Trưởng công an huyện có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của công dân không? Thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức cấp xã.
Trưởng công an huyện có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của công dân không? Thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức cấp xã.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn nội dung sau: Trưởng công an huyện có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của công dân về hành vi vi phạm của cán bộ công chức cấp xã hay không? Nếu có thì căn cứ văn bản nào? Xin chân thành cảm ơn luật sư!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật tố cáo 2011 thì tố cáo là việc công dân theo thủ tục do pháp luật quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bạn có nêu bạn làm đơn tố cáo về hành vi vi phạm của cán bộ công chức cấp xã nhưng bạn không nêu rõ hành vi vi phạm trong lĩnh vực gì nên có thể xảy ra các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Cán bộ công chức cấp xã có hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước thì theo Điều 13 Luật tố cáo 2011 quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo . Theo đó, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
– Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).
Như vậy, theo quy định trên thì thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của công dân về hành vi vi phạm của cán bộ công chức cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong trường hợp, công dân làm đơn tố cáo Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
>>> Luật sư tư vấn thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo hành vi vi phạm: 1900.6568
Trường hợp 2: Cán bộ công chức cấp xã có hành vi vi phạm hành chính thì theo khoản 4 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt hành chính công an cấp huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo, xử phạt tiền các hành vi vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy hành nghề trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội. Được tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trường hợp 3: Cán bộ công chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hình sự thì Cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện. Như vậy, theo quy định trên thì khi cán bộ công chức cấp xã có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hình sự thì trưởng công an huyện có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện.