Dựa vào khung giá đất và bảng giá đất ta có thể xác định được giá của từng loại đất theo quy định của từng địa phương. Việc xây dựng khung giá đât và bảng giá đất cũng cần phải thực hiện theo trình tự thủ tục nhất định.
Mục lục bài viết
1. Trình tự thủ tục xây dựng bảng giá đất:
1.1. Hồ sơ xây dựng bảng giá đất:
Hồ sơ xây dựng bảng giá đất được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 12
Một là, tờ trình về việc ban hành bảng giá đất;
Hai là, dự thảo bảng giá đất;
Ba là, báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất;
Bốn là, văn bản thẩm định bảng giá đất.
1.2. Trình tự thủ tục xây dựng bảng giá đất:
Trình tự thủ tục xây dựng bảng giá đất thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Lập dự án xây dựng bảng giá đất và thành lập ban chỉ đạo xây dựng Bảng giá đất
Theo đó, khi lập dự án xây dựng bảng giá đất phải bao gồm các nội dung như là:
– Loại đất điều tra, khảo sát, bao gồm các thông tin về vị trí địa lý, địa hình, địa mạo; tình hình kinh tế – xã hội, quản lý và sử dụng đất ảnh hưởng đến giá đất và bảng giá đất hiện hành
– Số lượng phiếu điều tra giá đất thị trường;
– Số lượng xã, phường, thị trấn điều tra. Theo đó thì điểm điều tra phải tập trung vào khu vực có biến động về giá đất và phải đạt tối thiểu 50% trong tổng số xã, phường, thị trấn của mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và điểm điều tra phải đại diện cho loại đất điều tra và được phân bố đều trên địa bàn cấp huyện;
– Nguồn nhân lực, trang thiết bị, thời gian, kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện dự án xây dựng bảng giá đất. Theo đó thì ban chỉ đạo xây dựng bảng giá đất gồm có các thành phần: Trưởng ban là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ; phó trưởng ban là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
Bước 2: Xác định các loại đất trong bảng giá đất khi xây dựng bảng giá đất
Theo đó thì xác định loại đất, vị trí đất theo xã đồng bằng, trung du, miền núi và theo loại đô thị trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh;
Bước 3: Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất khi xây dựng bảng giá đất
Từ ngày 01 tháng 5 đến trước ngày 01 tháng 7 của năm xây dựng bảng giá đất ơ quan chức năng, người có thẩm quyền, nhiệm vụ trong việc xây dựng bảng giá đất thực hiện các công việc điều tra, khảo sát, thu thập thông tin giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất tại điểm điều tra và thực hiện theo các nguyên tắc luật định. Kết thúc việc điều tra khảo sát, thu thập thông tin giá đất thị trường tại mỗi điểm điều tra phải kiểm tra, rà soát toàn bộ phiếu điều tra và xác định mức giá của các vị trí đất.
Việc tổng hợp kết quả điều tra, thu thập thông tin giá đất thị trường tại cấp huyện thực hiện theo mẫu biểu và xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả điều tra giá đất thị trường tại cấp huyện theo các nội dung luật định.
Tổng hợp kết quả điều tra, thu thập thông tin giá đất thị trường tại cấp tỉnh thực hiện theo mẫu biểu và phải hoàn thiện trước ngày 01 tháng 8 của năm xây dựng bảng giá đất.
Bước 4: Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành;
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 18 thông tư 36/2014/TT- BTNMT việc phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành và thực hiện các công việc cụ thể như là: đánh giá tình hình biến động và mức biến động giữa giá đất thị trường với giá đất cùng loại trong bảng giá đất hiện hành và đánh giá các quy định trong bảng giá đất hiện hành.
Bước 5: Xây dựng bảng giá đất và Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; xử lý giá đất trong bảng giá đất tại khu vực giáp ranh
Theo đó các công việc cần thực hiện bao gồm:
– Xây dựng bảng giá đất theo vị trí đất thực hiện theo mẫu biểu;
– Xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh theo quy định;
– Xây dựng báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất. Báo cáo gồm các nội dung chủ yếu như: Đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất trên địa bàn cấp tỉnh; Đánh giá sự phù hợp hoặc chưa phù hợp của giá đất trong dự thảo bảng giá đất so với khung giá đất; kết quả điều tra giá đất thị trường; giá đất trong dự thảo bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đất giáp ranh.
– Xây dựng Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất. Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo bảng giá đất và hoàn thiện dự thảo bảng giá đất.
Bước 6: Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất khi xây dựng bảng giá đất
Bước 7: Thẩm định dự thảo bảng giá đất trong xây dựng bảng giá đất
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trước ngày 15 tháng 10 của năm xây dựng bảng giá đất Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Hội đồng thẩm định bảng giá đất hồ sơ thẩm định dự thảo bảng giá đất.
Bước 8: Hoàn thiện dự thảo bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Theo đó thì căn cứ văn bản thẩm định của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 9: Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất;
Sau khi nhận được Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hoàn thiện hồ sơ xây dựng bảng giá đất; quyết định ban hành và công bố công khai bảng giá đất tại địa phương vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
Tiếp theo, trước ngày 15 tháng 01 của năm đầu kỳ Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả xây dựng bảng giá đất để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả xây dựng bảng giá đất gồm có: Quyết định ban hành bảng giá đất;Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất;Bảng tổng hợp giá đất đối với từng loại đất trên địa bàn cấp tỉnh.
Bước 10: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất.
Định kỳ 05 năm một lần Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất tại địa phương và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
1.3. Nguyên tắc xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật:
Khi thực hiện thủ tục xây dựng bảng giá đất thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau đấy:
Thứ nhất, Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào phương pháp định giá đất và khung giá đất, xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành.
Thứ hai, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động trong thời gian thực hiện bảng giá đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Thứ ba, ít nhất 60 ngày, trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trình tự thủ tục xây dựng khung giá đất:
2.1. Hồ sơ xây dựng khung giá đất:
Hồ sơ xây dựng khung giá đất được quy định cụ thể tại Điều 8
Một là, tờ trình về việc ban hành khung giá đất;
Hai là, dự thảo khung giá đất;
Ba là, báo cáo thuyết minh xây dựng khung giá đất;
Bốn là, văn bản thẩm định khung giá đất
2.2. Trình tự thủ tục xây dựng khung giá đất:
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 44/2014/NĐ-CP thì thủ tục xây dựng khung giá đất được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định loại đất, vùng kinh tế, loại đô thị trong xây dựng khung giá đất;
Bước 2: Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất;
Bước 3: Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện khung giá đất hiện hành;
Bước 4: Xây dựng khung giá đất và Tờ trình về việc ban hành khung giá đất;
Bước 5: Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo khung giá đất;
Bước 6: Thẩm định dự thảo khung giá đất;
Bước 7: Hoàn thiện khung giá đất trình Chính phủ ban hành.
2.3. Nguyên tắc xây dựng khung giá đất theo quy định của pháp luật:
Khi thực hiện thủ tục xây dựng khung giá đất cần phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Một là, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng.
Hai là, Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Ba là, việc xây dựng khung giá đất phải dựa trên căn cứ là nguyên tắc định giá đất, phương pháp định giá đất; kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường, các yếu tố tự nhiên, kinh tế- xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất.