Hiện nay trên thế giới, hoạt động tranh tụng được chia thành hai hệ thống tố tụng chính là hệ thống tố tụng thẩm vấn – chủ yếu tồn tại trong hệ thống dân luật (như Cộng hoà Pháp) và hệ thống đối tụng – chủ yếu tồn tại trong hệ thống án lệ (tiêu biểu như Anh, Mỹ).
Hiện nay trên thế giới, hoạt động tranh tụng được chia thành hai hệ thống tố tụng chính là hệ thống tố tụng thẩm vấn (inquisitorial system) – chủ yếu tồn tại trong hệ thống dân luật và hệ thống đối tụng (adversary system) – chủ yếu tồn tại trong hệ thống án lệ. Cụm từ “adversary system” được nhiều tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam dịch là “hệ thống tranh tụng” hay “thủ tục tranh tụng”. Điển hình của hệ thống tố tụng tranh tụng là các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ, điển hình của hệ thống tố tụng thẩm vấn là các nước theo mô hình luật lục địa, tiêu biểu là Cộng hòa Pháp. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, tôi không đi sâu vào nguồn gốc mà chỉ bàn luận đến đặc điểm cơ bản của hai hệ thống này trong hoạt động xét xử vụ án hình sự nói chung ở các nước Anh, Mỹ và Pháp.
Mục lục bài viết
1. Hệ thống tố tụng thẩm vấn ở Cộng hòa Pháp:
Trong xét xử vụ án Hình sự ở Pháp tồn tại chế định Bồi thẩm đoàn, chế định này dựa trên nguyên tắc xét xử tập thể tuyệt đối được bảo đảm giữa Bồi thẩm và Thẩm phán chuyên nghiệp, có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp và Bồi thẩm cùng tham gia xét xử về tất cả các vấn đề về pháp luật cũng như mức phạt. Nguyên tắc này được bảo đảm thực hiện như sau: Sau khi khai mạc phiên tòa, Viện lục sự đọc bản luận tội. Trước tiên Chủ tọa phiên tòa hỏi Bị cáo về căn cước của họ nhằm xác định đúng người được xét xử tại phiên tòa và sau đó sẽ đề cập đến nội dung của hồ sơ. Trong chừng mực nào đó, Chủ tọa phiên tòa phải tiến hành thẩm tra lại vụ việc bằng cách đặt câu hỏi cho Bị cáo, lấy lời khai nhân chứng và có thể cho đối chất. Luật sư của Bị cáo bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa. Các bên đều có quyền hỏi tất cả nhân chứng của vụ án, được trình bày cách lập luận của mình một cách bình đẳng trước Tòa án. Các Thẩm phán thành viên Hội đồng xét xử và Bồi thẩm có thể hỏi Bị cáo và Người làm chứng sau khi được Chủ tọa phiên tòa cho phép. Sau khi kết thúc thẩm vấn tại phiên tòa, Nguyên đơn dân sự hay Luật sư của Nguyên đơn dân sự được trình bày. Tiếp theo Công tố viên nêu rõ lập luận, lý do truy tố Bị cáo và nhân danh xã hội đề nghị mức hình phạt đối với Bị cáo, Luật sư của Bị cáo có quyền bào chữa, tranh luận chống lại Cáo trạng đã truy tố Bị cáo. Thời gian biện hộ của Luật sư không hạn chế, Nguyên đơn dân sự và Công tố viên được quyền đáp lại nhưng Bị cáo hay Luật sư của Bị cáo luôn được nói sau cùng. Ở Pháp tuy không có sự phân chia quyền lực giữa Bồi thẩm và Thẩm phán nhưng trong tranh tụng Chủ tọa phiên tòa có toàn quyền trong việc áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xác định sự thật với điều kiện không được biểu lộ ý kiến của mình về tội trạng của bị cáo, không được tóm tắt lý do buộc tội hay bào chữa.
Thẩm phán chuyên nghiệp và Bồi thẩm cùng tham gia xét xử, cùng quyết định các vấn đề về pháp luật cũng như hình phạt. Bản án mà Tòa sẽ tuyên dựa hoàn toàn vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
* Ưu điểm của hệ thống tố tụng thẩm vấn
– Đề cao vai trò chủ động của Thẩm phán trong suốt quá trình tố tụng. Thẩm phán không chỉ thể hiện quyền năng tại phiên tòa hay giai đoạn xét xử mà còn có quyền và nghĩa vụ tham gia tích cực trong quá trình điều tra, thẩm tra chứng cứ. Điều này khẳng định việc tham gia trực tiếp của Thẩm phán trong tố tụng thẩm vấn có ý nghĩa quan trọng, tích cực, người Thẩm phán là trung tâm của quá trình thu thập dữ kiện trong hệ thống thẩm vấn, quyết định của Thẩm phán là quyết định quan trọng.
