Trình tự cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trên đất trái phép. Thẩm quyền ra quyết định phá dỡ công trình xây trái phép trên đất. Các quy định mới nhất về cưỡng chế phá dỡ nhà xây trái phép?
Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật. Để xây dựng nhà ở hợp pháp cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về Luật đất đai, Luật xây dựng. Có những trường hợp được miễn giấy phép khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, có trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Luật xây dựng 2014.
Trong trường hợp xây dựng không tuân thủ đúng quy định như xậy dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng không xin cấp giấy phép xây dựng với trường hợp phải xin phép, xây dựng sai giấy phép xây dựng đã được cấp phép thì cơ quan có thẩm quyền có quyền xử phạt theo đúng quy định pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Trình tự cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trên đất trái phép
Theo quy định
Việc thực hiện tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Thông tư 02/2014/TT-BXD như sau:
– Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm.
– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (trừ trường hợp vụ việc phức tạp theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính), người có thẩm quyền xử phạt hành chính có trách nhiệm ban hành
– Hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt hành chính ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ. Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ra quyết định cưỡng chế phá dỡ;
+ Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.
+ Trường hợp công trình xây dựng đã hoàn thành thì không cần phải có quyết định đình chỉ thi công trong việc thực cưỡng chế.
2. Thẩm quyền ra quyết định phá dỡ công trình xây trái phép trên đất
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại Khoản 2 Điều 86
+ Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Không có quyền buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
+ Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền đến 100.000.000 đồng.
3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
+ Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền:
Đến 1.000.000.000 đồng đối với lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác.
TƯ VẤN MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
3. Các bước để cưỡng chế phá dỡ công trình sai phép?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là cán bộ Địa chính xã. Sau khi phát hiện vi phạm xây dựng nhà ở trên đất hành lang an toàn đường bộ, tôi đã phối hợp với Hạt quản lý giao thông, BQL xóm và công an xã lập biên bản vi phạm, đình chỉ xây dựng. Sau đó đã gửi giấy mời (lần thứ 3) mời cá nhân vi phạm đến làm việc tại UBND xã. Tuy nhiên cá nhân vi phạm cố tình không đến làm việc. Tôi xin hỏi, khi đã mời đến lần 3 mà cá nhân vi phạm không đến thì việc xử lý hành chính gần như không thành. Trong trường hợp này tôi muốn tham mưu tổ chức cưỡng chế giải tỏa thì phải tiến hành những bước nào? Căn cứ quy định nào?
Luật sư tư vấn cưỡng chế phá dỡ công trình trái phép trực tuyến qua điện thoại: 1900.6568
Luật sư tư vấn:
Việc xử phạt hành chính và cưỡng chế cần phải làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.
– Đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, UBND cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện.
– Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.
– Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế. Khi thực hiện cưỡng chế phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.
– Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.
– Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.
– Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.
– Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, hiện nay bạn đã mời người vi phạm lên làm việc tới lần thứ 3 nhưng người đó cố tình không lên để giải quyết thì bạn có quyền ra biên bản giải quyết không thành tại xã. Sau đó bạn có đơn gửi tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp tiến hành trong việc phá dỡ phần tài sản xây dựng trái phép trên đất theo trình tự như trên.
4. Nộp phạt bằng tiền thì công trình sai phép có bị tháo dỡ không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư ! Tôi có thắc mắc về xây dựng nhà đô thị ạ. Diện tích nhà tôi gồm 54 m2. Năm 2018 tôi có xin GPXD được Quận cho xây 1 nền và 4 tấm ( DTXD: 5x54m2). Tôi chỉ xây 1 nền và 2 tấm, sau khi xây xong tôi đã hoàn công. Năm 2019 tôi xin GPXD thì quận chỉ cho xây thêm 1 tấm, mà tấm đó bị thụt vào bên hông 1m, DTXD tấm đó chỉ còn 36m2 (Quận lấy lý do phải thụt vào để giữ khoảng cách an toàn điện,mà tôi thắc mắc dây điện bên cạnh tầng dưới đã được hoàn công, không ảnh hưởng tầng sắp xây). Vậy nếu tôi xây dựng bình thường như những tấm dưới là 54m2 và tôi chấp nhận đóng phạt thì phần xây trái phép đó có bị tháo dỡ không và tôi sẽ bị phạt bao nhiêu ạ. Rất mong luật sư giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Bạn đã xin giấy phép xây dựng để xây dựng nhà năm 2018, đến năm 2019 bạn xin giấy phép xây dựng thêm một tầng nữa, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền cấp phép chỉ cho phép bạn thực hiện xây dựng lùi vào so với tầng 1, 2. Bạn có diện tích đất là đất ở đô thi nếu căn cứ theo Điều 89 Luật xây dựng thì bạn vẫn phải xin cấp giấy phép xây dựng. Khi bạn xin giấy phép xây dựng như thế nào thì bạn phải thực hiện theo đúng nội dung bạn đã xin, nếu bạn xây dựng sai so với nội dung trên giấy phép được cấp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và yêu cầu tháo dỡ, nộp chi phí theo Thông tư số 03/2018/TT-BXD.
Theo đó, đối với trường hợp xây dựng trái phép phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép khi bị xử phạt yêu cầu tháo dỡ không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Theo điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng như sau:
‘Điều 15. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
2. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
…………………………..
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.’
Thứ nhất, khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Thứ hai, là với hành vi quy định xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng mà công trình đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
–) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.
Cá nhân, tổ chức vi phạm phải dừng thi công xây dựng kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trong thời hạn quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp không có thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người lập biên bản phải chuyển biên bản vi phạm hành chính và hồ sơ vụ việc (nếu có) đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
–) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
–) Hết thời hạn 60 ngày nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Thông báo được gửi cá nhân, tổ chức vi phạm, UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm bằng hình thức gửi bảo đảm và niêm yết công khai tại công trình vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận thông báo hoặc gỡ bỏ thông báo được niêm yết tại công trình vi phạm thì UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm có trách nhiệm niêm yết công khai thông báo tại trụ sở UBND cấp xã. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện), cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày cá nhân, tổ chức vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
Luật sư tư vấn xử phạt tháo dỡ công trình xây dựng trái phép: 1900.6568
Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Trường hợp biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
Như vậy, bạn cần kiểm tra bạn thuộc trường hợp nào để có thể đảm bảo quyền lợi của mình một cách tối đa nhất.