Đối với pháp luật đất đai hiện hành, bản đồ địa chính đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với cơ quan nhà nước quản lý về đất đai và cả người sử dụng đất. Vậy theo pháp luật hiện hành trích lục bản đồ địa chính là gì? Muốn trích lục thì cần phải làm thủ tục gì? Ở đâu?
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm trích lục thửa đất, bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính:
- 2 2. Giá trị pháp lý của trích lục bản đồ địa chính:
- 3 3. Các trường hợp cần trích lục bản đồ địa chính:
- 4 4. Thẩm quyền trích lục bản đồ địa chính:
- 5 5. Thủ tục xin cấp trích lục thửa đất:
- 6 6. Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định:
- 7 7. Những trường hợp không cung cấp dữ liệu trích lục thửa đất:
1. Khái niệm trích lục thửa đất, bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính:
Căn cứ vào Khoản 4 Điều 3 Luật đất đai 2013 giải thích từ ngữ bản đồ địa chính như sau
“4. Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.”
Khoản 1 Điều 3 Thông Tư 24/2014/TT-BTNMT quy định. Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trích lục thửa đất hay trích đo thực địa là việc sao chép và thể hiện lại thông tin của một thửa đất. Cung cấp thông tin về hình dáng, diện tích, vị trí của thửa đất nhằm giúp người sử dụng đất thực hiện các quyền về đất đai như tặng cho, mua bán, thừa kế đất đai,… Bên cạnh đó trích lục thửa đất cũng giúp nhà nước thuận tiện hơn trong quá trình quản lý đất đai, trong tiến hành các thủ tục thu hồi đất; giao đất; cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất.
Nếu như trích lục thửa đất chỉ thể hiện thông tin của một thửa đất nhất định, thì trích lục bản đồ địa bao gồm thông tin của một thửa đất và một khu vực đất. Trích lục thửa đất là bản can vẽ trên giấy hoặc trên bản đồ kỹ thuật số mô tả chính xác ranh giới, phạm vi một khu vực đất nhất định nào đó lên bản đồ địa chính.
2. Giá trị pháp lý của trích lục bản đồ địa chính:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Thông Tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về giá trị pháp lý của Hồ sơ địa chính
“Điều 7. Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính
1. Hồ sơ địa chính làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.”
Như vậy, khác với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay một số giấy tờ khác liên quan đến đất đai, trích lục bản đồ địa chính không được coi là một văn bản pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất. Trích lục bản đồ địa chính chỉ là cơ sở cung cấp các thông tin, đặc điểm về một thửa đất hoặc một khu vực đất nhất định.
3. Các trường hợp cần trích lục bản đồ địa chính:
Đã gọi là cuốn “sổ đỏ” thì bạn có thể thấy tầm quan trọng của nó như thế nào đối với mỗi gia đình trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Luật đất đai. Sau đây là một số trường hợp cần trích lục bản đồ địa chính được Luật Dương Gia tổng hợp:
+ Đăng kí cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất do bị mất: Theo Khoản 3 Điều 77
+ Dựa vào Khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định thì khi muốn thay đổi mục đích sử dụng đất cần lên UBND huyện hoặc tỉnh để làm hồ sơ xin cấp phép
+ Như chúng ta đã nói ở trên, bản đồ địa chính là cơ sở pháp lý để các cơ quan thẩm quyển giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Khi giải quyết tranh chấp đất đai, trích lục bản đồ địa chính là căn cứ quan trọng để xác định một cách rõ ràng, chính xác nhất ranh giới, diện tích đất. Cơ quan quản lý đất đai sẽ tiến hành so sánh diện tích đất và ranh giới đất của mỗi hộ trên trích lục bản đồ địa chính và trên thực tế. Khi đó sẽ giải quyết được tranh chấp xảy ra giữa các hộ trên cùng một khu đất. Vì vậy, trong quá trình sử dụng đất xảy ra sự tranh chấp đất có đơn trình lên UBND xã. Nếu cấp xã không hòa giải được thì đến cấp huyện, tỉnh vấn đề tranh chấp sẽ được mổ xẻ phân tích dựa trên trích lục bản đồ.
+ Thực hiện các quyền của người sử dụng đất khi sử dụng đất đai, vấn đề chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế,… liên quan đến phòng Dân sự thì một trong những giấy tờ quan trọng nằm trong thủ tục tiến hành giải quyết đó là bản đồ địa chính. Trích lục bản đồ cho biết diện tích, hình dáng, vị trí,.. của thửa đất mà mình giao dịch vì vậy giúp cho quá trình điều tra tiến hành giao dịch nhanh chóng, chính xác.
+ Ranh giới đất bị mờ hoặc bị mất
Ở những vùng trung du và miền núi, sau thời gian dài sử dụng, đường phân giới hạn giữa các thửa đất có thể bị mờ hoặc bị mất. Khi đó, cơ quan nhà nước quản lý về đất đai sẽ thông qua trích lục bản đồ địa chính để xác định được giới hạn từng thửa đất, nhiều trường hợp còn dùng để xác định tính chất đất. Từ đó có thể xác định được lại mốc ranh giới.
4. Thẩm quyền trích lục bản đồ địa chính:
– Theo Khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP: “Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”
– Tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của
Như vậy để trích sao hồ sơ địa chính, trích đo địa chính, trích lục bản đồ địa chính bạn cần nộp hồ sơ cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất UBND quận, huyện nơi có đất.
5. Thủ tục xin cấp trích lục thửa đất:
Bước 1: Nộp hồ sơ xin trích lục thửa đất trích đo thửa đất
Nơi nộp hồ sơ: chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở huyện đối với hộ gia đình, cá nhân; văn phòng đăng ký đất đai với tổ chức. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai (nếu yêu cầu trích lục địa chính, cung cấp dữ liệu đất đai) do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp theo mẫu 01/PYC ban hành kèm theo
Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ;
Căn cứ vào Điều 12 Thông tư 34/2014/TT – BTNMT quy định trình tự, thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai:
“1. Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
a) Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
b) Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
c) Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.”
- Hợp đồng/văn bản yêu cầu về trích đo địa chính thửa đất, khu đất (nếu yêu cầu trích đo) do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp theo mẫu thống nhất;
- Giấy tờ về sử dụng đất và các giấy tờ liên quan về sử dụng đất (bản sao);
- Giấy tờ chứng minh nhân thân: chứng minh thư, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn hạn.
Bước 2: Kiểm tra và thẩm định hồ sơ xin trích lục thửa đất trích đo thửa đất tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
Bước 3: Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả xin trích lục thửa đất trích đo thửa đất.
Các nghĩa vụ tài chính phải hoàn thành gồm: Lệ phí trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính. theo quy định riêng của từng Ủy ban nhân tỉnh theo quy định pháp luật.
Thời hạn thực hiện thủ tục xin trích lục thửa đất trích đo thửa đất: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết.
6. Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định:
Căn cứ vào Khoản 4 Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai như sau
a) Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;
b) Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.
7. Những trường hợp không cung cấp dữ liệu trích lục thửa đất:
Quy định trong Điều 13 Thông tư 34/2014/NĐ-CP về những trường hợp không cung cấp dữ liệu trích lục thửa đất như sau :
1. Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định.
2. Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.
3. Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.
4. Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
- Luật đất đai 2013;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
- Thông Tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Thông Tư 34/2014/TT-BTNMT;
- Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.