– Đề cao vai trò của cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt ở giai đoạn điều tra cho nên việc điều tra, thẩm tra chứng cứ trong các vụ án được yêu cầu khắt khe và kỹ lưỡng, bảo đảm sự chính xác, khách quan trong việc xác định sự thật của vụ án và xác định chính xác kẻ phạm tội.
– Phiên tòa trong tố tụng thẩm vấn gồm hai Thẩm phán: một là Thẩm tra viên, một là Thẩm phán có quyền quyết định vụ việc. Phần lớn nhiệm vụ thẩm vấn để bổ sung, làm rõ, đánh giá chứng cứ vụ án thuộc về Thẩm phán. Các câu hỏi chủ yếu đối với các nhân chứng và các bên liên quan là do Thẩm phán đặt câu hỏi và phát triển sự kiện theo hướng làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Các Luật sư chủ yếu chỉ tranh luận để giải thích về các chứng cứ liên quan đến vụ án mà có thể các chứng cứ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đưa ra phán quyết của Thẩm phán.
* Nhược điểm của hệ thống tố tụng thẩm vấn
Hệ thống tố tụng thẩm vấn được cho là không tôn trọng đầy đủ quyền của các bên đương sự bởi vì họ không có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ. Vì chứng cứ là do Thẩm phán điều tra tập hợp nên có thể nói tố tụng thẩm vấn đi ngược lại nguyên tắc vô tư khách quan và cho rằng đôi khi Thẩm phán đã có sẵn trong quyết định xét xử trước khi diễn ra giai đoạn xét xử. Nếu xét dưới góc độ đó thì việc tranh luận tại phiên tòa trở nên vô nghĩa.
2. Hệ thống tố tụng tranh tụng ở các nước Anh, Mỹ:
Tố tụng tranh tụng ở Vương quốc Anh: Theo quy định trong hoạt động tranh tụng luôn có sự phân công rõ ràng quyền hạn giữa cảnh sát và Công tố viên. Cảnh sát có nhiệm vụ điều tra, thu thập chứng cứ. Khi bắt người, Cảnh sát phải nói với người bị bắt là họ có thể thuê Luật sư đại diện cho mình. Các thông tin có được trong quá trình điều tra hình sự và có thể liên quan đến việc điều tra được ghi lại và bất kỳ bản ghi nào cũng được lưu lại. Bị can được giao một bản thông tin mà cảnh sát có được khi có yêu cầu được tiết lộ của Bộ can. Công tố viên không có quyền can thiệp vào hoạt động điều tra của Cảnh sát. Nhiệm vụ chủ yếu của Công tố viên là truy tố bị can ra trước tòa. Công tố viên phải tiết lộ cho Bị can biết bất kỳ tài liệu nào mà theo quan điểm của Công tố viên là có thể giảm nhẹ việc truy tố bị can và cho phép Bị can thẩm tra tài liệu mà theo kiến nghị của Công tố viên là không có lợi ích công trong việc tiết lộ. Khi Bị can được tống đạt bản sao Cáo trạng và bản sao Cáo trạng và bản sao bộ tài liệu chứa đựng chứng cứ làm cơ sở cho việc buộc tội, Bị can phải đưa ra lời bào chữa bằng văn bản cho Tòa án và Công tố viên với các nội dung, lý do đối đáp với bên công tố và các thông tin cụ thể hỗ trợ cho lời bào chữa. Khi Bị can đưa ra lời bào chữa, Công tố viên hoặc Tòa án sẽ ra lệnh để Công tố viên tiếp tục phải tiết lộ cho Bị can bất kỳ tài liệu truy tố nào mà trước đó chưa tiết lộ cho Bị can. Trong trường hợp việc tiết lộ không có lợi ích công thì Tòa án sẽ ra lệnh không tiết lộ. Tại phiên tòa, Công tố viên là một trong những bên tranh tụng, thực hiện chức năng buộc tội, khi Thẩm phán Tòa án Hoàng gia thấy rằng vụ án phức tạp thì trước khi Bồi thẩm đoàn tuyên thệ Thẩm phán có quyền ra lệnh tiến hành xét hỏi sơ bộ, Quyết định truy tố phải được đưa ra tại lúc bắt đầu xét hỏi. Thẩm phán có thể hoãn việc