tội tự thú. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện (Theo Điểm b khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Hai là người phạm tội khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm. Có nghĩa là họ phải khai báo và cung cấp đầy đủ các tình tiết về hành vi, công cụ, thủ đoạn, phương tiện, chứng cứ phạm tội,... mà họ biết liên quan đến sự việc, không che giấu bất kỳ tình tiết nào. Và những thông tin, tình tiết và chứng cứ này có ý nghĩa đối với việc điều tra làm rõ tội phạm và người phạm tội.
Ba là người phạm tội cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Điều kiện này đòi hỏi người phạm tội phải có những hành vi cụ thể để hạn chế hậu quả của hành vi phạm tội do mình gây ra như thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người đồng phạm không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,... Điều kiện này chỉ có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà hậu quả của hành vi phạm tội ấy chưa xảy ra hoặc đang xảy ra và nhưng đang ở mức độ không đáng kể. Còn nếu như hậu quả, thiệt hại trên thực tế do hành vi phạm tội xảy ra, thì dù người phạm tội có chủ động khắc phục hậu quả cũng không thể được coi là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo căn cứ này.
Bốn là người phạm tội lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Lập công lớn, có cống hiến đặc biệt có thể hiểu là giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản của Nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác (Theo điểm a tiểu mục 2.1 mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ–HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Và việc lập công lớn và có cống hiến đặc biệt này phải được Nhà nước và xã hội thừa nhận, việc thừa nhận có thể thể hiện qua việc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
7. Miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác:
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự này là một căn cứ lần đầu tiên được Bộ luật Hình sự ghi nhận, được quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Để có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo căn cứ này, người phạm tội phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Một là người phạm tội thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.
Hai là đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải. Điều kiện này thể hiện sự tôn trọng việc hòa giải, tự thỏa thuận giữa người phạm tội và người bị hại.
Ba là người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện đề nghị đối với các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
8. Miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự:
Đây là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tùy nghi, áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo căn cứ này bao gồm:
Thứ nhất, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự:
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 240, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự. Hay nói cách khác là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội mà tội phạm đó có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn hoặc lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 07 năm tù trừ trường hợp người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội cướp giật tài sản, tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 240, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự. Tức là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội mà người đó phải chịu trách nhiệm hình sự và tội phạm do người đó thực hiện có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù, trừ trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy.
Trường hợp người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Người có vai trò đồng phạm không đáng kể là những người tham gia vào vụ án có đồng phạm thường là người xúi giục, người giúp sức, người thực hành nhưng đóng góp của họ vào việc thực hiện hành vi phạm tội không đóng vai trò quan trọng, không là mấu chốt trong vụ án đó.
Việc có hoặc không có những người đồng phạm này không quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình phạm tội.
Thứ hai, người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nghĩa là phải có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự) trở lên.
Thứ ba, người dưới 18 tuổi phạm tội tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả. Việc cha, mẹ của người dưới 18 tuổi phạm tội tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi gây ra hay việc người dưới 18 tuổi phạm tội không có điều kiện để tiến hành khách phục hậu quả nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi gây ra cũng được coi là người dưới 18 tuổi phạm tội tự nguyện khắc phục phần | lớn hậu quả.
Thứ tư, không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự. Vì nếu người dưới 18 tuổi phạm tội đồng thời thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 và khoản 2 Điều 91 thì sẽ áp dụng Điều 29.
Thứ năm, người dưới 18 tuổi phạm tội đủ điều kiện để áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục. Bởi lẽ việc áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục có mối quan hệ chặt chẽ đối với việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội vì các biện pháp này được áp dụng đồng thời với việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội theo các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự áp dụng riêng đối với đối tượng này (quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều đó có nghĩa, các biện pháp giám sát, giáo dục này là điều kiện đủ để áp dụng miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nếu các biện pháp giám sát giáo dục không thực hiện được hoặc thực hiện không thành công thì cũng không có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự. Cũng giống như miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội, việc áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục có thể được áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử và do cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có thẩm quyền áp dụng quyết định. Các biện pháp giám sát, giáo dục là các biện pháp mang tính giáo dục, phòng ngừa được áp dụng nhằm mục đích chính là giúp cho các em nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn hối cải, khắc phục sai lầm, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật. Tất cả các biện pháp giám sát giáo đều phải đáp ứng điều kiện chung, đó là: Người dưới 18 tuổi phạm tội đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự và người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này. Ngoài ra, với mỗi biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể thì đều có riêng những điều kiện khác