Khái quát về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh? Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường phải thực hiện đăng ký kinh doanh, bởi đây là một thủ tục pháp lý “khai sinh và thừa nhận” sự ra đời của các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh. Điều này đòi hỏi bất cứ chủ thể kinh doanh nào thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật muốn tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông qua hoạt động đăng ký kinh doanh, chủ thể sẽ được cấp “giấy phép đăng ký kinh doanh”- đây là văn bản có giá trị pháp lý ghi nhận hoạt động đăng ký kinh doanh của chủ thể. Tuy nhiên, để phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, quy trình, thủ tục cải cách đăng ký kinh doanh đã có những đổi mới. Trong đó, đáng chú ý là Nhà nước Việt Nam đã chính thức thống nhất quy trình: đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế, áp dụng một mã số duy nhất định danh cho doanh nghiệp. Do vậy, thuật ngữ “đăng ký kinh doanh” trong các văn bản pháp luật trước đây được thay thế bằng thuật ngữ ” đăng ký doanh nghiệp.
Sự ra đời của một doanh nghiệp tại Việt Nam phải được ghi nhận dựa trên cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do đó trong bất cứ trường hợp nào, doanh nghiệp cũng phải chứng minh được tính hoạt động hợp pháp của mình thông qua giấy chứng nhận. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
1. Khái quát về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Thuật ngữ đăng ký kinh doanh xuất hiện lần đầu tiên trong Luật Công ty 1990 và tiếp tục được sử dụng trong các văn bản pháp luật về tổ chức kinh doanh sau này. Tuy nhiên, cho tới nay thuật ngữ “đăng ký kinh doanh” chưa được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành mặc dù thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến trong lập pháp cũng như trong thực tế.
Thuật ngữ “đăng ký kinh doanh” được ghép từ hai từ ghép “đăng ký” và “kinh doanh”.
Về mặt từ ngữ, “kinh doanh” theo Từ điển Luật học, Viện Khoa học pháp lý, Nhà xuất bản Tư pháp – Bộ Tư pháp phối hợp với Nhà xuất bản Từ điển bách khoa xuất bản năm 2006 được hiểu là: “Các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cung ứng dịch vụ do các chủ thể kinh doanh tiến hành một cách độc lập, thường xuyên trên thị trường nhằm mục đích lợi nhuận”. Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại Khoản 21, Điều 4, Luật Doanh nghiệp thì: ” Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.”
Theo từ điển Bách khoa Việt Nam thì “đăng ký” được hiểu: “1. Chính thức ghi vào văn bản của cơ quan pháp luật những thông tin cần thiết của sự kiện làm cơ sở phát sinh hoặc chấm dứt những quan hệ pháp lí nhất định. 2. Bằng chứng công nhận sự bắt đầu tồn tại hoặc chấm dứt một sự kiện, hiện tượng theo pháp luật.”
Từ điển Luật học (Viện Khoa học pháp lý, Nhà xuất bản Tư pháp – Bộ Tư pháp phối hợp với Nhà xuất bản Từ điển bách khoa xuất bản năm 2006) cũng đã định nghĩa đăng ký kinh doanh là: “Sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh”. Theo phương diện quản lý nhà nước, đăng ký kinh doanh được coi là biện pháp quản lý Nhà nước về kinh tế. Thông qua hoạt động ĐKKD, Nhà nước có được các thông tin cần thiết về một doanh nghiệp, từ đó thực hiện các hoạt động quản lý khi doanh nghiệp đi vào sản xuất, trong khâu hậu kiểm, thực hiện việc điều tiết kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp ngay từ khâu gia nhập thị trường.
Thuật ngữ đăng ký kinh doanh được áp dụng từ Luật Công ty 1990 đến Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, đến
Theo đó, tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 01/2021/NĐ-CP giải thích đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, để gia nhập thị trường và được tiến hành hoạt động kinh doanh, các chủ thể kinh doanh phải phải khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về dự kiến hoạt động của mình với các thông tin cụ thể, các thông tin này sẽ được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nhà nước sẽ thừa nhận việc đăng ký kinh doanh bằng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là bằng chứng pháp lý chứng minh chủ thể kinh doanh tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp, độc lập, bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường và được Nhà nước công nhận, bảo hộ. Thông qua hoạt động ĐKKD các chủ thể được bảo hộ về quyền và nghĩa vụ, được xác lập một địa vị pháp lý hợp pháp để tiến hành hoạt động kinh doanh chính thức trên thị trường trong nước và ngoài nước. Do đó, hoạt động ĐKKD không chỉ áp dụng cho các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh là những doanh nghiệp mà ở đó còn áp dụng cho cả chủ thể hoạt động kinh doanh khác như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thực chất là một loại văn bản mang tính chất pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, cho phép hoặc đồng ý để một chủ thể kinh doanh (cá nhân hoặc tổ chức) tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh nhất định. Mục đích thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giúp nhà nước quản lý, nắm bắt và tổng hợp được tất cả các chủ thể kinh doanh đang hoạt động trên thương trường để thực hiện chức năng thu thuế, đồng thời đặt cơ sở ban đầu cho công tác quản lý trong khâu hậu kiểm, thực hiện việc điều tiết kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh ngay từ khâu gia nhập thị trường.
Hơn nữa, thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà nước lập nên một khung pháp lý để các doanh nghiệp cùng tham gia, hoạt động theo quy định chung không xâm hại lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh, tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn, hướng đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
2. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Trên cơ sở quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật doanh nghiệp năm 2020: “Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.”.
Dựa trên quy định này, có các vấn đề cần chú trọng như sau:
– Doanh nghiệp được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp: mất, bị hư hỏng,cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác.
– Thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
– Trình tự thực hiện:
+ Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau:
Đăng ký trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh
Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ, gồm: Giấy đề nghị cấp lại theo mẫu tại phụ lục II-18 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ
Kết quả hồ sơ:
– Nếu hồ sơ hợp lệ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
– Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung đăng ký doanh nghiệp.
Về lệ phí phải nộp:
– Đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh: 50.000 đồng/hồ sơ.
– Đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử: Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy rằng, sự ra đời của Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã thực sự giải quyết được hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nghị định này đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi của mình và phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định, cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.