Với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội như hiện nay, bảo hiểm đã trở thành một loại dịch vụ quan trọng và thiết yếu trong đời sống của con người. Dưới đây là quy định của pháp luật về trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.
Mục lục bài viết
1. Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm. Quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo đó sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Người có nhu cầu thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ hợp lệ để gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tức là nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Có thể nộp đơn trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 2: Trong khoảng thời gian 08 ngày làm việc được tính kể từ ngày nộp đơn thì tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ xem xét đơn theo quy định của pháp luật. Toà án nhân dân sẽ ra một trong những quyết định sau đây: Tiến hành thụ lý vụ việc theo quy định của pháp luật, yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung đơn khởi kiện nếu xét thấy đơn khởi kiện đó không đầy đủ và chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chuyển vụ án đến tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án căn cứ theo quy định tại Điều 191 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 3: Sau khi thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật thì tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Trong khoảng thời gian 07 ngày theo quy định của pháp luật được tính kể từ ngày nhận được giấy báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí thì người khởi kiện sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật, sau đó nộp lại biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho tòa án căn cứ theo quy định tại Điều 195 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Vụ án theo đó sẽ được thụ lý kể từ thời điểm người khởi kiện nộp biên lai tạm ứng án phí cho tòa án.
Bước 4: Với cả kiện sẽ phải có trách nhiệm sao chụp hồ sơ vụ án để gửi cho người bị kiện. Trong khoảng thời hạn 03 ngày làm việc đầu tiên kể từ ngày thụ lý vụ án, chủ thể có thẩm quyền đó là thẩm phán sẽ phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các đương sự và người có quyền lợi liên quan, phải có trách nhiệm thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết về quá trình thụ lý vụ án đó căn cứ theo quy định tại Điều 196 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 5: Trong khoảng thời hạn 15 ngày theo quy định của pháp luật được tính kể từ ngày gửi thông báo, các chủ thể được xác định là bị đơn hoặc người có quyền lợi liên quan sẽ phải gửi văn bản trả lời về ý kiến của mình đối với yêu cầu và tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn đã cung cấp, cần phải gửi yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập nếu có căn cứ theo quy định tại Điều 199 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 6: Trong vòng 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tòa án có trách nhiệm: Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; xác định tư cách đương sự và tư cách của người tham gia tố tụng khác, xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng, làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Sau đó, tòa án sẽ ra một trong các quyết định sau đây: Đưa vụ án ra xét xử, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm đình chỉnh hoặc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự căn cứ theo Điều 203 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 7: Trong vòng 01 tháng hoặc chậm nhất là 02 tháng (nếu có lý do chính đáng) kể từ ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử, cơ quan có thẩm quyền là tòa án có trách nhiệm mở phiên tòa xét xử sơ thẩm.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm:
Pháp luật hiện nay có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp cơ bản nhất mà các bên tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có thể áp dụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm. Hồ sơ và quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo phương án này sẽ được thực hiện theo thủ tục nêu trên.
Thứ hai, hòa giải tranh chấp kinh tế. Về phương thức hòa giải thì các bên cần phải có thỏa thuận phương thức hòa giải trong hợp đồng bảo hiểm thì mới có thể áp dụng phương thức này. Mặt khác thì các bên tranh chấp thì có thể áp dụng phương thức hòa giải thương mại nếu hoạt động của các bên hoặc ít nhất một bên liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm thông qua hình thức hòa giải vẫn có một số nhược điểm nhất định. Nhược điểm lớn nhất của phương thức này đó chính là quyết định của hòa giải viên sẽ không mang tính chung thẩm, tức là các bên vẫn có quyền đưa vụ án ra tòa án nếu như không đồng ý với kết quả hòa giải đó để bảo vệ quyền lợi của các bên một cách tốt nhất.
Thứ ba, giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Cũng giống như phương thức hòa giải thì để có thể áp dụng được phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì các bên trong hợp đồng bảo hiểm phải có sự thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Luật trọng tài thương mại năm 2010. Phương thức trọng tài thương mại cũng mang những ưu điểm nhất định. Ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đó là đảm bảo được sự bảo mật và bảo đảm sự chủ động của các bên trong việc trình bày và đưa ra các bằng chứng để chứng minh cho quyền lợi nghĩa vụ của mình bị xâm phạm, mâu thuẫn của các bên sẽ được giải quyết nhanh chóng. Khác với phương thức hòa giải, thì phương thức giải quyết bằng trọng tài thì vấn đề sẽ được giải quyết bằng phán quyết của trọng tài đưa ra và phán quyết này mang tính chung thẩm, không bị kháng cáo, khàng nghị.
3. Các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về những trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Theo đó thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong những trường hợp cơ bản sau đây:
– Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật;
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm biết về việc sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
– Mục đích và nội dung của hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội;
– Doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam và bên mua bảo hiểm tiến hành hoạt động giao kết hợp đồng giả tạo trái quy định của pháp luật;
– Bên mua bảo hiểm được xác định là người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
– Hợp đồng bảo hiểm giao kết có sự nhầm lẫn trái quy định của pháp luật làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của quá trình giao kết hợp đồng đó;
– Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối trái quy định của pháp luật;
– Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa hoặc cưỡng ép dưới bất kỳ hình thức nào;
– Bên mua bảo hiểm không nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình trong quá trình giao kết hợp đồng và hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức căn cứ theo Điều 18 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.