Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm khi đưa ra thị trường lưu thông, được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 89/2006/NĐ-CP.
1. Quy định về nhãn hàng hóa:
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa là “bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.” Việc ghi nhãn hàng hóa là việc thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá. Mục đích của hành vi này, đó là:
– Đối với người tiêu dùng: giúp họ nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm;
– Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm: để quảng bá cho sản phẩm của mình, tạo sự tin tưởng, niềm tin cho khách hàng;
– Đối với cơ quan quản lý: giúp các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát các sản phẩm lưu thông trên thị trường được dễ dàng và chặt chẽ hơn.
2. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa
Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, được pháp luật quy định cụ thể trong từng trường hợp trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa sẽ thuộc về ai. Điều 10 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về vấn đề này như sau:
“Nội dung ghi nhãn hàng hoá kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá.
1. Hàng hoá được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.
2. Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.
Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này trước khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
- Đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói, lưu thông tại Việt Nam:
Trong trường hợp này, đối tượng chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa là cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa. Nếu một sản phẩm có nhiều công đoạn do nhiều nhà sản xuất thực hiện thì trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thuộc về tổ chức, cá nhân hoàn thiện hàng hoá hoặc thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông.
Ví dụ: Công ty A và công ty B cùng hợp tác sản xuất sản phẩm bột canh. A chịu trách nhiệm chế biến bột canh, B chịu trách nhiệm đóng gói bột canh thành các túi 250gr và đưa sản phẩm ra thị trường để lưu thông. Như vậy trong trường hợp này, Công ty B là người chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, công ty B có thể ủy quyền hoặc giao cho công ty C thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sai sót trên nhãn hàng hóa của mình vẫn là công ty B.
- Đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài
Trong trường hợp này, pháp luật quy định trách nhiệm ghi nhãn thuộc về cá nhân, tổ chức thực hiện công việc xuất khẩu đó.
Ví dụ: Công ty A và công ty B cùng hợp tác sản xuất sản phẩm bột canh. A chịu trách nhiệm chế biến bột canh, B chịu trách nhiệm đóng gói bột canh thành các túi 250gr. Sau đó, B giao toàn bộ sản phẩm cho công ty C để công ty C tiến hành công việc xuất khẩu ra nước ngoài. Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa lúc này lại thuộc về công ty C.
Trường hợp hàng sử dụng để xuất khẩu không xuất khẩu được, sau đó đưa lại lưu thông trong nước thì việc ghi nhãn hàng hóa thuộc về cá nhân, tổ chức đưa hàng hóa vào lưu thông. Ví du: Công ty C giao lại toàn bộ số hàng trên cho công ty B để lưu thông trong nước. Như vậy, công ty B phải chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về việc ghi nhãn hàng hóa để lưu thông trong nước.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam:
Trong trường hợp này, đối tượng chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa là cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa. Nếu nhãn hàng hóa nước ngoài không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì nhà nhập khẩu phải tiến hành ghi nhãn phụ, và phải giữ nguyên nhãn gốc, nhãn chính.