Trách nhiệm hình sự trong trường hợp đồng phạm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015? Trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm?
“Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là hậu quả pháp lý bất lợi đối với những người (thể nhân và pháp nhân) trong đồng phạm, do hành vi phạm tội của họ gây ra, tương ứng với vai trò, tính chất, mức độ tham gia khi thực hiện tội phạm nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt giữa những người trong đồng phạm trên cơ sở nguyên tắc công bằng của luật hình sự”.
Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là hậu quả pháp lý hình sự bất lợi. Vì áp dụng đối với đồng phạm nên đòi hỏi trách nhiệm hình sự có tính chất phân hóa và nghiêm khắc hơn, thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
Để xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm, chúng ta cần dựa trên cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn phát sinh trách nhiệm hình sự đó. Về cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là các quy định của PLHS về đồng phạm và cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm. cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm là tổng hợp các quy định của Bộ luật hình sự xác định một người đồng phạm là tội phạm, bao gồm các dấu hiệu của người thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản tương ứng với từng tội danh, áp dụng cho chỉ một chủ thể đơn lẻ, và phải có thêm các cấu thành tội phạm khác quy định về các dạng của hành vi đồng phạm (hành vi tổ chức, xúi giục và giúp sức thực hiện tội phạm).
“Sự tổng hợp những dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cơ bản với những dấu hiệu của chế định đồng phạm … chính là những cấu thành tội phạm bổ sung cho cấu thành tội phạm cơ bản – cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm...” Cơ sở pháp lý này được quy định tại các điều luật ở cả phần những quy định chung của Bộ luật hình sự và phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
Việc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm vừa phải tuân thủ những nguyên tắc chung được áp dụng cho tất cả những trường hợp phạm tội, vừa phải tuân thủ những nguyên tắc riêng cho trường hợp đồng phạm. Trong các công trình nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, các nhà khoa học mặc dù có cách diễn đạt khác nhau nhưng đều thừa nhận các nguyên tắc cơ bản sau: (1) Nguyên tắc tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm đã thực hiện; (2) Nguyên tắc mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm và (3) Nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự của người đồng phạm.
TS Trần Quang Tiệp cũng có cùng quan điểm khi đưa ra các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự đặc thù của đồng phạm (đối với trường hợp đồng phạm hoàn thành), đó là: Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm; nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm và nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm.
Tác giả Phí Thành Chung trong công trình nghiên cứu chuyên sâu về trách nhiệm hình sự trong đồng phạm theo Luật hình sự Việt Nam cũng có quan điểm tương tự khi đưa ra các khía cạnh của nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là: Những người trong đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm do họ gây ra, chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội họ tham gia và mỗi người phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm.
Trong công trình nghiên cứu của mình, TSKH.GS Lê Cảm cũng đặt ra 03 vấn đề quan trọng về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm phải tuân thủ khi áp dụng pháp luật. Trong đó, hai nguyên tắc sau có nội dung tương tự với các nhà nghiên cứu khoa học hình sự khác: nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm hình sự và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, về nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm hình sự “tất cả những người đồng phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới đối với tội phạm chung do cố ý mà họ đã cố ý cùng tham gia vào việc thực hiện nó”. Nguyên tắc này chính là sự kết hợp của hai nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm và chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm. Tội phạm trong đồng phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và do những người đồng phạm cố ý cùng thực hiện tội phạm nhằm đạt được kết quả phạm tội chung. Tội phạm là một thể thống nhất, không thể chia cắt thành nhiều phần để mỗi người đồng phạm chịu trách nhiệm về từng phần..
Do vậy, xác định rằng tất cả những người đồng phạm đều bị điều tra, truy tố, xét xử về cùng một tội danh, cùng điều luật, cùng chịu chế tài mà điều luật quy định cũng như cùng theo nguyên tắc xử lý chung đối với tội danh đó. Áp dụng chung cho tất cả những người đồng phạm những quy định liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mà họ đã thực hiện bao gồm các nguyên tắc chung về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt.
Bên cạnh đó, việc xác định trách nhiệm hình sự cho mỗi người đồng phạm phải dựa trên hành vi cụ thể của mỗi người do trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân, trên cơ sở hành vi có lỗi của cá nhân, mỗi người độc lập với nhau. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hay loại trừ trách nhiệm hình sự của riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng cho người đó. Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự hay không ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm khác.
Thứ hai, đối với nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự: “mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập đối với hành vi phạm tội do cố ý mà mình đã cố ý tham gia vào việc thực hiện bằng hành động hoặc không hành động) căn cứ vào tính chất và mức độ mà mỗi người đã cố ý cùng tham gia với những người đồng phạm khác để đạt được kết quả phạm tội chung.”
