Tranh chấp di sản thừa kế về đất đai. Con nuôi có được hưởng di sản thừa kế không?
Tranh chấp di sản thừa kế về đất đai. Con nuôi có được hưởng di sản thừa kế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp sau:
– Ông bà tôi sinh được 3 người con 1 Trai và 2 Gái nhưng không may trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ Ông và Bác tôi đã hi sinh trên chiến trường người con gái 1 người là Bác của tôi còn người kia là mẹ của tôi hiện đang có những tranh chấp về đất đai của Bà để lại nhưng không có di chúc như sau.
1) Vào năm 2008 Bà tôi có chia 1 phần đất đang ở chia cho người con Gái cả và tất cả các giao dịch cũng như thủ tục đều không có giấy tờ chứng nhận ủy quyền hoặc công chứng gì cả.Và hiện tại suất đất mà Bà tôi đã cho bác Gái thì Bác Gái đã chuyển nhượng và sang tên cho người con trai lớn của bác.Khi tôi có ra UBNDX hỏi thông tin về đất đai như thế nào thì tôi được biết khi làm sổ đỏ đứng tên đều không có chữ ký của bà tôi,mà có người khác ký thay – Vậy cho tôi hỏi những thủ tục pháp lý khi làm sổ đỏ mà không có chữ ký của người sở hữu đất chuyển nhượng hoặc ủy quyền để làm sổ đỏ thì có hợp pháp hay không.
2) Hiện tai sau khi Bà tôi mất được một thời gian thì bắt đầu có những tranh chấp về đất đai ro Bà để lại.Bác Gái tôi muốn được chia đều phần đất đai còn lại cho Bác và Mẹ tôi nhưng không được tính phần đất mà Bà đã tuyên bố cho Bác Gái từ trước đó. – Luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề trên
3) Hiện tại mẹ tôi đang được ủy quyền thờ cúng gia đinh mẹ Việt Nam Anh Hùng vậy mẹ tôi có được quyền sử dụng hợp pháp phần đất cũng như nhà thờ cho Ông Bà và Bác không.
4) Khi còn sống Bà tôi có nhận 3 người con nuôi ,vậy khi bà mất các tài sản đất đai hoặc tài sản khác có phải chia đều cho 3 người con nuôi hay không. ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo thông tin mà bạn trình và trên thực tế việc chuyển nhượng tặng cho quyền sử dụng đất, phát sinh tranh chấp tại thời điểm 2008. Do vậy, xét về mặt hiệu của văn bản pháp luật sẽ được áp dụng “Luật đất đai 2013” và Bộ luật dân sự 2005.
1) Vào năm 2008 Bà tôi có chia 1 phần đất đang ở chia cho người con gái cả và tất cả các giao dịch cũng như thủ tục đều không có giấy tờ chứng nhận ủy quyền hoặc công chứng gì cả. Và hiện tại suất đất mà Bà tôi đã cho bác Gái thì Bác Gái đã chuyển nhượng và sang tên cho người con trai lớn của bác. Khi tôi có ra UBNDX hỏi thông tin về đất đai như thế nào thì tôi được biết khi làm sổ đỏ đứng tên đều không có chữ ký của bà tôi, mà có người khác ký thay – Vậy cho tôi hỏi những thủ tục pháp lý khi làm sổ đỏ mà không có chữ ký của người sở hữu đất chuyển nhượng hoặc ủy quyền để làm sổ đỏ thì có hợp pháp hay không?.
Theo Điều 106 “Luật đất đai 2013” quy định như sau:
"Điều 106. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 110; khoản 2 và khoản 3 Điều 112; các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 113; khoản 2 Điều 115; điểm b khoản 1, các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 119; điểm b khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 120 của Luật này khi có các điều kiện sau đây:
a) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất."
Theo thông tin mà bạn trình bày, Bà của bạn có chia 1 phần đất đang ở chia cho bác gái của bạn cả và tất cả các giao dịch cũng như thủ tục đều không có giấy tờ chứng nhận ủy quyền hoặc công chứng gì cả. Như vậy theo quy định của pháp luật người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của “Luật đất đai 2013”.
Theo đó tại Khoản 1 Điều 106 “Luật đất đai 2013” thì việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn quyền sử dụng đất thì phải có các điều kiện sau:
+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Đất không có tranh chấp.
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
+ Trong thời hạn sử dụng đất.
Do vậy, việc Bà của bạn tặng cho bác gái của bạn về quyền sử dụng đất không đáp ứng điều kiện trên thì việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà và bác gái của bạn không được pháp luật công nhận.
2) Hiện tại sau khi Bà tôi mất được một thời gian thì bắt đầu có những tranh chấp về đất đai do Bà để lại. Bác Gái tôi muốn được chia đều phần đất đai còn lại cho Bác và Mẹ tôi nhưng không được tính phần đất mà Bà đã tuyên bố cho Bác Gái từ trước đó.
Theo Điều 675 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
"Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế."
Theo Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Do bà của bạn mất không để lại di chúc, nên số di sản của bà bạn sẽ được chia theo pháp luật trường hợp không có di chúc và những người được thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo quy định của pháp luật thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do vậy, toàn bộ di sản của bà bạn sẽ được chia đều cho bác và mẹ của bạn, trừ trường hợp mảnh đất Bà của bạn, chuyển nhượng, tặng cho riêng bác gái của bạn mà đáp ứng điều kiện quy định Khoản 1 Điều 106 “Luật đất đai 2013” thì mảnh đất đó sẽ không đem chia nhưng nếu giao dịch tặng cho không hợp pháp thì tài sản đó vẫn được phân chia.
3) Hiện tại mẹ tôi đang được ủy quyền thờ cúng gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng vậy mẹ tôi có được quyền sử dụng hợp pháp phần đất cũng như nhà thờ cho Ông Bà và Bác không.
Theo Điều 670 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
"Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng."
Theo bạn trình bày, mẹ bạn đang được ủy quyền thờ cúng gia đình mẹ Việt Nam Anh Hùng. Mà theo quy định của pháp luật trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng, nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho ngườikhác quản lý để thờ cúng. Còn nếu không có phần di chúc này thì mẹ bạn chỉ được hỗ trợ các chính sách từ nhà nước về thờ cúng bà mẹ Việt Nam anh hùng.
4) Khi còn sống Bà tôi có nhận 3 người con nuôi, vậy khi bà mất các tài sản đất đai hoặc tài sản khác có phải chia đều cho 3 người con nuôi hay không?
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định như sau:
"Điều 69. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi
Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên;
3. Có tư cách đạo đức tốt;
4. Có điều kiện thực tế bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
5. Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội."
Theo Điều 72 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định như sau:
"Điều 72. Đăng ký việc nuôi con nuôi
Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ hộ tịch.
Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch."
Theo thông tin mà bạn trình và theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Bên cạnh đó, để có thể nhận được di sản thừa kế của mẹ nuôi, thì 3 người con nuôi này phải là con nuôi hợp pháp theo quy định tại Điều 69, 72 Luật hôn nhân và gia đình 2000 được pháp luật công nhận và được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi. Như vậy nếu trước đây bà của bạn đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để 3 người con nuôi trở thành con nuôi hợp pháp thì 3 người con nuôi của bà bạn đương nhiên được hưởng di sản thừa kế (ngang bằng với bác và mẹ của bạn) do cha mẹ nuôi để lại.