xét hỏi sơ bộ nhiều lần. Thẩm phán có thể ra lệnh cho Công tố viên chuẩn bị chứng cứ truy tố và bất kỳ tài liệu nào mà Thẩm phán thấy có ích cho sự hiểu biết của Bồi thẩm đoàn, cũng như có quyền ra lệnh cho Bị can gửi cho Tòa án và Công tố viên lời bào chữa và các vấn đề Bị can dựa vào đó để tranh luận với bên truy tố. Tại phiên tòa xét hỏi trước khi xét xử, Thẩm phán đã có thể ra phán quyết về việc chấp nhận chứng cứ. Khi xét xử, Công tố viên trình bày các nội dung, tình tiết của vụ án cho Tòa nghe. Luật sư bào chữa với nhiệm vụ xuất hiện trước Tòa, thực hiện chức năng bào chữa. Bất kỳ bên nào cũng có thể làm khác với những gì được tiết lộ trước đó và Bồi thẩm đoàn có thể rút ra kết luận. Việc tiến hành tố tụng về nguyên tắc là trách nhiệm chính của các bên buộc tội và bào chữa. Bồi thẩm đoàn xem xét và phán quyết xem Bị cáo có phạm tội hay không. Vai trò chính của Thẩm phán trong xét xử là bảo đảm có sự tuân thủ các thủ tục tố tụng, Thẩm phán có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến luật và giải thích luật. Sau khi đoàn Bồi thẩm quyết định rằng Bị cáo phạm tội thì Thẩm phán xem xét và quyết định mức hình phạt đối với Bị cáo.
Những người tham gia tố tụng đều phải ra trước Tòa. Theo pháp luật tố tụng hình sự Vương quốc Anh, nhân chứng là trẻ em không được đưa ra chứng cứ liên quan ngoài phương diện ghi hình. Tuy nhiên Tòa án có thể cho phép điều này thấy rằng việc đó có lợi cho công lý.
Để bảo đảm tranh tụng được thực hiện, Tòa án Hoàng Gia có quyền triệu tập nhân chứng. Nếu nhân chứng không có đơn vô hiệu hóa lệnh triệu tập với lý do là họ không thể đưa ra chứng cứ quan trọng và không có chỉ thị của Tòa án rằng lệnh triệu tập đó không còn hiệu lực mà nhân chứng không có mặt theo lệnh thì luật tố tụng hình sự Vương quốc Anh quy định rằng họ phạm tội khinh thường Tòa án và có thể bị Tòa án trừng phạt theo thủ tục rút gọn.
Tất cả các phán quyết, kể cả phán quyết khi hỏi sơ bộ của Tòa án đều có thể bị kháng cáo, Bồi thẩm đoàn chỉ tuyên thệ sau khi kháng cáo được quyết định hoặc bãi bỏ.
Tố tụng tranh tụng ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Thực tiễn hoạt động của hệ thống tranh tụng tại Tòa án Hoa Kỳ là sự tìm kiếm chân lý trong việc bảo vệ quyền cá nhân của người bị buộc tội. Hệ thống tranh tụng ở Hoa Kỳ đòi hỏi người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi chứng minh được là họ có tội. Vì vậy, tội phạm cần phải được chứng minh và loại trừ mọi nghi ngờ có thể. Như vậy, vai trò của Chính phủ là phải bảo đảm công lý chứ không đơn thuần là tìm mọi cách kết tội Bị can, bị cáo, Luật sư của Chính phủ cần phải công bằng đối với cả những người đứng ra buộc tội và những người bị buộc tội. Việc truy tố phải được tiến hành tại phiên tòa công khai. Sau khi phiên tòa chính thức bắt đầu, Luật sư của Chính phủ sẽ đưa ra bằng chứng và nhân chứng để làm rõ việc kết tội của mình. Tòa án có thể dừng tố tụng để cho phép một bên có thời gian kiểm tra lời khai và chuẩn bị để sử dụng. Luật sư bào chữa có thể phản đối việc áp dụng những vật chứng và nếu được chấp nhận thì sẽ loại những vật chứng khỏi diện được xem xét. Ngược lại, nếu phản đối của Luật sư bào chữa không được chấp nhận thì vật chứng của Luật sư Chính phủ đưa ra sẽ được xác định chủng loại và chính thức đưa vào hồ sơ vụ án. Luật sư bào chữa có quyền chất vấn những chứng cứ từ phía buộc tội và có thể đưa ra bác bỏ những chứng cứ này với lý lẽ của mình. Bên buộc tội cũng có thể chất vấn những nhân chứng từ phía bào chữa và đưa ra những lý lẽ, chứng cứ để bác bỏ chúng. Sự khác biệt giữa đưa lý lẽ từ phía buộc tội và Luật sư bào chữa là: Luật sư bào chữa không bị pháp luật yêu cầu đưa ra bất kỳ chứng cứ nào mới, bổ sung vật chứng hay nhân chứng nào. Việc bào chữa có thể thực hiện theo cách chất vấn độ tin cậy hay tính hợp pháp những chứng cứ của Chính phủ đưa ra để buộc tội. Vì vậy, quá trình xét xử vụ án Hình sự đòi hỏi đáp ứng các nguyên tắc sau: Luật sư Chính phủ phải chứng minh tội phạm và loại trừ mọi nghi ngờ về việc thực hiện hành vi phạm tội của Bị cáo; nguyên tắc thẩm vấn nhân chứng trước phiên tòa, các bên đều có quyền yêu cầu nhân chứng và người giám định tham dự phiên tòa khai và đối chất với họ. Việc tranh luận tại phiên tòa được khép lại theo trình tự: Luật sư Chính phủ tranh luận – bên bào chữa tranh luận và Luật sư Chính phủ tranh luận lại. Tại phiên tòa, Thẩm phán cần phải trung lập nhưng phải bảo vệ các quyền của Bị cáo. Trong khi hai bên buộc tội và gỡ tội thực hiện thủ tục tranh tụng, Thẩm phán đóng vai trò trung gian với công việc đầu tiên là theo dõi phiên tòa, sau đó là xem xét các đơn đề nghị của các bên liên quan đến các dạng chứng cứ và các câu hỏi được đặt ra cho nhân chứng. Thẩm phán phải duy trì trật tự tại phiên tòa. Do truyền thống của các Tòa án Hoa Kỳ, Bồi thẩm đoàn không được phép đặt câu hỏi cho các nhân chứng hay Thẩm phán và cũng không được ghi chép gì về vụ án. Các bên đều có quyền yêu cầu bằng văn bản những nội dung cụ thể về luật pháp để Tòa án hướng dẫn cho Bồi thẩm đoàn và có quyền phản đối những nội dung trong hướng dẫn hoặc phản đối việc hướng dẫn không theo yêu cầu của mình. Bản án của Bồi thẩm đoàn sẽ tuyên về phần tội danh đối với Bị cáo. Nếu Bồi thẩm đoàn không đưa ra được phán quyết thống nhất, họ vẫn được yêu cầu nỗ lực để đạt được phán quyết, nhưng trong trường hợp không đưa ra được quyết định thì Thẩm phán có thể giải tán Bồi thẩm đoàn và triệu tập một phiên tòa xét xử mới. Nếu Bồi thẩm đoàn phán quyết là Bị cáo có tội thì giai đoạn kết án và quyết định hình phạt sẽ bắt đầu. Tòa án phải có báo cáo trước khi quyết định hình phạt về tiền án, tiền sự, khung hình phạt, án phí, ... Bị cáo và Luật sư của Bị cáo có quyền đọc báo cáo và có thể được chấp nhận phản đối báo cáo. Trước khi quyết định hình phạt, Tòa án phải gặp gỡ riêng Bị cáo để Bị cáo trình bày tình tiết giảm nhẹ; cho Luật sư của Bị cáo, nạn nhân cũng như Luật sư của
Chính phủ cơ hội được phát biểu. Sau khi kết án, Tòa án phải tư vấn cho Bị cáo biết quyền kháng cáo.
Ưu điểm:
– Bảo đảm quyền tranh tụng trước tòa cho cả bên buộc tội (đại diện của Nhà nước) và phía gỡ tội (các Luật sư bào chữa) một cách bình đẳng, khách quan, không bên nào được lấn át hay áp đặt nhận thức đối với bên kia về quan điểm mà mình đưa ra. Thẩm phán giữ vai trò trọng tài, điều khiển cuộc tranh tụng, bảo đảm cho các bên có đầy đủ điều kiện và quyền hạn tranh tụng như nhau, buộc bên bị phản đối phải chấm dứt việc đưa ra các quan điểm suy diễn, áp đặt nếu sự phản đối của bên kia là có căn cứ, đồng thời ngăn chặn những phản đối không có căn cứ.
– Sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định tính chính xác, có căn cứ của chứng cứ. Các bên (buộc tội và gỡ tội) đều có quyền thẩm vấn các nhân chứng để kiểm tra tính trung thực trong lời khai của họ, kiểm tra tính xác thực, logic và có căn cứ về những chứng cứ mà họ đã khai, nhằm bảo đảm rằng lời khai của nhân chứng là cái họ đã nhìn thấy, chứng kiến cụ thể chứ không phải do họ suy diễn hoặc nghĩ rằng sẽ diễn ra như vậy.
– Đề cao tính trung lập của Tòa án, trong hệ thống tố tụng tranh tụng, Thẩm phán bồi thẩm đoàn chỉ đưa ra kết luận cuối cùng và đứng ngoài mọi tranh luận và họ cũng bị cấm tham gia vào các thủ tục thu thập chứng cứ hay thuyết phục các bên có các thao tác hòa giải với nhau. Trách nhiệm trình bày chứng cứ thuộc về các bên. Lý luận của mô hình tranh tụng đòi hỏi rằng các bên phải có trách nhiệm đưa chứng cứ ra trước Tòa. Nguyên tắc này bảo đảm cho Tòa án thoát khỏi mọi ảnh hưởng hay định kiến – nếu tham gia vào việc thu thập chứng cứ. Điều này cũng khuyến khích các bên phải tận dụng hết mọi cơ hội hay khả năng để tìm tòi, đưa ra những chứng cứ thuyết phục nhất và qua đó Thẩm phán có điều kiện để suy xét, đưa ra phán quyết thích hợp nhất.
– Chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật được giao cho Tòa án. Với vị trí trung tâm của hệ thống tư pháp, của hoạt động tố tụng, Tòa án có quyền và có trách nhiệm bảo đảm cho các bên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
Nhược điểm:
– Tố tụng tranh tụng bị phê phán là xa rời thực tế, một số ý kiến cho rằng, trong mô hình tố tụng tranh tụng, bên nào có nhiều tiền thuê Luật sư thì sẽ có nhiều cơ hội giành thắng lợi hơn. Vì vậy tố tụng tranh tụng chỉ cho phép tìm ra một phần sự thật mà không phải là tất cả.
– Thủ tục trong tranh tụng rất phức tạp. Mọi vấn đề lẽ ra phải được thực hiện trong cả một quá trình điều tra lại chỉ được trình bày trong phiên xét xử và khi phiên tòa xét xử diễn ra thì chưa có gì thực sự được khẳng định chắc chắn.
– Chi phí mở phiên tòa khá cao, thời gian xét xử thường kéo dài, thành viên bồi thẩm đoàn có thể bị ảnh hưởng quá mức bởi thông tin đại chúng liên quan đến vụ việc và khó có thể xác định ngay được thiệt hại cũng như phân tích những chứng cứ phức tạp tại phiên tòa; Bồi thẩm đoàn không có trách nhiệm đưa ra lý do đối với các quyết định của họ.
Mặc dù có những điểm khác nhau thậm chí là trái ngược nhau, cả hai hệ thống đều có một đặc điểm chung là nhà nước độc quyền trong việc xác định có hay không có một vụ việc phạm tội và quyết định hình phạt với một mục đích cơ bản và chủ yếu là ngăn ngừa việc trả thù cá nhân.
Tóm lại, mỗi mô hình tố tụng có những mặt hạn chế, mặt tích cực, những điểm bất cập tương đồng. Áp dụng mô hình tố tụng nào là phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống pháp luật của từng nước. Tuy nhiên việc hiểu rõ những mặt tích cực và hạn chế của mỗi mô hình luôn tạo ra sự chủ động tích cực trong quyết định lựa chọn của mỗi quốc gia.
Có thể nói mặc dù được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau song hoạt động tranh tụng (hay thủ tục tố tụng, giai đoạn tố tụng, mô hình tố tụng...) luôn tồn tại bên buộc tội và bên gỡ tội có chức năng đối kháng, phủ định lẫn nhau, đây là một trong những phương pháp hữu hiệu để tìm ra sự thật của vụ án. Việc ghi nhận và áp dụng nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng Hình sự ở nước ta là một yêu cầu mang tính tất yếu trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đây cũng là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách Tư pháp của nước ta từ nay đến năm 2020 nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một nền Tư pháp dân chủ, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước và xã hội.