Trật tự công cộng được sử dụng khá phổ biến trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Vậy trật tự công cộng là gì? Trật tự công cộng trong tư pháp quốc tế?
Mục lục bài viết
1. Trật tự công cộng là gì?
Thuật ngữ “Trật tự công” (Public policy) hay (public order) là một thuật ngữ pháp lý có nội hàm khá là trừu tượng, phức tạp. Nhưng thuật ngữ này lại được sử dụng khá phổ biến ở trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Theo nghĩa chung nhất thì trật tự công được hiểu là tình trạng xã hội của một quốc gia trong một thời điểm xác định mà hoà bình, được ổn định và an toàn công cộng không bị xáo trộn.Thực tế cho thấy, các lợi ích của các quốc gia và đường lối, chiến lược phát triển không giống nhau trong việc bảo vệ các giá trị nền tảng của mình nên khái niệm “trật tự công cộng” mang đậm màu sắc dân tộc của chính quốc gia đó. Tuy nhiên, vấn đề trật tự công cộng của quốc gia luôn có tính chất ổn định, bền vững nhưng mặt khác thì nó cũng không phải là bất biến. Nói một cách khác, khái niệm này có thể thay đổi theo thời gian, trong từng giai đoạn cho thích hợp.
Dưới góc độ pháp lý, nội dung khái niệm cũng thay đổi trong mỗi lĩnh vực khác nhau.Trong lĩnh vực luật tư thì khái niệm trật tự công cộng được sử dụng phổ biến theo nghĩa là các chuẩn mực mang tính mệnh lệnh mà những chủ thể không thể vi phạm bằng hành vi hoặc thoả thuận khác. Đó chính là những giá trị, chuẩn mực hết sức trừu tượng và không thể được qui định một cách thật rõ ràng, những giá trị này luôn được bảo vệ nhằm đáp ứng tổng thể những yêu cầu căn bản về chính trị, xã hội, kinh tế của quốc gia, nó có chức năng cơ bản nhằm để duy trì sự ổn định xã hội, đạo đức và thuần phong mỹ tục, hoặc nhằm bảo vệ những lợi ích căn bản của công dân
Trong lĩnh vực luật dân sự các nước, khái niệm “trật tự công cộng” dùng để chỉ các quy phạm mang tính mệnh lệnh, điều chỉnh những quan hệ xã hội vì lý do trật tự và đạo đức xã hội. Có thể hiểu những quy định thuộc điều cấm của pháp luật như một loại quy phạm có tính chất mệnh lệnh của quốc gia. Đây chính là loại qui định luôn được áp dụng trong mọi quan hệ pháp luật dân sự trong nước và các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, nhằm bảo vệ trật tự công của quốc gia cũng như các giá trị đạo đức xã hội.
Như vậy, có thể hiểu trật tự công cộng là tình trạng xã hội của một quốc gia ở trong một thời điểm xác định mà hòa bình ổn định và an toàn công cộng không bị xáo trộn.
2. Trật tự công cộng trong tư pháp quốc tế:
Trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, khái niệm “Bảo lưu trật tự công cộng” có ý nghĩa hoàn toàn khác so với những phân tích về trật tự công cộng đã nêu ở mục trên. Vấn đề bảo lưu trật tự công cộng được sử dụng khi cơ quan có thẩm quyền sử dụng những quy phạm xung đột của quốc gia dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài, nhưng không áp dụng về hệ thống pháp luật nước ngoài đó (mà trên thực tế đáng lẽ sẽ được áp dụng), hoặc là không thừa nhận hiệu lực phán quyết của toà án nước ngoài, do phán quyết đó sẽ làm phát sinh một tình thế trái với các nguyên tắc pháp lý cơ bản của pháp luật của mình hoặc là nếu xét thấy việc áp dụng pháp luật nước ngoài là vi phạm những quy định có tính chất thiết lập nền tảng chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội của quốc gia mình, nhằm để bảo vệ trật tự công quốc gia.
