Tranh chấp tài sản có được từ trúng thưởng. Hợp đồng tặng cho tài sản.
Tranh chấp tài sản có được từ trúng thưởng. Hợp đồng tặng cho tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Xin Luật sư cho em hỏi tình huống như sau xử lí như thế nào? Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đưa ra chương trình khuyến mại với giải thưởng rất cao. Từ đây, đã có nhiều câu chuyện gây tranh cãi, thậm chí tranh chấp căng thẳng về pháp lý. Chúng ta cùng tìm hiểu về một ví dụ điển hình. Tình huống: A nhận được tiền thưởng và mời 4 người bạn, trong đó có B đi nhậu. Khi vào quán, A gọi đồ nhậu và thức uống là bia Tiger. Năm người thoả thuận nhậu theo kiểu “hồn ai nấy giữ”, nghĩa là mỗi người 1 chai, khi hết chai thì sẽ chuyển sang uống chai khác. Khi bật nắp chai bia đặt trước mặt B thì trúng thưởng 1 chiếc xe Toyota Land Cruiser trị giá hơn 40.000 USD. A cho rằng chiếc ôtô là của mình bởi A là người mời bạn đi nhậu và trả tiền cho bữa nhậu. B nói rằng chiếc ôtô là của mình bởi chiếc nắp chai trúng thưởng là của chai bia đặt trước mặt B. Chủ quán cũng nhận chiếc ôtô là của mình, bởi vì bữa nhậu chưa được trả tiền. Tiếp viên cũng nhận chiếc ôtô là của mình, bởi vì Tiếp viên là người bật nắp chai bia mà khẩu hiệu khuyến mại của Tiger Beer là “Bật nắp Tiger, trúng Land Curser”. Em chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Thông tư liên tịch 07/2007/TTLT-BTM-BTC
2. Nội dung tư vấn
Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 quy định:
“Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”
Trong trường hợp của bạn, người tiếp viên trong mối quan hệ này là người lao động trong quán thực hiện công việc theo sự phân công của người sử dụng lao động không xem là người tiêu dùng, khách hàng của hàng hóa trong hoạt động khuyến mại.
Đối tượng hưởng khuyến mại hay khách hàng của chương trình khuyến mại phải được các thương nhân kinh doanh mà cụ thể ở đây là Hãng bia Tiger quy định cụ thể trong hồ sơ đăng ký khuyến mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2007/TTLT-BTM-BTC. Quán nhậu được nêu trong tình huống có hoạt động là bán chai bia cho nhóm A và các bạn của A, hình thức của hợp đồng bằng lời nói. Theo quy định Điều 441 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm chịu rủi ro như sau:
“1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Thời điểm chịu rủi ro của bên mua tức A trong trường hợp này là thời điểm nhận tài sản, tức thời điểm nhân viên đưa bia tới bàn của A. Thời điểm chịu rủi ro này được xác định là thời điểm phát sinh các quyền đối với tài được mua từ người bán. Theo đó, chủ cửa hàng đã không còn quyền sở hữu đối với chai bia kể từ thời điểm chai bia được giao cho A và các bạn của A, chủ cửa hàng chỉ có quyền yêu cầu A trả tiền mua hàng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Đối với quan hệ giữa A và B được hiểu là quan hệ tặng cho của A tặng cho B chai bia. Điều 458 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”
Như vậy, chai bia sẽ thuộc quyền sở hữu của B khi A có những trao đổi hoặc hành động chỉ rõ chai bia đó là A cho B và B tiếp nhận chai bia và đưa cho người tiếp viên mở nắp.