Nói rõ hơn, nguyên tắc này thể hiện sự phân hoá và cá thể hoá trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. GS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cũng đã khẳng định: “Trách nhiệm hình sự được xác định trên cơ sở: – Tính chất của đồng phạm; – Tính chất tham gia của người đồng phạm (vai trò); – Mức độ tham gia của người đồng phạm (phần đóng góp);”
Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm khác biệt với trách nhiệm hình sự trong trường hợp một người thực hiện thể hiện rõ ở sự phân hoá trách nhiệm hình sự và tính chất, mức độ trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Căn cứ vào việc xem xét tính chất hành vi khác nhau, mức độ tham gia, đóng góp của những người đồng phạm trong việc thực hiện tội phạm chung cũng như sự khác nhau ở tính chất nguy hiểm cho xã hội, đặc điểm nhân thân của từng người đồng phạm mà chúng ta cân nhắc, xác định đúng đắn trách nhiệm hình sự trong đồng phạm.
Nguyên tắc này đã thể hiện thành đường lối, chính sách cơ bản của PLHS, khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự quy định nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối ... khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội ...” và xác định chính sách hình phạt của Nhà nước là “Nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”.
Vấn đề thứ ba liên quan đến xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm mà TSKH.GS Lê Cảm đề cập phân tích trong nghiên cứu của mình đó là việc giải quyết trách nhiệm hình sự “khi 02 người trở lên cùng cố ý tham gia vào việc thực hiện tội phạm do cố ý trong đó có sự hiện diện của 02 loại người mà theo pháp luật quy định là không phải chịu trách nhiệm hình sự – người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc người không có năng lực trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 12 và Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 hiện hành)” . Trong đó, cần phải lưu ý các chế tài pháp lý liên quan đến người chưa thành niên, người không có năng lực trách nhiệm hình sự mà việc xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp có đồng phạm là không ngoại lệ.
Liên quan đến trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm, ba vấn đề quan trọng cần làm rõ, đó là: Vấn đề chủ thể đặc biệt trong đồng phạm; Xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm.
Về chủ thể đặc biệt trong đồng phạm: “Đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt thì chỉ cần ở người thực hành có những đặc điểm đặc biệt đó. Còn với những người đồng phạm khác không đòi hỏi phải có những đặc điểm của chủ thể đặc biệt.” Như vậy ở những cấu thành tội phạm có chủ thể đặc biệt, dấu hiệu này chỉ áp dụng cho người thực hành. Những người đồng phạm khác không cần thiết phải có những đặc điểm của chủ thể đặc biệt. Quy định như vậy của luật hình sự là hợp lý, vừa đủ đối với trường hợp đồng phạm.
Về việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm, đây cũng là một mảng kiến thức cần phải nắm vững, phục vụ việc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Trong đó, quan điểm được thừa nhận chung là “Nếu những người đồng phạm không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào, họ phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó.”.
Trong một vụ đồng phạm, do những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của những người đồng phạm mà họ không thực hiện được tội phạm đến cùng (tội phạm hoàn thành), thì căn cứ theo người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào, những người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó.
Bên cạnh đó, liên quan đến giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm, chúng ta cần phải nắm được các trường hợp sau: Trường hợp người bị xúi giục không nghe theo lời xúi giục, sự xúi giục không có kết quả thì chỉ riêng người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã xúi giục. Trường hợp người giúp sức giúp người thực hành thực hiện tội phạm nhưng người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc không sử dụng sự giúp sức thì người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ định giúp sức.
Người giúp sức, người xúi giục trong trường hợp trên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội nếu điều luật về tội phạm ấy có quy định chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 14 Bộ luật hình sự hiện hành.
Theo đó, khoản 1 Điều 14 Bộ luật hình sự mô tả về 03 nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội: tìm kiếm sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội; tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm và thành lập, tham gia nhóm tội phạm,...Khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự quy định các tội mà phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội: “2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 304, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm nữa mặc dù không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nếu việc người phạm tội không thực hiện tội phạm đến cùng do điều kiện khách quan.
Trong thực tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, lo sợ, thức tỉnh, sợ bị trừng phạt, không muốn thực hiện tội phạm đối với người quen biết vv... chỉ cần người phạm tội chủ quan tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm nữa thì được coi là đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đã thực hiện.
Trong vụ đồng phạm, khi có sự kiện tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của một người hay một số người thì việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với người đồng phạm đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tại lần pháp điển hoá đầu tiên, Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Với những yêu cầu, vướng mắc phát sinh từ thực tế áp dụng pháp luật, Hội đồng thẩm phán
Đối với người thực hành, nếu trong vụ đồng phạm chỉ có một người thực hành thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng như trường hợp phạm tội riêng lẻ. Người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nghĩa là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù không có gì ngăn cản, thì tội phạm không thể hoàn thành, hậu quả phạm tội mong muốn không xảy ra. Khi người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì chỉ riêng họ được miễn trách nhiệm hình sự. Những người đồng phạm khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm họ đã tham gia ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt tùy thuộc vào thời điểm mà người thực hành đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức có đặc điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm. Trong các vụ án có đồng phạm, nếu người xúi giục hoặc người tổ chức hay người giúp sức tuy tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, nhưng không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn người thực hành thực hiện tội phạm, vẫn để mặc cho đồng bọn
thực hiện tội phạm, thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện, hậu quả của tội phạm vẫn có thể xảy ra. Do đó, để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 Bộ luật hình sự về tội định phạm, người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm như thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc có biện pháp ngăn chặn, báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện, ...
