Để xác định sự thật khách quan của vụ án, phiên tòa phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng: tham gia vào quá trình tranh tụng đều phải có ba chủ thể của quan hệ tranh tụng, các bên buộc tội và gỡ tội phải có trình độ năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ càng,...
Mục lục bài viết
1. Điều kiện bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa trong xét xử vụ án hình sự:
Để xác định sự thật khách quan của vụ án thì phiên tòa phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, như vậy thì cần phải có những cơ chế, điều kiện nhất định để thực hiện:
Thứ nhất, tham gia vào quá trình tranh tụng đều phải có ba chủ thể của quan hệ tranh tụng. Một bên là Kiểm sát viên nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố (bên buộc tội), một bên là Luật sư, Bị cáo (bên gỡ tội) và bên còn lại là Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm nhân dân. Quá trình tranh tụng phải được diễn ra và tiến hành theo đúng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự cả về hình thức và nội dung, về không gian và thời gian. Trong quá trình này từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi kết thúc, vai trò trung tâm và quyết định luôn thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa phải đóng vai trò là người điều khiển, không can thiệp vào nội dung tranh tụng nhưng phải đánh giá, nhận định và xem xét để quyết định chính xác và đúng đắn.
Thứ hai, để việc tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu quả cao thì các bên buộc tội và gỡ tội phải có trình độ năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ càng. Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, trình độ năng lực của những người tham gia tranh tụng có ảnh hưởng rất lớn, nếu trình độ năng lực giữa bên buộc tội và bên gỡ bị chênh lệch quá nhiều thì hiển nhiên tranh tụng không mang lại hiệu quả cao. Kiểm sát viên là bên buộc tội vì vậy không những phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, nghiên cứu kỹ càng vụ án mà trình độ tư duy lý luận cũng phải cao. Quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng chưa hoàn toàn đánh giá được hết tính chất mức độ vụ án và càng không thể căn cứ vào đó để có lời luận tội, chỉ có thể qua quá trình thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa thì Kiểm sát viên mới buộc tội một cách khách quan, thuyết phục, cho nên việc này đòi hỏi Kiểm sát viên phải có trình độ cũng như kinh nghiệm tham gia tranh tụng. Vai trò của Luật sư, Người bào chữa trong tranh luận cũng hết sức quan trọng, bởi tính chất công việc của Luật sư là một bên trong quá trình tranh tụng, đồng thời Luật sư được cho phép có những quyền tố tụng như là điều tra thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Bị cáo. Vì vậy, không chỉ năng lực trình độ của Luật sư, mà đạo đức nghề nghiệp của họ cũng có ảnh hưởng lớn đến việc tận tâm cho công việc bào chữa, đến quá trình tranh tụng.
Nếu trong quá trình trước khi mở phiên tòa xét xử cả hai bên Kiểm sát viên và Bị cáo – Luật sư bào chữa cho bị cáo không có sự chuẩn bị kỹ càng, không dự trù trước những tình huống có thể xảy ra trong quá trình tranh tụng thì đến khi tranh luận họ sẽ bị đuối lý và tất nhiên phán quyết của Tòa án sẽ dựa trên cơ sở của bên thuyết phục hơn. Vì thế cho nên, tự bản thân hai phía buộc tội và gỡ tội sẽ phải có sự chuẩn bị cho quá trình tranh tụng của mình và luật pháp cũng có những quy định để bảo đảm cho việc tranh tụng đạt kết quả cao nhất. Hai bên buộc tội và gỡ tội không chỉ phải chuẩn bị đầy đủ chứng cứ, lý lẽ được thu thập trong suốt quá trình trước khi mở phiên tòa mà còn phải tự đánh giá xem những luận điểm nào còn yếu, dự trù những tình huống có thể xảy ra trong quá trình tranh luận để có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ ba, để quá trình tranh tụng đạt kết quả tốt thì cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra điều kiện cho quá trình tranh tụng. Thực tế cho thấy muốn áp dụng được tranh tụng tại phiên tòa hình sự thì cần có sự đồng bộ của các ngành Luật riêng, đầy đủ và chặt chẽ để tạo ra cơ chế cho tranh tụng. Bên cạnh đó, cần đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất như phòng xử án phải thể hiện sự trang nghiêm; các phương tiện kỹ thuật như ánh sáng, âm thanh, phòng cách ly nhân chứng, Bị cáo, camera giám sát cũng phải được bảo đảm trong trạng thái tốt nhất. Quá trình chuẩn bị phiên tòa phải tốt, bởi vì chỉ khi triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng đến phiên tòa thì việc tranh tụng mới được tiến hành tốt. Trường hợp vắng mặt một số người tham gia tố tụng sẽ gây ra tốn kém, làm cho phiên tòa phải hoãn hoặc phải xử dài ngày, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành về hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự:
2.1. Bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa:
Để đảm bảo cho việc tranh tụng tại phiên tòa có hiệu quả cần BLTTHS 2015 đã quy định đầy đủ, hợp lý và khả thi về địa vị tố tụng của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa để họ có đầy đủ điều kiện, khả năng thực hiện các nội dung tranh tụng theo chức năng, nhiệm vụ hoặc lợi ích của mình: được chủ động thu thập vật chứng, được xét hỏi những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người làm chứng trong giai đoạn điều tra, được yêu cầu cung cấp tài liệu, cụ thể:
+ Quy định thủ tục tố tụng bình đẳng, nhất là tại phiên tòa; đảm bảo để các bên tham gia tố tụng được xét hỏi, tranh luận một cách khách quan, công bằng và bình đẳng; mở rộng phạm vi các vụ án có sự tham gia bắt buộc của luật sư;
+ Quy định quyền khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của các bên và hiệu lực như nhau của các khiếu nại đó.Ví dụ: Viện kiểm sát và bị cáo đều phải có quyền kháng cáo, kháng nghị như nhau đối với bản án, quyết định của tòa án.
2.2. Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa:
Nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm việc tranh tụng không chỉ thể hiện ở phần tranh luận mà còn được thể hiện ngay trong phần xét hỏi, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã nhập thủ tục xét hỏi tại phiên tòa với thủ tục tranh luận tại phiên tòa (Chương XX và Chương XXI của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003) thành Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa” (Mục V Chương XXI – Xét xử sơ thẩm).
Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Trình tự xét hỏi:
+ Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
+ Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
+ Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án.
Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án.
Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.
Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.
Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ toạ phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.
Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.