Các cuộc kiểm tra đột xuất về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, từ đó có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Vậy trường hợp nào được kiểm tra đột xuất về PCCC và cứu nạn, cứu hộ?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp kiểm tra đột xuất về PCCC và cứu nạn, cứu hộ:
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 141/2020/TT-BCA, kiểm tra đột xuất về PCCC được tiến hành trong các trường hợp sau:
(1) Các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động:
– Xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ hoặc khi môi trường nguy hiểm cháy, nổ có nguồn lửa, nguồn nhiệt (gọi chung là nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ).
– Vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC đã được cơ quan thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản nhưng không thực hiện, bao gồm:
+ Tàng trữ, sử dụng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trái phép.
+ Sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định.
+ Làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ.
– Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về PCCC:
+ Cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới yêu cầu đặc biệt về an toàn PCCC (theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP) ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC tại điểm b, c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP mà chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan Công an thẩm quyền.
+ Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới yêu cầu đặc biệt về an toàn PCCC (theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP) vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an thẩm quyền.
(2) Vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy có nguy cơ phát sinh cháy, nổ như sau:
– Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra định kỳ về an toàn phòng cháy và chữa cháy mỗi 6 tháng đối với các cơ sở thuộc danh mục tại Phụ lục II của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Kiểm tra định kỳ hàng năm đối với hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về an toàn phòng cháy và chữa cháy, cũng như các cơ sở thuộc danh mục tại Phụ lục III của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Tiến hành kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc khi có nguy cơ phát sinh cháy, nổ, hoặc theo yêu cầu phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền.
– Thực hiện kiểm tra hàng năm trong quá trình thi công đối với các công trình xây dựng thuộc danh mục tại Phụ lục V của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
(3) Để phục vụ công tác đảm bảo an ninh và trật tự theo chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quản lý.
(4) Khi có dấu hiệu vi phạm các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc khi có dấu hiệu lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự, theo kiến nghị xử lý từ cơ quan có thẩm quyền.
2. Thủ tục kiểm tra và xử lý kết quả sau kiểm tra đột xuất về PCCC và cứu nạn, cứu hộ:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 141/2020/TT-BCA, việc kiểm tra và xử lý kết quả sau kiểm tra được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Thông tư 141/2020/TT-BCA như sau:
– Thực hiện kiểm tra:
+ Trưởng đoàn hoặc cán bộ được phân công thực hiện kiểm tra giới thiệu thành phần đoàn kiểm tra, đồng thời thông báo về nội dung và hình thức thực hiện kiểm tra;
+ Tổ chức kiểm tra theo các nội dung được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 12 Nghị định 83/2017/NĐ-CP;
+ Lập biên bản kiểm tra áp dụng theo mẫu PC 10 được quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Biên bản kiểm tra phải được lập thành ít nhất 02 bản. Theo đó, biên bản kiểm tra được giao cho đối tượng kiểm tra 01 bản, lưu hồ sơ 01 bản và giao đơn vị có liên quan 01 bản (nếu có);
+ Trong quá trình thực hiện kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính và tạm đình chỉ hoạt động theo quy định.
– Xử lý kết quả sau khi kiểm tra:
+ Trưởng đoàn kiểm tra hoặc cán bộ kiểm tra thực hiện báo cáo với lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp quản lý về kết quả kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 141/2020/TT-BCA, đồng thời, báo cáo về biên bản kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng với các trường hợp xử phạt mà không lập biên bản, biên bản vi phạm hành chính (nếu có);
+ Lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý xem xét kết quả kiểm tra và chỉ đạo đơn vị, cán bộ thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ, hoặc phục hồi hoạt động nếu cần, cũng như đề xuất các biện pháp khắc phục nguy cơ mất an toàn hoặc vi phạm đối với đối tượng kiểm tra và đưa ra các ý kiến chỉ đạo khác nếu cần.
3. Mức phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
Mức phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 30 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
– Đối với hành vi thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
– Đối với một trong những hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng:
+ Không xuất trình hồ sơ, tài liệu cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
+ Không thực hiện tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
+ Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;
+ Không thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;
+ Khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, không tiến hành bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra;
+ Không thực hiện gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
– Đối với hành vi không chấp hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
– Đối với hành vi không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Thông tư 141/2022/TT-BCA quy định công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng công an nhân dân;
– Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi;
– Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Chính phủ ban hành.
THAM KHẢO THÊM: