Nguyễn Trãi là một vị tướng tài của dân tộc, một nhà thơ, một nhà yêu nước nồng nàn. Bài "Nước Đại Việt ta" là một bản tuyên ngôn độc lập khẳng định chủ quyền dân tộc nước ta hoàn toàn tự chủ, độc lập, tự cường. Nhằm giúp bạn đọc có thêm kiến thức về tác phẩm, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bài viết Trình bày hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nước Đại Việt ta.
Mục lục bài viết
1. Trình bày hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nước Đại Việt ta:
Đầu năm 1428, sau khi quân ta đại thắng, Nguyễn Trãi được thừa lệnh vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) soạn thảo Bình ngô đại cáo để thông cáo với toàn dân về sự kiện có ý nghĩa trọng đại này.
2. Ý nghĩa nhan đề bài thơ Nước Đại Việt ta:
- Nhan đề đoạn trích được nhà biên soạn đặt, được trích từ Bình Ngô đại cáo. Ý nghĩa nhan đề có thể diễn giải như sau:
+ Đại: Lớn;
+ Cáo: Báo cáo, bố cáo
+ Bình: Dẹp yên giặc, bình định xong;
+ Ngô: Giặc Ngô (Nhà Minh Trung Quốc).
-> Bản bố cáo lớn gửi đến quốc dân đồng bào về chiến thắng oanh liệt của quân dân ta đánh tan được quân Ngô. Bản văn viết bằng chữ Hán văn do Nguyễn Trãi viết theo thể văn biền ngẫu, trình bày sự gian khổ của 10 năm kháng chiến và thắng lợi chống quân Minh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây có thể xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài Nam Quốc Sơn Hà.
3. Vài nét về tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ Nước Đại Việt ta:
3.1. Tiểu sử cuộc đời tác giả Nguyễn Trãi:
+ Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu Ức Trai
+ Quê quán: Làng Nhị Khê, huyện Thường Phúc nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần.
+ Lên sáu tuổi mất mẹ, lên mười ông ngoại qua đời, ông về lại Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan nhà Hồ.
+ Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông cùng Lê Lợi hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó, ông được tha nhưng không còn được tin cậy như trước. Năm 1438 – 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc nhưng xảy ra vụ việc nhà vua chết đột ngột tại Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn bị bọn gian tà ở triều đình có chứa tư thù từ lâu, ông bị khép vào tội giết vua năm 1442.
+ Năm 1464, Lê Thánh Tông mới giải oan cho ông rồi sưu tầm thơ văn của ông.
+ Nhìn chung cuộc đời Nguyễn Trãi có hai đặc điểm cơ bản: Ông được xem là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, một nhà văn hóa, một nhà thơ kiệt xuất. Nhưng ông cũng là người phải chịu một nỗi oan khuất thấu trời xanh mà mãi sau này mới được giải oan, được vinh danh vì tài năng của bản thân mình.
3.2. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của tác giả Nguyễn Trãi:
+ Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà thơ dưới thời nhà Hồ và nhà Lê sơ Việt Nam
+ Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, có công lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc thế kỷ XV
+ Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, ông để lại cho đời sau nhiều di sản to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự nghiệp văn học
+ Các tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập bằng chữ Hán, Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm. Đó là những tập thơ cả một đời, từ lúc trẻ đến già, nhiều nhất là khoảng 10 năm tìm đường và thời gian về nghỉ Côn Sơn. Nội dung thấy rõ trong đó là tâm tình đối với quê hương, đất nước, với dân, với bao éo le trong cuộc đời,…
+ Phong cách sáng tác: Thơ ông mang nhiều tư tưởng yêu nước, thể hiện triết lý sâu sắc, tinh tế lãng mạn, sáng tạo và thanh khiết.
+ Cả đời sống trong sạch, suốt đời một lòng vì nước vì dân: Trở về với nông thôn, ông yên lòng tự hào: “Quê cũ nhà ta thiếu của nào/ Rau trong nội, cá trong ao”. Cấy cày là niềm vui: “Một cày một cuốc thú nhà quê/ Áng chúc lan chen vãi đậu kê”. Ông ca ngợi chi tiết tùng, trúc, mai, ba cây không chịu khuất phục trước giá lạnh của mùa đông và ông luôn giữ một tấm lòng trong sạch, một tấm lòng thơm.
3.3. Bố cục tác phẩm Nước Đại Việt ta:
- Chia làm ba phần:
+ Phần 1: Hai câu đầu: Tư tưởng nhân nghĩa
+ Phần 2: Tám câu tiếp theo: Chân lý về sự tồn tại độc lập của dân tộc
+ Phần 3: Sáu câu cuối: Minh chứng cho sức mạnh của nhân nghĩa của toàn dân tộc
3.4. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Nước Đại Việt ta:
- Giá trị nội dung: Đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập. Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử,… Bất kỳ hành động xâm lược nào trái đạo lý của kẻ thù đều sẽ phải chịu một kết cục thất bại.
- Giá trị nghệ thuật: Áng văn chính luận với lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn, giàu sức thuyết phục. Lời thơ đanh thép thể hiện ý chí dân tộc, lời văn biền ngẫu nhịp nhàng.
4. Cảm nhận về bài thơ Nước Đại Việt ta:
Cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh do Lê Lợi lãnh đạo giành được thắng lợi. Sau khi đuổi giặc khỏi bờ cõi, vâng mệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết văn bản Bình Ngô đại cáo (Nước Đại Việt ta) để công bố trước dân chúng về sự nghiệp dẹp yên giặc Ngô đã hoàn thành. Bài cáo được ban bố vào đầu năm 1428, đây cũng là thời gian Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Lê sơ.
Tác phẩm Bình Ngô đại cáo được xem như một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta, bài cáo ca ngợi tinh thần độc lập tự cường, lòng tự hào dân tộc trước thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc. Đoan trích Nước Đại Việt ta nằm trong phần đầu của tác phẩm Bình Ngô đại cáo. Trong phần này, Nguyễn Trãi đã nêu cao tư tưởng nhân dân, đồng thời ca ngợi nền văn hiến lâu đời của dân tộc ta. Coi nhân nghĩa là cốt cách và là mục tiêu của dân tộc. Yên dân, điếu phạt, trừ bạo là cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa, tất cả đều vì con người và cho con người, vì nhân dân đang bị áp bức lầm than. Thương dân, trừng phạt kẻ có tội, tiêu diệt kẻ tham tàn, cứu nhân dân thoát khỏi đau thương, đem lại cuộc sống yên vui. Nhân dân đã lấy nhân nghĩa để xây dựng và phát triển nền văn hiến lâu đời. Nhân nghĩa là lo cho dân, vì dân, là yêu nước, chống quân xâm lược là ngăn chặn mọi thế lực có thể làm hại đến dân, cho nhân dân hưởng thái bình, hạnh phúc. Đó là nền văn hiến đã trải qua các triều đại và được khẳng định một cách chắc chắn là nó đủ ngang tầm với các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Tác giả đã dẫn chứng nhiều chi tiết khẳng định nước ta cũng là một thực thể độc lập và ngang hàng với phong kiến phương Bắc. Đó là nền văn hiến lâu đời, có nền độc lập trải qua các triều đại, có nhân tài hào kiệt. Tác giả nhắc lại những chiến tích trong lịch sử để cảnh báo quân thù, đồng thời khẳng định sức mạnh và truyền thống bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Giọng văn trong bài cáo hùng hồn, đĩnh đạc, lí lẽ sắc bén, cách diễn đạt sóng đôi, cân xứng của lối văn biền ngẫu đã khẳng định và ca ngợi tầm vóc lớn lao của Đại Việt, biểu hiện một ý chí tự cường cao độ. Phần đầu của văn bản đã góp phần thể hiện giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bản tuyên ngôn độc lập, áng thiên cổ hùng văn của dân tộc. Đọc xong tác phẩm Nước Đại Việt ta, thế hệ chúng ta càng thêm niềm tự hào dân tộc, tiếp bước cha anh, cần cố gắng giữ gìn bảo vệ đất nước, cố gắng khẳng định bản thân để giúp đất nước trên đấu trường quốc tế sánh vai với bạn bè năm châu.
THAM KHẢO THÊM: