Công tác giải quyết tố cáo là một trong những biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, phát hiện ra những sai sót trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước, cùng cố niềm tin của nhân dân vào đảng và chính quyền. Dưới đây là quy định của pháp luật về trách nhiệm thông tin, báo cáo trong công tác giải quyết tố cáo.
Mục lục bài viết
- 1 1. Trách nhiệm thông tin, báo cáo công tác giải quyết tố cáo:
- 2 2. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác giải quyết tố cáo:
- 3 3. Quy định về báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo:
1. Trách nhiệm thông tin, báo cáo công tác giải quyết tố cáo:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động thông tin, báo cáo đối với công tác giải quyết tố cáo. Căn cứ theo quy định tại Điều 61 của Văn bản hợp nhất Luật tố cáo năm 2020 có quy định cụ thể về trách nhiệm thông tin, báo cáo trong công tác giải quyết tố cáo. Cụ thể như sau:
– Hằng năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Chính phủ sẽ báo cáo cho Quốc hội, báo cáo lên ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo lên Chủ tịch nước, đồng thời Chính phủ cũng cần phải gửi báo cáo đến Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam về quá trình giải quyết tố cáo;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ báo cáo lên Chính phủ về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi trách nhiệm, phạm vi quản lý, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan mình theo định kỳ, hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất của Chính phủ;
– Hằng năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân sẽ cần phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo lên hội đồng nhân dân cùng cấp, báo cáo lên các cơ quan cấp trên trực tiếp, đồng thời cần phải thông báo đến Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cung cấp về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi địa phương, báo cáo về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 59 của Văn bản hợp nhất Luật tố cáo năm 2020 có quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giải quyết tố cáo. Cụ thể như sau:
– Chính phủ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi cả nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đây cũng được xem là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quản lý công tác giải quyết tố cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước;
– Thanh tra chính phủ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ cho Chính phủ, đây là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của mình.
2. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác giải quyết tố cáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 của Văn bản hợp nhất Luật tố cáo năm 2020 có quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan khác của nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị xã hội trong công tác giải quyết tố cáo. Cụ thể như sau:
– Tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm toán nhà nước, các cơ quan và đơn vị khác của nhà nước, các cơ quan của các tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị xã hội ở cấp trung ương, theo quy định của pháp luật sẽ phải chịu một số trách nhiệm trong công tác giải quyết tố cáo. Các cơ quan đó trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn, nhiệm vụ của mình, sẽ có trách nhiệm quản lý công tác giải quyết tố cáo, hằng năm, các cơ quan đó sẽ phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo liên quan đến công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý và trách nhiệm của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Chính phủ, để tổng hợp và báo cáo lên Quốc Hội;
– Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, các cơ quan khác của nhà nước, các cơ quan và đơn vị trực thuộc các tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị xã hội ở cấp địa phương, theo quy định của pháp luật, các cơ quan này trong chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ có trách nhiệm quản lý công tác giải quyết tố cáo, hằng năm, các cơ quan đó sẽ phải có nghĩa vụ gửi báo cáo liên quan đến công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của mình đến cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cùng cấp, để thực hiện hoạt động tổng hợp, sau đó báo cáo về hội đồng nhân dân;
– Căn cứ vào Luật tố cáo, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan và đơn vị khác của nhà nước không thuộc hệ thống hành chính nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền thuộc các tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị xã hội sẽ có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện pháp luật liên quan đến hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo trong phạm vi cơ quan mình, sao cho phù hợp với đặc điểm của quá trình tổ chức và hoạt động của cơ quan đó.
3. Quy định về báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, có quy định về vấn đề báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo. Cụ thể như sau:
– Tổ trưởng tổ xác minh xác cần phải thực hiện trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh nội dung tố cáo với người ra quyết định thành lập tổ xác minh. Văn bản báo cáo gửi đến người ra quyết định thành lập tổ xác minh cần phải được đầy đủ các thành viên trong tổ xác minh đó đóng góp ý kiến và thảo luận, trình bày quan điểm trong quá trình xác minh;
– Báo cáo của tổ xác minh và kết quả xác minh nội dung tố cáo cần phải phản ánh đầy đủ các nội dung chính như sau:
+ Tóm tắt nội dung báo cáo trong quá trình xác minh;
+ Kết quả xác minh tử các nội dung tố cáo;
+ Nội dung giải trình của người bị tố cáo, người tố cáo;
+ Đề xuất đánh giá nội dung tố cáo, xác định trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo;
+ Kiến nghị xử lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm trong quá trình xác minh, đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các cơ quan và cá nhân trong xã hội. Báo cáo của tổ xác minh và kết quả xác minh nội dung tố cáo hiện nay đang được thực hiện theo mẫu do pháp luật quy định, cụ thể là được thực hiện theo mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
– Trong quá trình tiến hành hoạt động xác minh, nếu phát hiện ra có các hành vi có dấu hiệu tội phạm, thì theo quy định của pháp luật, tổ trưởng tổ xác minh cần phải ngay lập tức báo cáo đối với người ra quyết định thành lập tổ xác minh đó. Người ra quyết định thành lập tổ xác minh sẽ cần phải thông báo kịp thời với người giải quyết tố cáo, để người giải quyết tố cáo xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật;
– Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo cần phải tiến hành thủ tục báo cáo những nội dung cần thiết với người giải quyết tố cáo về kết quả xác minh nội dung. Báo cáo kết quả xác minh nội dung cần phải được thực hiện theo mẫu do pháp luật quy định, cụ thể hiện nay đang được thực hiện theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo,
– Trong trường hợp xác minh để giải quyết lại hoạt động tố cáo, thì ngoài những nội dung nêu trên, trong báo cáo của tổ xác minh báo cáo đến chủ thể có thẩm quyền, cần phải nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật, sai lầm trong quá trình xác minh, những nội dung không phù hợp với việc giải quyết tố cáo, kiến nghị về việc xử lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết tố cáo;
– Các cơ quan, tổ chức và cá nhân được giao nhiệm vụ xác minh cần phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước người giao nhiệm vụ xác minh về tính chính xác, khách quan và đầy đủ của báo cáo kết quả xác minh nội dung.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.