Người giúp sức phải chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm (như không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho kẻ thực hành...). Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm. Nhưng nếu những việc họ đã làm nêu trên không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thoả mãn một trong các căn cứ tại Điều 29 Bộ luật hình sự.
Trường hợp vụ án nhiều người thực hành, có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, nếu người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Còn nếu những việc mà họ đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì họ mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, tương tự như trường hợp về người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức đã được nêu trên đây.
Người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nhưng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, nếu họ không tố giác tội phạm do người (hoặc những người đồng phạm thực hiện không có sự trợ giúp của họ.
Ví dụ 1: Vụ án “Cố ý gây thương tích”:
Khoảng 10 giờ ngày 15/04/2021, tại quán karaoke “Hoàng Gia” thuộc khu Cây Lụ, xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra xô sát giữa anh Nguyễn Đức Dương và các đối tượng gồm Trần Tiến Ngọc, Nguyễn Danh Xuân và Trần Văn Tuấn. Ngọc, Xuân và Tuấn đã dùng tay, chân đấm, đánh nhiều cái vào người anh Dương. Sau đó Trần Tiến Ngọc đã dùng 01 (một) con dao, lưỡi dao bằng kim loại màu trắng, một cạnh sắc, dài 26cm, bản rộng 3,5cm (là hung khí nguy hiểm) chém vào vùng đầu, tai và tay của anh Dương và dùng 01 (một) ống kim loại dài 1,17m, đường kính 12cm (là hung khí nguy hiểm) vụt, đánh vào người anh Dương. Mặc dù đã được mọi người xung quanh ngăn cản nhưng Ngọc vẫn thực hiện hành vi gây thương tích cho anh Dương nhiều lần rồi mới dừng lại. Hậu quả anh Nguyễn Đức Dương bị thương ở vùng đầu, tai trái, vùng cẳng tay trái, bàn tay trái. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Nguyễn Đức Dương do các đối tượng trên gây ra là: 14% (mười bốn phần trăm).
Trường hợp này, Trần Tiến Ngọc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự với 02 tình tiết định khung: Dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ, được quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Nguyễn Danh Xuân và Trần Văn Tuấn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự với 01 tình tiết định khung: Dùng hung khí nguy hiểm được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, không bị áp dụng tình tiết định khung: Có tính chất côn đồ.
Mỗi người đồng phạm mang tính cá thể, gắn với những tình tiết định khung riêng, không thể buộc người đồng phạm này phải chịu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung hình phạt riêng cho người đồng phạm khác, trừ trường hợp họ có chung tình tiết định khung.
Ví dụ 2: Vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 5 bị cáo là thành viên của tổ chức “Liên minh dân tộc Việt Nam”.
Theo nội dung bản án sơ thẩm ngày 5/10/2018, các bị cáo gồm: Lưu Văn Vịnh (sinh năm 1967, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hải Dương, ở quận Bình Tân, TP.HCM), Nguyễn Quốc Hoàn (sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng; ở Quận 10, TP.HCM), Nguyễn Văn Đức Độ (sinh năm 1975, ở quận Tân Phú, TP.HCM), Phan Trung (sinh năm 1976, ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), Từ Công Nghĩa (sinh năm 1993, dân tộc Chăm, hộ khẩu thường trú tỉnh Ninh Thuận), đã có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trực tiếp thực hiện các hành vi: thành lập tổ chức phản động với tên gọi “Liên minh dân tộc Việt Nam” do Vịnh làm Chủ tịch; tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lưu Văn Vịnh với vai trò chủ mưu cầm đầu, đã tổ chức mọi hoạt động thành lập trái phép tổ chức “Liên minh dân tộc Việt Nam”, đề ra mục tiêu, đường lối hoạt động của tổ chức, lôi kéo người vào tổ chức. Nguyễn Văn Đức Độ với vai trò là Phó Chủ tịch tổ chức đã giúp sức tích cực trong việc phát triển tổ chức. Nguyễn Quốc Hoàn và Phan Trung có vai trò cố vấn, đã tích cực giúp Lưu Văn Vịnh trong các hoạt động thành lập như chuẩn bị tài liệu, soạn thảo cương lĩnh, giới thiệu nhân sự, may cờ cho tổ chức… Từ Công Nghĩa với vai trò được giao làm “phụ trách quân sự” đã tích cực lôi kéo người vào tổ chức để thành lập “nghĩa quân”. Các đối tượng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền lôi kéo người dân; phối hợp, liên hệ với các đối tượng chống đối; tham gia các cuộc biểu tình trái phép; tổ chức hội nghị ngày 30/10/2016 và ra mắt tổ chức ngày 6/11/2016.
TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Lưu Văn Vịnh mức án 15 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung 8 năm tù. Các bị cáo còn bị phạt quản chế 3 năm tại địa phương cư trú, sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Có thể thấy, mức phạt mà Toà án tuyên đối với từng bị cáo thể hiện sự phân hoá rõ ràng trách nhiệm hình sự của các bị cáo trong vụ án. Tính chất, mức độ khác nhau tương ứng là kết quả của việc quyết định hình phạt khác nhau nhưng hợp lý, đúng người, đúng tội.