Tranh chấp đất đai hiện đang là vấn đề xảy ra rất nhiều và việc nắm bắt các quy trình, thủ tục giải quyết là điều rất cần thiết. Vậy tranh chấp đất đai có buộc phải hòa giải tại UBND xã không?
Mục lục bài viết
1. Tranh chấp đất đai có buộc phải hòa giải tại UBND xã không?
Căn cứ Điều 202
– Khi xảy ra tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau. Trường hợp không tự hòa giải được thì có thể giải quyết thông qua hòa giải cơ sở (gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân cấp xã).
Theo quy định trên, khi có vấn đề xảy ra liên quan đến đất đai, Nhà nước khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định hòa giải là thủ tục bắt buộc phải có khi giải quyết tranh chấp, là điều kiện tiên quyết trước khi khởi kiện ra Tòa áp dụng với trường hợp tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất.
Do đó, theo tinh thần của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chỉ những tranh chấp đất đai về việc ai là người có quyền sử dụng đất mới bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải, còn những tranh chấp khác như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…thì không bắt buộc phải hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện.
2. Thủ tục thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai:
Trước khi giải quyết tranh chấp kiện tụng tại Tòa thì bao giờ cũng ưu tiên phương án thương lượng, hòa giải. Và hòa giải cũng là một trong những thủ tục được quy định trong
Mục đích của việc hòa giải là nhằm giải quyết tranh chấp trên phương diện hợp tình hợp lý, tránh mất thời gian, mất tiền bạc, công sức của các bên. Nếu như các bên không tự hòa giải, thương lượng với nhau thì làm thủ tục hòa giải cơ sở đến Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn nơi đang có đất tranh chấp. Thủ tục hòa giải được thực hiện như sau:
Bước 1: Làm đơn đề nghị tổ chức hòa giải giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 2: Ủy ban nhân dân xã/phường thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.
Bước 3: Tiến hành tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai.
Thành phần của buổi hòa giải bao gồm:
+ Chủ tịch hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
+ Các thành viên khác gồm: đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; đối với khu vực đô thị là tổ trưởng tổ dân phố; đối với khu vực nông thôn là trưởng thôn, ấp; đại diện một số hộ gia đình sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn;….
+ Ngoài ra có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Bước 4: Kết quả hòa giải:
Kết quả hòa giải sẽ phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các bên tham gia. Kết quả hòa giải có thể là hòa giải thành hoặc hòa giải không thành.
Thời gian hòa giải tranh chấp là không quá 45 ngày tính từ ngày nhận được đơn đề nghị. Nếu như phía bên Ủy ban nhân dân quá thời hạn nêu trên mà chưa thực hiện công tác hòa giải thì bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại hành chính về việc đó.
3. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi hòa giải không thành:
Thứ nhất, nộp đơn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền:
Căn cứ tại điểm a Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013, với trường hợp hòa giải không thành thì nộp đơn yêu cầu giải quyết tại Ủy ban nhân dân. Theo đó, thẩm quyền của Ủy ban để tiến hành giải quyết là:
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
Trường hợp sau khi giải quyết, các bên không đồng ý với quyết định đó thì thực hiện thủ tục khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: giải quyết tranh chấp nếu như một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trường hợp sau khi giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định đó thì tiến hành khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Thủ tục giải quyết như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ các bên chuẩn bị bao gồm:
– Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
– Biên bản hòa giải tại không thành Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
– Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định không quá 03 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì tiến hành các bước tiếp theo sau đây:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
– Giải quyết xong thì Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp.
Thứ hai, khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự:
Nếu như hòa giải không thành, bên cạnh việc lựa chọn làm đơn ra Ủy ban nhân dân để giải quyết thì các bên cũng có thể lựa chọn tiến hành giải quyết thủ tục tố tụng dân sự bằng cách khởi kiện ra Tòa án nhân dân.
Thủ tục khởi kiện được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án bao gồm:
– Đơn khởi kiện.
– Biên bản hòa giải không thành tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp
– Giấy tờ tùy thân của cá nhân người đi nộp đơn khởi kiện bao gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân còn giá trị sử dụng.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như trên thì người có nhu cầu nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi đang có đất để giải quyết tranh chấp.
Bước 3: Nộp tạm ứng án phí tại Tòa án:
Toà án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí sau khi nhận đơn khởi kiện kèm chứng cứ, tài liệu kèm theo nếu như thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết.
Bước 4: Tiến hành hòa giải theo thủ tục tại Tòa án:
– Tòa án tổ chức hòa giải, nếu như hòa giải thành thì Tòa án ra biên bản hòa giải thành và đình chỉ vụ án.
– Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.
Bước 5: Xét xử
4. Mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…….ngày…..tháng….. năm…..
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn)………
Họ và tên: ……….
Sinh năm:………
CMND/CCCD số: ………
Ngày cấp: …… nơi cấp:………
Nơi ở hiện nay: ………
Nơi đăng ký thường trú tại: ……….
Tôi viết đơn này đề nghị UBND xã (phường, thị trấn) giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình ông (bà):……..
Tôi trình bày sự việc như sau:………
Đến nay, mặc dù hai bên đã thương lượng và tự hòa giải nhưng không thể giải quyết tranh chấp trên. Do vậy, tôi làm đơn này đề nghị UBND xã (phường, thị trấn) tổ chức hòa giải tranh chấp đất giữa gia đình tôi với gia đình ông: ……, trú tại ……. nhằm xác định người có quyền sử dụng đối với diện tích đang xảy ra tranh chấp theo đúng quy định.
Tôi cam đoan với UBND những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật.
Kính mong UBND xem xét đơn đề nghị và sớm tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định.
Tôi chân thành cảm ơn !
Tài liệu có gửi kèm theo: – ……… | NGƯỜI VIẾT ĐƠN (ký, ghi rõ họ tên) |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật đất đai năm 2013.