Ví dụ, khi đăng ký kết hôn giữa một nữ công dân Việt Nam (A) và một nam công dân nước B. Nước B là một quốc gia hồi giáo, mà theo pháp luật của nước B này còn công nhận chế độ hôn nhân đa thê. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ áp dụng Điều 122 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để xác định hệ thống pháp luật sẽ được áp dụng để xem xét điều kiện kết hôn cho các bên. Mà theo đó, tại khoản 1 Điều 122 của Luật Hôn nhân và gia đình, có quy định các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên có các quy định khác với quy định của Luật này thì sẽ áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó. Giả định công dân B đã đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật nước B kể cả là việc công nhận anh B có quyền kết hôn đa thê. Trong tình huống này nếu như áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sẽ dẫn đến hậu quả là cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng hệ thống pháp luật nước ngoài có các nội dung vi phạm về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, bởi vì về nguyên tắc, pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam sẽ chỉ công nhận chế độ hôn nhân tiến bộ, một vợ một chồng. Do vậy, trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoàn toàn có thể từ chối không áp dụng pháp luật nước ngoài đó nhằm để bảo vệ trật tự công cộng của Việt Nam, bởi tại khoản 2 Điều 122 của Luật Hôn nhân và gia đình có quy định trong trường hợp Luật này, những văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng quy định pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu như việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Lưu ý rằng trật tự công cộng trong tư pháp quốc tế và những khái niệm trật tự công quốc tế (international public policy) và trật tự công quốc gia (domestic public policy) là hoàn toàn khác nhau.
3. Nguyên nhân dẫn đến việc bảo lưu trật tự công trong tư pháp quốc tế:
Như đã nêu ở mục trên, vấn đề bảo lưu trật tự công được sử dụng khi cơ quan có thẩm quyền sử dụng các quy phạm xung đột của quốc gia dẫn chiếu đến các quy định pháp luật nước ngoài, nhưng không áp dụng hệ thống pháp luật nước ngoài đó. Có thể hiểu xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế). Xung đột pháp luật không được hiểu là sư xung khắc hay sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, đó là một hiện tượng riêng có, hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế, sẽ xuất hiệ khi có hai hệ thống pháp luật hoặc nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế.
Nguyên nhân dẫn đến việc bảo lưu trật tự công cộng trong tư pháp quốc tế cụ thể như sau:
3.1. Nguyên nhân khách quan:
– Do pháp luật của các nước khác nhau: pháp luật do nhà nước xây dựng nên, phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội,… của nước mình. Vì vậy, có rất nhiều yếu tố làm cho pháp luật của các nước trên thế giới không giống nhau. Ví dụ, do nguyên nhân chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước,…
– Do đối tượng điều chỉnh có sự hiện diện của yếu tố nước ngoài: các quan hệ mà tư pháp quốc tế điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, các quan hệ này luôn liên quan tới ít nhất là hai hoặc có thể là nhiều hơn hai hệ thống pháp luật.
3.2. Nguyên nhân chủ quan:
Thực tế, có những quan hệ pháp luật nảy sinh, mặc dù hệ thống pháp luật của các nước là khác nhau, cũng có sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài tức là thỏa mãn hai điều kiện của nguyên nhân khách quan nêu trên, nhưng vẫn không có xung đột pháp luật. Ví dụ, đó là các quan hệ trong lĩnh vực luật công, điển hình là các quan hệ hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài. Các quan hệ hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài dù có đủ các nguyên nhân khách quan nhưng vẫn không có xung đột pháp luật. Việc không có xung đột pháp luật trong các lĩnh vực này xuất phát từ việc thiếu nguyên nhân chủ quan hay các quốc gia tự nhận thấy không thể chấp nhận hiện tượng xung đột pháp luật, tức là các quốc gia từ chối việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực đó.
Trong khi đó các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát sinh sẽ phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật. Do bản chất của các quan hệ này là các quan hệ dân sự, các quan hệ đời thường diễn ra hàng ngày giữa người dân với nhau, họ là các chủ thể ngang quyền và bình đẳng với nhau. Chính yếu tố bình đẳng trong các quan hệ này là cơ sở để có thể đặt ra vấn đề bình đẳng trong luật pháp giữa các nước.